Ẩn họa điện thiếu an toàn
Khổ trăm bề
Vượt qua một con đường đá xô bồ rồi qua một chặng đường bằng xuồng mới đến ấp Phú Bình, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành.
Đến thăm một số hộ dân sống ven con kênh nối đập Mương Chắc và đập Giáo Hoàng, phương tiện để đi lại dù mùa mưa hay nắng vẫn là những chiếc xuồng, vì nơi đây chưa có lộ nông thôn.
Đoạn đường chỉ dài khoảng 2km, nhưng là nơi sinh sống của khoảng 40-50 hộ dân.
Đó chưa phải là cái khó duy nhất.
Hầu hết đường dây điện tại khu vực này do người dân tự bỏ tiền đầu tư.
Để có điện phục vụ sinh hoạt, nhiều hộ cùng góp tiền mua dây, lắp chung đồng hồ.
Dọc theo con kênh, dây điện giăng mắc chằng chịt, chồng chéo nhau.
Trung bình, mỗi hộ phải bỏ ra từ 3 đến 5 triệu đồng để “mang” điện về nhà, tùy theo quãng đường gần, xa.
Theo chính quyền địa phương thị trấn Mái Dầm, hầu hết người dân sống ở khu vực này đang sử đụng điện thiếu an toàn.
Gọi là điện thiếu an toàn vì muốn kéo được điện về, bà con dùng các loại cây gỗ tạm bợ như tràm, tre, trúc chỉ lớn bằng cổ tay.
Sức nặng của mớ dây điện lằng nhằng được chống bằng trụ đỡ yếu ớt.
Thậm chí, dây điện được luồn vào thân cây, chạy len lỏi trong các vườn cây ăn trái hoặc mắc vào những ngọn dừa nước.
Dây điện chỉ cao hơn đầu người chừng 1m.
Điện giăng chằng chịt khắp nơi trong vườn cây ăn trái, nhiều đoạn chắp vá ngay vị trí có người thường xuyên qua lại.
Theo ông Nguyễn Văn Danh, ở ấp Phú Bình, cũng là Trưởng ban công tác mặt trận của ấp, đường dây không đảm bảo nên nguồn điện cứ chập chờn lúc tỏ, lúc mờ.
Không chỉ khó khăn trong sinh hoạt, việc sản xuất cũng bị ảnh hưởng, nhiều hộ phải mua máy xăng, dầu về dùng để tưới tiêu cho vườn cây.
“Cứ 4-7 hộ xài chung một đường dây.
Như chỗ tôi đang sống có đến 7 hộ dùng chung 1 đồng hồ.
Hàng tháng, từng hộ góp tiền lại rồi cử người đi đóng cho ngành điện.
Tiền điện không quá cao nhưng đường xa, dây nhỏ, điện kéo về đến từng hộ chỉ phục vụ được cho nhu cầu sinh hoạt bình thường như đốt đèn, riêng tivi hay nấu cơm điện chỉ bật trong giờ thấp điểm.
Nhiều hôm nấu cơm không chín vì điện quá tải.
Cũng không ít lần dây bị đứt, tôi phải gọi điện cho mấy người nhà ngoài đầu lộ nhờ họ cúp cầu dao giùm rồi bơi xuồng hoặc lần mò vào vườn cây để tìm mối đứt nối lại.
Việc này xảy ra như cơm bữa, nhất là những ngày mưa bão.
Cá biệt, có hộ phải thuê nhà trọ bên ngoài Quốc lộ Nam Sông Hậu để tiện bề sinh hoạt, chỉ khi nào có việc cần hay chăm sóc vườn cây mới bơi xuồng về nhà”, ông Danh cho biết.
Nguy hiểm rình rập
Qua thời gian dài sử dụng, nhiều trụ cây đã mục nát và đổ ngã làm mất an toàn về điện.
Những sợi dây mỏng manh chỉ chực chờ rơi xuống bất cứ khi nào.
