Xuất khẩu tôm khởi sắc
Quý 1 năm nay, xuất khẩu (XK) tôm tương đối thuận lợi, giá tôm nguyên liệu, nhất là giá tôm thẻ chân trắng cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, trong 2 tháng đầu năm, giá trị XK tôm của nước ta đã đạt 378,4 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. XK tôm tăng mạnh chủ yếu nhờ vào 2 thị trường hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc - Hồng Kông. 2 tháng đầu năm, XK tôm sang Mỹ tăng tới 24,8% so với cùng kỳ.
Sự tăng trưởng này có nguyên nhân quan trọng từ kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính lần 9 (POR9) thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh NK từ Việt Nam, do Bộ Thương mại Mỹ thực hiện. Với mức thuế suất chỉ còn trung bình 0,91% (giảm mạnh so với 6,37% của POR8), các doanh nghiệp đã đẩy mạnh XK tôm vào Mỹ.
Thị trường Trung Quốc - Hồng Kông còn tăng trưởng ấn tượng hơn nữa, tới 36,5% (đạt 64,8 triệu USD). Qua đó, thị trường này từ vị trí thứ 4 trong năm ngoái, đã nhảy lên vị trí thứ 2 trong số những thị trường NK tôm Việt Nam. Chính nhờ sự tăng trưởng mạnh ở 2 thị trường này nên dù một số thị trường NK khác có giảm sút (EU giảm 1,8%; Nhật Bản giảm 2,4%; Hàn Quốc giảm 0,6%; Canada giảm 17,3%) nhưng XK tôm nói chung vẫn tăng trưởng khá. Giá tôm XK cũng đã tăng nhẹ khoảng 4 - 5%.
Việc giá tôm nguyên liệu tăng đang là một động lực tốt để khuyến khích người nuôi mạnh dạn thả tôm trong thời gian tới, nhất là khi có mưa xuống vào tháng 5, tháng 6, qua đó có thể bù lại việc giảm sản lượng do giảm diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng và thiệt hại vì dịch bệnh trong những tháng đầu năm. Nhu cầu XK tăng đang khiến cho các nhà máy thiếu tôm nguyên liệu ngay từ đầu năm và dự báo XK tôm năm nay sẽ khởi sắc hơn so với năm 2015.
Với người nuôi tôm, niềm vui lớn nhất là giá tôm nguyên liệu, nhất là tôm thẻ chân trắng đã tăng nhiều so với đầu năm 2015. Ông Võ Quang Huy (Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng), cho biết nếu như đầu năm ngoái, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg chỉ ở mức 70.000 - 80.000 đ/kg, thì hiện đang ở mức 100.000 đ/kg, tôm thẻ loại 50 con/kg có giá 150.000 đ/kg…
Với giá này, người nuôi tôm có mức lợi nhuận tốt, bởi giá thành (loại 100 con/kg) chỉ khoảng 70.000 - 80.000 đ/kg.
Theo ông Võ Quang Huy, giá tôm nguyên liệu tăng mạnh, phần lớn nhờ sức mua từ thị trường Trung Quốc. Trung Quốc mua tôm theo mùa.
Từ đầu năm đến tháng 6, bên họ chưa vào vụ thu hoạch tôm nên cho phép thương nhân được nhập khẩu tôm Việt Nam qua đường tiểu ngạch, không thuế má gì cả. Vì thế, các thương nhân Trung Quốc đang đẩy mạnh mua tôm nguyên liệu ở Việt Nam.
Nhưng một điều đáng lo ngại là, năm nay, thương nhân Trung Quốc mua tôm mà không cần bận tâm xem tôm đó có dư lượng kháng sinh hay không. Điều này sẽ làm cho nhiều hộ nuôi tôm lơ là khuyến cáo của cơ quan chức năng về việc không lạm dụng kháng sinh trong nuôi tôm.
Mặt khác, việc thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh NK tôm nguyên liệu từ Việt Nam, cũng là nguyên nhân khiến cho các nhà máy tôm ở ĐBSCL gặp khó khăn hơn về nguyên liệu. Như ở Cà Mau, đã có 17/33 nhà máy chế biến tôm bị thiếu nguyên liệu.
Nhìn chung, các nhà máy ở Cà Mau chỉ đang chạy chưa tới 40% công suất. Nhiều nhà máy chế biến tôm khác ở Nam bộ đã buộc phải từ chối một số hợp đồng gía trị gia tăng vì lo không tìm được nguồn nguyên liệu cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Cà Mau có gần 10.000 ha nuôi tôm công nghiệp, tập trung chủ yếu tại các huyện: Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân. Tuy nhiên, diện tích đang thả nuôi chỉ đạt khoảng 35%.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2015, diện tích thu hoạch cá tra khoảng 3.600ha, sản lượng trên 1 triệu tấn (giảm 2% so với cùng kỳ năm 2014) với năng suất trung bình đạt 285 tấn/ha (so với năm 2014 là 279 tấn/ha). Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2015 đạt trên 1,5 tỉ USD, giảm 11,5%.
Chiều 4/4, tại cảng cá Nam Cửa Việt, UBND tỉnh Quảng Trị và Cty CP Cơ khí Đóng tàu Thủy sản Việt Nam đã bàn giao tàu cá lưỡi rê vỏ thép đóng mới cho ngư dân...