4 Lợi Ích Khi Dùng Phân Hữu Cơ
Việc dùng phân hóa học khiến chi phí đầu vào đội lên khá cao, một số nông dân ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) chuyển sang ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng. Nhờ áp dụng phương pháp mới trong ủ phân nên bà con giảm được gần một nửa chi phí đầu vào.
* 4 cái lợi
Do thiếu lao động, đa số nông dân trong tỉnh đã chuyển sang dùng phân hóa học cho tiện. Việc dùng nhiều phân hóa học đã khiến chi phí đầu vào tăng cao, cây trồng dễ bị sâu bệnh. Để giảm chi phí đầu vào và hạn chế sâu bệnh trên cây trồng, một số nông dân đã dùng thêm chế phẩm sinh học và áp dụng biện pháp mới rút ngắn được thời gian ủ phân từ 5 tháng xuống còn 1 tháng.
Nhờ chuyển qua bón phân hữu cơ, giảm phân hóa học nên cây trồng sinh trưởng tốt hơn, ít sâu bệnh giúp nông dân giảm được gần một nửa chi phí đầu vào.
Ông Lương Hữu Nghĩa ở ấp 2, xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), kể: "Gia đình tôi trồng 5 sào bưởi, trong 1 năm hết gần 20 triệu đồng mua phân hóa học và thuốc phòng bệnh cho cây. Nghe mọi người nói ủ phân bò bón cho cây vừa giảm được chi phí, cây lại ít sâu bệnh, tôi đã tận dụng nguồn phân bò có sẵn ủ phân. Song ủ theo phương pháp truyền thống phải 5 - 6 tháng phân mới hoai mục.
Theo hướng dẫn của Trạm khuyến nông Vĩnh Cửu, tôi đã áp dụng kỹ thuật mới, sử dụng thêm chế phẩm Trichoderma và Biofert UPC, thời gian ủ phân rút ngắn chỉ còn 1 tháng. Thế là, tôi chuyển qua dùng phân hữu cơ bón cho cây và hạn chế dùng phân hóa học, chi phí đầu vào giảm gần một nửa. Đồng thời, cây bưởi ít bị sâu bệnh, giảm rất nhiều tiền mua thuốc bảo vệ thực vật và công phun xịt".
Tương tự, ông Trần Minh Thiêm, xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu), nói: "Trước đây tôi ủ phân heo hơn 5 tháng mới hoai mục và trong 1 - 2 tháng đầu ủ thì mùi hôi bốc ra khá nồng nặc, rất khó chịu. Song áp dụng phương pháp mới và sử dụng thêm một số chế phẩm sinh học chỉ sau 4 - 5 ngày phân hết mùi hôi".
Một số nông dân áp dụng kỹ thuật mới vào trong ủ phân hữu cơ cho hay, cách làm này giúp họ được 4 cái lợi cùng lúc là: giảm được chi phí đầu vào; cây trồng phát triển tốt; ít sâu bệnh và môi trường bớt ô nhiễm.
* Sẽ nhân rộng mô hình
Ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm khuyến nông, cho biết: "Sau khi triển khai thành công mô hình này ở Vĩnh Cửu, trung tâm sẽ triển khai rộng rãi ra các huyện, thị xã. Vì với phương pháp ủ phân mới, nông dân có thể tận dụng các phế phẩm trong nông nghiệp như: phân bò, heo, gà, rơm, rạ, vỏ cà phê... trộn đều ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng để giảm chi phí đầu vào tăng lợi nhuận.
Cụ thể, với cây bưởi, nếu nông dân tự ủ phân hữu cơ bón cho cây chỉ hết 8 - 10 triệu đồng/hécta/năm, nhưng dùng phân hóa học sẽ hết hơn 20 triệu đồng/hécta/năm. Bên cạnh đó chưa kể dùng phân hóa học cây dễ bị sâu bệnh sẽ tốn thêm 5 - 6 triệu đồng/hécta/năm mua thuốc bảo vệ thực vật và công phun xịt".
Theo ông Trần Viết Huy, Trưởng trạm Khuyến nông Vĩnh Cửu, quy trình ủ phân mới khá đơn giản. Với 1 tấn phân bò, heo, gà hoặc phế phẩm nông nghiệp khác cần khoảng 3 - 4 lít chế phẩm sinh học Biofert UPC và 4 - 5 kg nấm đối kháng Trichoderma. Khi bắt đầu ủ, trộn đều chế phẩm Biofert UPC với phân, ủ đống cao 1 - 1,2 m.
Sau 8 ngày ủ thấy phân bắt đầu hoại và có hơi bốc lên tiến hành đảo trộn đống phân và tưới thêm nước để giảm nhiệt độ và duy trì độ ẩm tạo điều kiện cho vi sinh vật hoạt động phân nhanh hoai mục. Sau 20 - 30 ngày ủ, phân hoai mục trộn nấm Trichoderma bón cho cây trồng sẽ phòng trừ được một số nấm bệnh gây hại cho cây trồng, đặc biệt bệnh xì mủ trên cam, quýt, bưởi và sầu riêng.
Một số kỹ sư nông nghiệp tính toán, 1 tấn phân bón hữu cơ trên thị trường hiện có giá 2 triệu đồng/tấn, song chất lượng khó đảm bảo. Nếu nông dân tự mua phân bò, gà, heo, các phế phẩm nông nghiệp để ủ phân hữu cơ, tất cả chi phí chỉ hết khoảng 900 ngàn đồng/tấn mà chất lượng lại đảm bảo. Với cách làm này, nông dân sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí đầu vào trong khi năng suất cây trồng tăng cao và chất lượng nông sản được nâng lên.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh cháy bìa lá hay còn gọi là bạc lá trên lúa do vi khuẩn Xanhthomonas oryzae gây nên thường xuất hiện ở giai đoạn đòng trổ sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
Hiện trà lúa mùa sớm ở Nam Định đang bắt đầu đẻ nhánh. Song, rầy lứa 4 đã xuất hiện trên cánh đồng lúa với mật nơi cao từ 100 - 200 con/m2.
Thời tiết vụ mùa miền Bắc thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại đặc biệt là với các giống lúa chất lượng trong đó có Japonica (lúa Nhật).
Vòng đời sâu cuốn lá kéo dài khoảng 30 – 45 ngày, vòng đời của sâu dài hay ngắn còn tùy vào giống lúa, phân bón và thời tiết.
“Giá mà chú biết đến Đạm Cà Mau sớm hơn” – Chú Tắc rạng rỡ cười, chụp ảnh với ruộng lúa hè thu vàng óng và mượt mà, đang xào xạc reo ca trong gió...