Có dây chỉ dài 300m nhưng chắp vá đến 5-6 chỗ.
Người dân ở đây cho biết, thực trạng này diễn ra đã nhiều năm, ai cũng phập phồng nhưng họ không thể nào làm khác hơn.
“Thấy điện giăng trên đầu mỗi khi bơi xuồng qua lại cũng sợ lắm, nhưng ngành điện không đầu tư, người dân thì không đủ kinh phí đành chịu cảnh sống trong bất an.
Hàng ngày đưa cháu đi học tôi nơm nớp lo sợ đi đạp phải dây điện bị đứt bất ngờ”, bà Bùi Thị Năm, ngụ cùng ấp, lo lắng.
“Hầu hết đường dây kéo từ trụ điện từ đầu kênh về đến nhà đều do người dân tự đầu tư.
Các đường dây mỏng manh, không chắc chắn, không theo bất kỳ tiêu chuẩn nào nên việc khắc phục tình trạng này là rất khó.
Đa số các hộ ở đây cuộc sống khá khó khăn, việc nâng cấp đường dây là chuyện không dễ dàng.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân biết cách sử dụng điện an toàn.
Đồng thời, tiếp tục kiến nghị ngành chức năng sớm tạo điều kiện cho người dân được sử dụng nguồn điện có chất lượng, vừa bảo đảm an toàn, vừa hợp lý giá cả, giúp bà con thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, cho biết.
Trên thực tế, không riêng gì các hộ dân ở ấp Phú Bình, nhiều nơi khác người dân vẫn sử dụng những đường dây điện thiếu an toàn, nhưng lại phải trả tiền điện cao gây khó khăn trong đời sống sinh hoạt và sản xuất.
Có đi mới có thấy sự mất an toàn về điện đe dọa đến tính mạng người dân như thế nào.
“Đã nhiều lần phản ánh với ngành điện, trình bày bức xúc trong mỗi đợt tiếp xúc cử tri” là ý kiến mà chúng tôi ghi nhận được từ các hộ dân.
Tuy nhiên, câu trả lời người dân nhận được vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Chi phí đầu tư cao, khu vực thưa dân là những lý giải cho những bức xúc của bà con.
Thay vào đó, ngành điện khuyến cáo người dân tăng cường công tác kiểm tra, thay mới dây điện cũ kỹ để tự bảo vệ chính mình và những người xung quanh.
Đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời bởi “việc thay dây cũ chỉ những hộ có điều kiện nghĩ tới, còn hộ nghèo thì đành sống chung với nguy hiểm”, ông Nguyễn Hoàng Lơ, ở ấp Phú Bình, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, than thở.
Trong khi chờ đợi ngành điện đầu tư thì ngày ngày người dân phải sống cùng nỗi lo từ những đường dây điện thiếu an toàn…
Có thể bạn quan tâm
Lời khuyên của chuyên gia nông nghiệp: Tích cực làm cỏ, bón phân cho lúa và hoa màu các loại đã trồng, cung cấp đủ nước cho cây nhất là lúa để chúng đẻ nhánh tốt.
Sau gần 50 năm chủ trương đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính với nhiều đối tượng vật nuôi, giờ chỉ còn hy vọng vào con vịt và gà thả vườn.
Không thể phủ nhận việc Việt Nam trúng thầu XK 800 ngàn tấn gạo sang Philippines sẽ có tác dụng không nhỏ trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong nước. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những băn khoăn, lo ngại...
Giới phân tích cho rằng chiến tranh về giá giữa ba nhà XK lớn ở châu Á là Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ có thể xảy ra tới đây.
Gần 6.000/21.000 con tôm hùm từ 20 đến 60 ngày tuổi ở xã này bỗng dưng chết, phần lớn là tôm trong giai đoạn lột vỏ. Mỗi hộ nuôi bị thiệt hại ít nhất từ 100 đến 600 con.