Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Yếu tố giảm nguy cơ nhiễm bệnh đốm trắng trên tôm nuôi

Yếu tố giảm nguy cơ nhiễm bệnh đốm trắng trên tôm nuôi
Tác giả: NIMDA TH
Ngày đăng: 17/11/2021

Nghiên cứu của Trương Thị Mỹ Hạnh và cộng sự 2018 được đăng trên tạp chí Khoa học Công nghệ Thủy sản tháng 2/2018 đã cho thấy những yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh đốm trắng từ đó đưa ra biện pháp hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh WSSV cho tôm nuôi.

Yếu tố không gian

Lấy nước vào ao không qua hệ thống ao lắng

Kết quả phân tích cho thấy, ở vùng nuôi thẻ chân trắng tại Nghệ An, Nam Định và Quảng Ninh, những hộ nuôi lấy nước vào ao nuôi trực tiếp từ kênh cấp tôm nuôi có khả năng nhiễm bệnh do WSSV cao gấp 6,3 lần so với những hộ nuôi lấy nước vào ao nuôi qua hệ thống ao lắng. 

Nguồn nước vào ao mà không qua xử lý sẽ là điều kiện thuận lợi đưa mầm bệnh vào ao nuôi, do WSSV có thể sống ngoài tế bào vật chủ và tồn tại trong môi trường nước biển ở 30ºC ít nhất 30 ngày và trong nước ao nuôi ít nhất 3-4 ngày (Momoyama và cs, 1998; Nakano và cs, 1998), nếu nguồn nước có mang mầm bệnh là virus gây WSD thì việc truyền lây theo trục ngang sẽ xảy ra (Chou và cs, 1998; Venegas1 và cs, 1999). Hoạt động cấp dẫn nước vào ao nuôi chưa xử lý tốt sẽ là con đường cung cấp bổ sung mầm bệnh vào ao nuôi (Momoyama và cs, 1998; Nakano và cs, 1998; Kongkeo 1997).

Không sử dụng lưới lọc khi lấy nước

Nước được lấy qua lưới lọc góp phần rất lớn vào việc hạn chế tôm nhiễm bệnh do WSSV trong vụ nuôi, ở hộ có sử dụng lưới lọc khi lấy nước vào ao tôm giảm nguy cơ nhiễm WSD thấp hơn 3,2 lần so với hộ không áp dụng kỹ thuật này. 

Nước lấy vào ao nuôi không qua lưới lọc làm tăng khả năng đưa các sinh vật nhiễm WSSV vào trong ao nuôi (Lo và cs, 1996), có rất nhiều loài động vật thủy sinh bao gồm giáp xác, động vật không xương sống, sinh vật phù du bao gồm cả động vật phù du và thực vật phù du được xác định là vật mang WSSV gây bệnh đốm trắng cho tôm nuôi (Jiang, 2012; Liu và cs, 2007). Trong nghiên cứu này đối với mô hình nuôi thâm canh, việc lấy bổ sung nước vào ao nuôi trong vụ nuôi là yếu tố nguy cơ gây tôm nuôi nhiễm bệnh đốm trắng, kết quả này hoàn toàn trùng hợp với nghiên cứu của Takahashi và cs, (1995). Tác giả cho rằng khi cấp nước vào ao nuôi, đặc biệt với khối lượng nước lớn có thể đã gây sốc cho tôm nuôi và do đó bệnh đốm trắng dễ bùng phát, tuy nhiên điều này trái ngược với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến.

Ở mô hình nuôi quảng canh cải tiến thì việc bổ sung nước vào ao nuôi lại được xem là yếu tố ngăn ngừa (protector factor) xuất hiện dịch bệnh đốm trắng, nghĩa là việc điều tiết, lấy nước hợp lý chủ yếu là cấp nước vào ao nuôi trong tháng trước (mùa khô) có tác dụng hạn chế bệnh virus đốm trắng xảy ra trong tháng sau của ao trong vụ nuôi (Nguyễn Văn Hảo và cs, 2007).

Bổ sung nước (chưa qua xử lý) vào ao trong quá trình nuôi

Tiếp đến trong quá trình nuôi việc bổ sung nước chưa qua xử lý vào ao nuôi cũng là nguy cơ cao hơn 3,6 lần so với ao không áp dụng kỹ thuật này.

Kết quả nghiên cứu trùng hợp với nghiên của Umesh và cs, (2008) khi chỉ ra nguồn nước được xác định là một trong những yếu tố nguy cơ gây tôm nuôi nhiễm bệnh do vi rút đốm trắng gây ra. Như vậy kết quả phân tích cho thấy kỹ thuật lấy nước vào ao nuôi có ý nghĩa giảm thiểu nguy cơ tôm nuôi nhiễm bệnh do WSSV gây ra. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã khẳng định thêm một lần nữa rằng việc lấy nước, quản lý nguồn nước cấp vào ao nuôi tôm là rất quan trọng.

Yếu tố thời gian

Ao nằm trong vùng nuôi có ao bệnh

Trong khu vực ở thời điểm có hộ nuôi báo xuất hiện tôm nhiễm bệnh đốm trắng thì khả năng ao nuôi còn lại trong khu vực này bị WSSV cao hơn gấp 4,6 lần so với những ao nuôi ở khu vực không bị WSSV.

Không kiểm tra môi trường nước ao nuôi thường xuyên

Hơn nữa, xác suất xuất hiện WSSV ở những ao nuôi được thường xuyên kiểm tra môi trường sẽ thấp hơn 3,7 lần so với ao nuôi không thực hành kỹ thuật này. Môi trường kiểm tra thường xuyên được hộ nuôi đề cập đến bao gồm nhiệt độ, pH, độ mặn và oxy hòa tan.

