4 giống đậu nành
Đây là những giống được trồng khảo nghiệm và khu vực hóa ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL trong nhiều vụ, ưu điểm vượt trội so với giống cũ.
Với mục tiêu chọn tạo giống đậu nành có tiềm năng năng suất cao, phẩm chất tốt, thích hợp các vùng sinh thái khác nhau ở ĐBSCL, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam) khuyến cáo đưa 4 giống đậu nành: KL 203, OMĐN 29, HL 07-15 và OMĐN 25-20 vào SX.
Đây là những giống được trồng khảo nghiệm và khu vực hóa ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL trong nhiều vụ, ưu điểm vượt trội so với giống cũ, có thể trồng nhiều vụ trong năm, tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu và kháng bệnh cao, TGST ngắn, phù hợp với các mô hình 2 lúa + 1 đậu tương.
Giống HL 203: Là giống gốc GC 84058-18-4 thuộc tổ hợp lai (PI 79712613 x PI 79712613 x SJ N0 4) được nhập nội năm 1999 theo bộ giống ASET 99 của Thái Lan. Hoa trắng, lông tơ vàng hung, vỏ trái khi chín có màu nâu nhạt, hạt màu vàng sáng, rốn hạt màu nâu nhạt. TGST 80 - 85 ngày, cây cao 50 - 70 cm, ít phân cành, trái tập trung trên thân chính. Trọng lượng 1.000 hạt 140 - 160 g, hàm lượng Protein 34,3%, Lipid 22%.
HL 203 có khả năng chống chịu được các bệnh xoắn lá, thối trái, bệnh gỉ sắt, cho năng suất ổn định từ 1,5 - 1,7 tấn/ha trong mùa mưa, 2,2 - 2,5 tấn/ha trong mùa khô. HL 203 thích hợp trồng các mùa trong năm trên cả 3 vùng sinh thái Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL.
Giống OMĐN 29: Được chọn tạo từ tổ hợp lai (OMQDN 1 x Kettum), hồi giao đến đời BC5 và tự thụ đến BC5F2. Giống đã được thanh lọc tính kháng gỉ sắt trong phòng thí nghiệm từ năm 2005 -2006, khảo nghiệm sinh thái từ 2007 - 2010 tại các vùng trồng chính thuộc Đông Nam bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL.
Hoa tím, lông tơ vàng hung, vỏ trái khi chín có màu vàng rơm, hạt vàng sáng, rốn hạt màu nâu nhạt, chín tập trung, ít tách hạt ngoài đồng. TGST 80 - 85 ngày, cây cao 50 - 60 cm, có 2 - 3 cành cấp 1 và 30 - 45 trái/cây, tỷ lệ trái 3 hạt đạt cao, 60 - 70%. Trọng lượng 1.000 hạt 150 - 175 g, hàm lượng protein 33,7%, Lipid 18,3%.
Giống có khả năng kháng bệnh gỉ sắt và thối trái, nhiễm nhẹ bệnh đốm lá vi khuẩn. Năng suất đạt 1,5 - 1,8 tấn/ha trong vụ HT và TĐ, đạt 2,5 - 3,2 tấn/ha trong vụ ĐX và XH. Tổng kết mô hình trồng thử nghiệm tại địa phương trong vụ ĐX 2012-2013, Trung tâm Khuyến nông Cần Thơ đánh giá, giống đậu nành OMĐN 29 phù hợp điều kiện địa phương, trái tập trung giữa thân, kháng sâu bệnh khá, tiêu thụ tốt, năng suất đạt 3 tấn/ha.
Giống HL 07-15: Được chọn tạo từ tổ hợp lai (HL 203 x HL 92) theo phương pháp phổ hệ. Hoa trắng, lông tơ trắng xám, vỏ trái khi chín có màu vàng nhạt, hạt vàng sáng, rốn hạt màu nâu nhạt. TGST 80 -82 ngày, cây cao 50 - 70 cm, phân cành trung bình, trọng lượng 1.000 hạt đạt 140 - 150g, hàm lượng protein 32%, Lipid 32%. Chống chịu bệnh xoắn lá, thối trái và bệnh gỉ sắt. Trái chín tập trung, hạn chế tách hạt ngoài đồng trong mùa khô.
Năng suất tương đối ổn định, đạt từ 1,5 - 1,8 tấn/ha trong mùa mưa và 2,2 - 3,5 tấn/ha trong mùa khô. HL 07-15 thích hợp cho các mùa vụ trong năm trên cả 3 vùng sinh thái Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL.
OMĐN 25-20: Hoa tím, lông tơ vàng hung, vỏ trái khi chín có màu vàng rơm, hạt vàng sáng, rốn hạt màu nâu nhạt. TGST 80 - 82 ngày, cây cao 50 - 60cm, phân cành trung bình. Trọng lượng 1.000 hạt 150 - 170 g, hàm lượng protein 35%, Lipid 18%. OMĐN 25 - 20 có khả năng chống chịu bệnh gỉ sắt, héo xanh vi khuẩn; trái chín tập trung, ít tách hạt ngoài đồng. Năng suất biến động từ 2,5 - 3,2 tấn/ha vụ TĐ, ĐX và XH, thích hợp cho các mùa vụ trong năm trên cả 3 vùng sinh thái Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL.
Có thể bạn quan tâm
Cây đậu tương được trồng rộng rãi ở các vùng sinh thái khác nhau. ở các tỉnh miền núi phía Bắc, cây đậu tương được trồng với diện tích lớn như Bắc Giang (8.700 ha), Sơn La (8000 ha), Cao Bằng (7.500 ha). Tuy nhiên, diện tích trồng cây đậu tương có thể phát triển nhiều hơn nữa trên nhiều loại đất khác nhau của miền núi (đồi, gò, nương rẫy...) có thể trồng xen với cây ăn quả, cây rừng chưa khép tán, cây công nghiệp ngắn ngày như mía và trồng luân canh với cây lương thực như ngô, lúa nương.
Mục đích: Cải tạo đất và có thêm thu nhập cải thiện đời sống gia dình. Bước 1: Chuẩn bị làm đất - Phát cỏ, dọn sạch đổ thành đống và đốt, sau đó dùng Trâu cày - Thời gian cày vào khoảng đầu tháng 7 dương lịch, cày xong phơi để ải trong 15 ngày - Làm luống rộng 35 - 40 cm, cao 20 cm, dài tùy theo nương, đào hốc trồng ngô với hốc cách hốc 30 cm, luống cách luống 25 - 30 cm
Cây đậu tương là cây thực phẩm có hiệu quả kinh tế lại dễ trồng. Sản phẩm từ cây đậu tương được sử dụng rất đa dạng như dùng trực tiếp hạt thô hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa đậu nành, okara... đáp ứng nhu cầu đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày của người cũng như gia súc.