9X làm giàu từ nuôi chim bồ câu Pháp
Nuôi chim bồ câu thương phẩm, bồ câu giống gia đình anh Phạm Thanh Nhật ở làng Tra, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn thu lãi trên 200 trăm triệu đồng mỗi năm.
Giống bồ câu Pháp thích hợp với môi trường nuôi nhốt, kháng bệnh cao, trọng lượng cũng nặng hơn các giống chim bồ câu bình thường. Ảnh: Minh Thái
Sau khi học hết cấp 3, chàng trai trẻ 9X Phạm Thanh Nhật nung nấu ý chí làm giàu ngay tại quê hương.
Anh tìm hiểu nhiều mô hình chăn nuôi và đặc biệt ấn tượng với mô hình nuôi chim bồ câu Pháp. Từ đó, anh Nhật đã tự tìm tòi kiến thức, kỹ thuật nuôi giống bồ câu ngoại này trên sách, báo và học tập những mô hình thành công ở một số tỉnh phía Bắc.
Với vốn kiến thức đã tích lũy được cùng 120 triệu đồng tiền vốn đầu tư ban đầu, anh Nhật bắt tay khởi nghiệp.
Đầu năm 2016, anh ra tận Bắc Giang mua 450 cặp chim giống bồ câu sinh sản về nuôi. Chuồng nuôi bồ câu được anh chia thành nhiều ô, với kích thước khác nhau, mỗi ô nuôi từ 4 - 5 con chim.
Theo anh Nhật, bồ câu Pháp rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là cám ngô và lúa trộn đều, ăn 2 lần/ngày. Với các cặp đang nuôi chim non thì cho ăn thêm mỗi ngày 1 lần. Ngoài ra, phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thức ăn, nước uống phải sạch sẽ và bổ sung thuốc bổ, tiêm thêm thuốc phòng bệnh đúng định kỳ.
Chim bồ câu Pháp có khả năng sinh sản rất đều và cao; trung bình mỗi cặp chim giống đẻ từ 8 -10 lứa/ năm. Ảnh: Minh Thái
Giống bồ câu Pháp có khả năng sinh sản rất đều và cao. Mỗi con bồ câu mái sau 4 - 5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2 trứng. Sau 10 - 15 ngày chim mái sẽ sinh sản lứa tiếp theo; tdrung bình mỗi cặp chim giống đẻ từ 8 - 10 lứa/năm.
Sau khi ấp 16 - 18 ngày trứng nở, chim con được chim bố, mẹ chăm sóc tại chuồng, đến ngày thứ 30, khi đạt đủ cân nặng thì có thể xuất chuồng bán thương phẩm.
Chim bồ câu tự ấp trứng và nuôi con, mỗi cặp sinh sản được bố trí nuôi trong lồng riêng, thích hợp với môi trường nuôi nhốt, kháng bệnh cao, trọng lượng đạt cao hơn các giống chim bồ câu bình thường.
Chỉ đầu tư mua giống ban đầu, sau đó gia đình có thể tự cung ứng lứa giống mới vừa giảm được chi phí đầu tư vừa có nguồn giống đảm bảo.
Nhờ đó, số chim bồ câu gia đình anh Nhật nuôi thường xuyên luôn đạt từ 450 - 500 cặp, trong đó có 250 cặp giống bố, mẹ. Trung bình mỗi tháng gia đình anh xuất bán từ 100 - 120 cặp chim các loại; với giá 200 - 300 nghìn đồng/cặp chim giống; 70 - 90 đồng/con chim thương phẩm (chim non, nặng từ 0,5kg). Bình quân mỗi tháng gia đình thu lãi 15 - 18 triệu đồng.
Gia đình anh Nhật nuôi thường xuyên từ 450 - 500 cặp chim bồ câu Pháp, bình quân thu lãi từ 15 - 18 triệu đồng/ tháng. Ảnh: Minh Thái
Nhận thấy mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình anh Nhật mang lại nguồn thu cao, dễ áp dụng, một số người dân trong xã học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu nuôi thử nghiệm.
Ông Lê Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm cho biết: Phát triển mô hình nuôi chim bồ câu Pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian tới, địa phương sẽ nghiên cứu để hỗ trợ tư vấn kỹ thuật chăn nuôi cũng như định hướng thị trường cho người dân để phát triển mô hình chăn nuôi này một cách bền vững”./.
Có thể bạn quan tâm
Từng được coi là một nguyên liệu chuẩn về hàm lượng dinh dưỡng trong chăn nuôi gia cầm, nhưng hiện nay, người chăn nuôi lại đang cân nhắc sử dụng bột cá vì giá
Để hạn chế stress nhiệt trên gia cầm, người nuôi không nên cho ăn vào thời điểm nóng nhất trong ngày, nên cho ăn vào buổi sáng sớm và chiều tối sẽ đạt hiệu quả
Những ngày này, bà con nông dân xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn đang vào vụ thu hoạch hành tăm. Năm nay hành tăm được mùa, giá bán cao gần gấp đôi so với năm ngoái