Qua đây nhận thấy, rõ ràng dù áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh với chi phí đầu tư cao cả về cơ sở hạ tầng và kỹ thuật nhưng không giảm được các yếu tố nguy cơ gây tôm nhiễm WSSV, nguyên nhân được xác định do các chủ hộ nuôi chưa nghiêm túc thực hiện đúng các hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến cả chu kỳ nuôi tôm của một vụ tương ứng với mô hình nuôi tôm thâm canh.

Về đối tượng

Thả giống với cỡ nhỏ hơn post 10

Nghiên cứu tại vùng nuôi ở Nghệ An, Nam Định và Quảng Ninh cho thấy sử dụng con giống có cỡ nhỏ hơn post 10 thì nguy cơ tôm nhiễm bệnh do WSSV cao hơn gấp 7,5 lần so với giống thả đạt cỡ post ≥ 10. Điều đó cho thấy cỡ tôm giống đưa vào nuôi có vai trò hết sức quan trọng. Cỡ tôm giống được tính theo ngày tuổi của chúng sau khi qua giai đoạn biến thái, khi đạt giống ≥ post 10 được khuyến cáo nên sử dụng chuyển thả nuôi ở ao. Ở cỡ này có thể đem lại sức chống chịu tốt bởi hội chứng đốm trắng hơn đối với cỡ giống nhỏ đồng thời giúp tăng trọng nhiều hơn vào những ngày đầu tiên trong ao.

Một kết quả nghiên cứu của De Yta và cs (2004) theo dõi tỷ lệ sống của cỡ tôm thả đã xác nhận, tỷ lệ sống đạt cao nhất 79% (thả post 30), tỷ lệ giảm xuống 77% khi thả tôm post 20 và 67% (cỡ post 10), tỷ lệ sống giảm tỷ lệ thuận với cỡ tôm giống thả nuôi. 

Không giảm sốc khi thả tôm nuôi

Bên cạnh đó, vai trò hoạt động giảm sốc cho tôm giống khi thả nuôi cũng được chỉ rõ, ở ao nuôi không áp dụng kỹ thuật giảm sốc cho tôm giống thì tôm nuôi có nguy cơ nhiễm bệnh do WSSV gây ra cao hơn gấp 4,8 lần so với ao có áp dụng kỹ thuật này. Thực tế ở vùng nuôi kỹ thuật giảm sốc cho tôm khi thả nuôi chưa được quan tâm, nhiều hộ nuôi không áp dụng đặc biệt ở Nam Định, Quảng Ninh và Nghệ An với tỷ lệ lần lượt tương ứng 75,6; 58,1 và 40%. 

Bởi những thay đổi đột ngột các yếu tố môi trường nước sẽ làm rối loạn các chức năng sinh lý trong cơ thể tôm giống, gây sốc, yếu, ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, giảm sức đề kháng bệnh của tôm (Nguyễn Văn Thành, 2017). Khi tôm giống bắt đầu thả, các chuyên gia kỹ thuật khuyến cáo hộ nuôi thực hành các giải pháp giảm sốc cho tôm giống như tạt khoáng, Vitamin C và cân bằng nhiệt độ môi trường ao nuôi với nhiệt độ nước trong túi chứa tôm. Vitamin C được xem như là chất kháng ôxy hóa, kích thích hệ miễn dịch, hỗ trợ hấp thu sắt, giúp ngăn ngừa hiện tượng thiếu máu thường gặp và giảm sốc cho tôm nuôi (Lê Cung, 2015).

Xuất hiện sinh vật khác trong ao nuôi

Ngoài ra, sự xuất hiện của sinh vật khác ngoài tôm nuôi trong ao nuôi tôm là dấu hiệu báo nguy cơ tôm nuôi nhiễm bệnh do WSSV cao gấp 3,9 lần so với ao nuôi không xuất hiện sinh vật khác. Những loài thường xuất hiện trong ao tôm như: Cáy đỏ, tôm gai, tôm càng, tôm rảo và ốc đinh, cá bống, 1 số loài vẹm, nghêu và giun nhiều tơ…

8 yếu tố giúp hạn chế nguy cơ nhiễm WSSV trong nuôi tôm

NGHIÊN CỨU XÁC ĐỊNH MỘT SỐ YẾU TỐ NGUY CƠ LIÊN QUAN BỆNH ĐỐM TRẮNG TRÊN TÔM CHÂN TRẮNG (Litopenaeus vannamei) NUÔI THÂM CANH TẠI MỘT SỐ TỈNH MIỀN BẮC của Trương Thị Mỹ Hạnh, Huỳnh Thị Mỹ Lệ, Phạm Thị Yến,Trương Thị Thành Vinh, Chu Chí Thiết, Phan Thị Vân


Có thể bạn quan tâm

Khả năng tự nhân bản kinh ngạc của loài tôm càng đột biến Khả năng tự nhân bản kinh ngạc của loài tôm càng đột biến

Các nhà khoa học đã xác nhận khả năng tự nhân bản hiệu quả của chúng và loài giáp xác này không còn chỉ là một loài động vật thủy sinh nữa mà nó đã bắt đầu

15/11/2021
Nuôi tôm theo công nghệ semi-biofloc Nuôi tôm theo công nghệ semi-biofloc

Mô hình nuôi tôm của anh Thắng được duy trì và thành công cả 3 vụ nuôi. Vụ thứ 4 tôm đang đạt kích cỡ 48 con/kg.

15/11/2021
Các yếu tố ảnh hưởng thủy phân protein từ phụ phẩm cá lưỡi trâu Các yếu tố ảnh hưởng thủy phân protein từ phụ phẩm cá lưỡi trâu

Các yếu tố ảnh hưởng đến thủy phân phụ phẩm cá lưỡi trâu bằng phương pháp enzyne để tận dụng protein.

17/11/2021