Anh Nguyễn Văn Nin Nông Dân Năng Động
“Bao nhiêu năm gắn với nghề nông, tôi cảm nhận sâu sắc một điều, mặc dù là người trực tiếp làm ra hạt lúa nhưng chưa bao giờ chúng tôi có cơ hội quyết định giá sản phẩm mình làm ra. Câu chuyện “tới mùa rớt giá” đã trở thành thông lệ khiến nông dân lao đao. Từ đó tôi quyết tâm tìm một hướng đi mới cho mình, cùng bà con nông dân cải thiện thu nhập”.
Đó là lời tâm sự chân tình của anh Nguyễn Văn Nin ngụ ấp An Tài, xã An Phước, huyện Tân Hồng, người đã có nhiều tâm huyết và đóng góp cho việc phát triển nông nghiệp của địa phương. Hiện tại, anh là tổ trưởng tổ hợp tác (THT) sản xuất nông nghiệp ấp An Tài, xã An Phước, huyện Tân Hồng.
Nhận thấy một số giống lúa của địa phương sau một thời gian dài sản xuất bộc lộ những hạn chế như: năng suất và phẩm chất gạo giảm sút, sâu bệnh tấn công nhiều làm tăng chi phí đầu vào nhưng nhu cầu của thị trường đối với các loại giống này ngày càng giảm.
Vì vậy, anh Nin đi tham quan nhiều nơi và học hỏi những mô hình sản xuất mới, tìm kiếm các giống lúa mới cho giá trị kinh tế cao về trồng thử nghiệm. Sau nhiều chuyến đi học tập, anh đưa về địa phương trồng thử nghiệm một số giống lúa mới, chất lượng và sản xuất theo đơn đặt hàng của một cơ sở xay xát ở tỉnh Sóc Trăng.
Vụ lúa thu đông năm 2014 là vụ mùa mở ra “bước ngoặt” mới đối với bà con trong THT sản xuất nông nghiệp ấp An Tài, khi lần đầu tiên 167/415ha lúa của đơn vị được sản xuất theo đơn đặt hàng, được bao tiêu giá và hỗ trợ chi phí đầu vào.
Theo đó, vụ thu đông này, bà con nông dân nơi đây được đơn vị bao tiêu hỗ trợ giống và 3 triệu đồng/ha cho chi phí sản xuất. Giá lúa được đơn vị bao tiêu mức cố định là 5.500 đồng/kg, hợp đồng bao tiêu được thỏa thuận và ký kết giữa THT và đơn vị bao tiêu dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương.
Giống lúa được bao tiêu là giống lúa RVT, có xuất xứ từ tỉnh Sóc Trăng, được nhà đầu tư cung cấp. Theo đánh giá ban đầu của bà con nông dân, đây là giống lúa chất lượng cao, hạt dài và nhỏ, năng suất tương đương với các giống lúa truyền thống của địa phương.
Anh Nguyễn Văn Nin cho biết thêm: “Trong vụ đông xuân tới, cơ sở xay xát này tiếp tục liên kết tiêu thụ cùng THT nhưng diện tích liên kết sẽ tăng lên 300ha và sản xuất 2 loại giống là RVT và ST20. Bên cạnh đó, để giảm áp lực chi phí thu hoạch cho nông dân và tránh tình trạng các chủ máy gặt đập liên hợp tăng giá tùy tiện, sắp tới THT sẽ hợp tác liên kết với 6 – 7 máy cộ lúa và máy gặt đập liên hợp để thu hoạch cho THT. Điều này cũng đáp ứng được nguyện vọng của bà con nông dân trong THT”.
Quy trình sản xuất, tiêu thụ lúa của anh Nin tuy không mới nhưng chuyện anh Nin thực hiện thành công mà không phải nông dân nào cũng có thể làm được. Theo thông tin từ UBND xã An Phước, dưới sự dẫn dắt của anh Nguyễn Văn Nin, những năm qua THT này có những hoạt động sản xuất nổi bật so với nhiều THT sản xuất nông nghiệp khác như: năng suất lúa hằng năm của nông dân trong THT đảm bảo, diện tích sản xuất của THT không ngừng tăng lên, tình trạng lúa bị ngập úng do mưa và lũ cũng không còn như những năm trước đây.
Ông Phan Văn Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã An Phước cho biết: “Cách làm của anh Nin đã tạo được sức lan tỏa và niềm tin trong bà con nông dân. Đây là THT có nhiều hoạt động và thành tích nổi bật. Theo nguyện vọng và nhu cầu của bà con trong THT sản xuất ấp An Tài, sắp tới UBND xã dự kiến sẽ xin thành lập đơn vị này thành hợp tác xã đa ngành nghề. Việc thành lập hợp tác xã là nhu cầu bức thiết của bà con nông dân trong THT”.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm giúp nông dân có định hướng nuôi trồng thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát huy thế mạnh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện An Phú phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản An Giang (đơn vị chuyển giao kỹ thuật) đã triển khai dự án “Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi cá sặc rằn”, từ tháng 3 - 2011 đến tháng 3 - 2013.
Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch Hiệp Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, giá bán vải quả tại vườn ngày 5 - 6 là 15 nghìn đồng/kg, tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg so với năm ngoái. Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ ngày càng nhiều, sản lượng vải thiều Bắc Giang giảm.
Sau nhiều năm tìm đầu ra ở thị trường nước ngoài, thanh long ruột đỏ, một trong những trái cây đặc sản của tỉnh Trà Vinh đã chính thức được xuất khẩu sang thị Mỹ.
Ngày 22-1, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Sở NN&PTNT Hậu Giang tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả 2 năm thực hiện dự án nghiên cứu ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Đồng bằng sông Cửu Long (CLUES) tại tỉnh Hậu Giang.
Về xã Lão Hộ trong một chiều mưa xuân, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự đổi khác của khung cảnh làng xóm nơi đây. Con đường làng đất đỏ chạy dài xưa kia nay đã được bê tông hoá hoàn toàn, xung quanh là những toà nhà cao tầng khang trang.