Yên Nguyên phát triển nghề nuôi cá lồng đặc sản
Nhằm khai thác hiệu quả diện tích mặt nước sông Lô chảy qua địa bàn, trong những năm qua bà con xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) tập trung đầu tư nuôi cá lồng đặc sản. Qua đó đã góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương.
Trong ảnh: Ông Trần Văn Thân, thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) chăm sóc cá lồng đặc sản.
Ông Trần Văn Thân, thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết, gia đình ông từ nhiều năm nay đã nuôi cá lồng trên sông Lô, chủ yếu là các loại cá trắm, trôi, rô phi cho hiệu quả kinh tế ít. Đầu năm 2015, gia đình ông đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh đầu tư xây dựng 3 lồng sắt để nuôi cá chiên.
Sau hơn 1 năm nuôi đến nay 3 lồng cá đặc sản của gia đình ông đã cho thu hoạch. Cũng theo ông Thân, cá chiên là loài khá dễ nuôi, ít bị bệnh. Mỗi lứa nuôi từ 1 năm đến năm rưỡi, khi cá đạt trọng lượng trung bình từ 1,5 đến 2 kg/con có thể xuất bán.
Với 3 lồng nuôi, mỗi lồng nuôi gần 500 con, giá bán buôn từ 450.000 đồng đến 470.000 đồng/kg, mỗi vụ sau khi trừ chi phí gia đình ông thu về trên 50 triệu đồng. Ngoài ra ông Thân cũng là tổ trưởng tổ tự quản nuôi trồng và khai thác thủy sản trong thôn với 30 hộ gia đình tham gia.
Còn đối với ông Đinh Văn Lan cũng là người tham gia nuôi cá đặc sản ở cùng thôn cho biết, trong thôn những hộ có điều kiện thì làm lồng bằng khung sắt, lưới và phao nhựa, hộ ít vốn thì tận dụng những cây tre, cây luồng trên rừng để làm lồng. Tùy theo kích cỡ lồng mà thả cá phù hợp, tránh thả quá dày. Đặc biệt, nuôi cá ở sông Lô quanh năm nước chảy nên ít xảy ra dịch bệnh.
Đến nay gia đình ông có 4 lồng nuôi các loại cá đặc sản như chiên, lăng… Nguồn thức ăn chính cho 4 lồng cá của gia đình ông chủ yếu là các loài cá tạp, được các thương lái thu mua ở trên hồ thủy điện Tuyên Quang về bán cho các hộ nuôi cá lồng ở nơi đây.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian tới, UBND xã Yên Nguyên tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích phát triển nghề nuôi cá lồng. Trong đó xã lấy quy hoạch làm trọng tâm để tạo ra những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
Xã tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân, chú trọng tập huấn kỹ thuật mới, qua đó góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; chú trọng phát triển thủy sản đi đôi với bảo vệ môi trường, ngăn chặn tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, quan tâm tìm kiếm thị trường tiêu thụ để nghề nuôi cá đặc sản ở nơi đây được phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi tôm chân trắng trên ao lót bạt sử dụng nguồn nước cấp từ ao nuôi cá rô phi; mô hình nuôi ghép tôm sú với cá đối mục hay cá dìa, cá măng.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, năm 2017, ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy thế mạnh nuôi tôm nước lợ và cá tra với kỳ vọng đóng góp cho tăng trưởng.
Khi nhiều quốc gia tại châu Á đua nhau sản xuất cá rô phi, Mỹ Latinh tiếp tục đẩy mạnh giá trị gia tăng cho sản phẩm này và là một chiến lược