Xuất khẩu thủy sản dần phục hồi từ quý III/2020, dự báo cả năm đạt 8,3 tỷ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu thủy sản quý II tiếp tục giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ, sau đó hồi phục dần vào quý III và quý IV. Kết quả cả năm 2020 đạt 8,26-8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 4 đạt 150.000 tấn, trị giá 600 triệu USD, tăng 1% về lượng, nhưng giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản đạt 553.100 tấn, trị giá 2,215 tỷ USD, giảm 3,4% về lượng và giảm 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 5/2020 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ Covid-19, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ thấp hơn trong tháng 4 khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng phong tỏa.
VASEP cho rằng, diễn biến Covid-19 còn rất phức tạp tại các nước trên thế giới, do vậy, trong vài tháng tới, tình hình xuất khẩu chắc chắn tiếp tục bị tác động giảm.
Doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn/hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán cũng không thuận lợi.
Xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 và cả quý II/2020 sẽ chưa thể hồi phục vì một số thị trường vẫn bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch covid, nhất là thị trường EU.
Xuất khẩu sang Trung Quốc cũng chưa thể hồi phục được như trước thời điểm có dịch. Các nước ở tâm điểm dịch có thể sẽ nới lỏng phong tỏa, nhưng việc giao dịch chưa thể thông suốt và hồi phục ngay.
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản quý II sẽ tiếp tục giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 2 tỷ USD, sau đó sẽ hồi phục dần vào quý III và quý IV, kết quả cả năm 2020 sẽ đạt 8,26-8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.
Tuy nhiên, VASEP đánh giá các doanh nghiệp của ngành thủy sản có cơ hội để thích ứng, phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới khi niềm tin của các nhà đầu tư với Việt Nam và với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể hiện nay và sau Covid-19 được khống chế.
Mặt khác, các quốc gia cạnh tranh thuỷ sản chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuado phải phong toả cách ly chống dịch, giảm đáng kể đến 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu; Indonesia hay Philippines, Thái Lan cũng giảm khoảng 30%. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất để duy trì nguồn cung cho thế giới. Đây là cơ hội lớn cho thuỷ sản Việt Nam.
Cộng thêm, nhu cầu nguồn nguyên liệu qua sơ chế từ Việt Nam có xu hướng tăng. Các sản phẩm thủy sản tiện dụng (RTC và RTE) có giá trị gia tăng có xu hướng đươc ưa chuộng hơn trên thị trường thế giới
Bên cạnh đó, sẽ có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là sau khi xảy ra “chiến tranh” thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid -19. Các ngành hàng phụ trợ cho sản xuất thủy sản (sản xuất thuốc, hóa chất, bao bì vật tư, trang thiết bị, dụng cụ cho nuôi trồng thủy sản, chế biến…) có cơ hội phát triển tại Việt Nam, từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiẹp thủy sản chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
Sản phẩm mực, bạch tuộc nhập khẩu của Nhật Bản, T1-T4/2017, theo khối lượng
Sản phẩm mực, bạch tuộc nhập khẩu của Nhật Bản, T1-T4/2018, theo giá trị
Sản phẩm mực, bạch tuộc nhập khẩu của Nhật Bản, T1-T4/2018, theo khối lượng