Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi mục tiêu và thách thức
Về xuất khẩu, đến năm 2025 xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD từ thịt và sản phẩm chăn nuôi; đến năm 2030, mỗi năm xuất khẩu được khoảng 600 nghìn tấn thịt lợn, tương đương giá trị 2,5-3 tỉ USD.
Theo các chuyên gia từ Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chiến lược ngành chăn nuôi giai đoạn 2008-2020 nêu mục tiêu: Đến năm 2020, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 1,2 - 1,5 tỉ USD/năm, trong đó xuất khẩu thịt lợn đạt 500 - 800 triệu USD/năm. Tuy vậy, đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi mới đạt 440 triệu USD với trên 5.000 tấn thịt lợn đông lạnh, khoảng 20 triệu USD; hơn 2.500 tấn thịt gà chế biến, trên 43 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu sữa đạt khoảng 270 triệu USD, mật ong trên 53.000 tấn, hơn 100 triệu USD, tổ yến,… Nhắc lại điều này để thấy mục tiêu xuất khẩu trong chiến lược giai đoạn 2021 -2030 là thách thức không nhỏ với ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực chăn nuôi, chế biến, kinh doanh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi nói riêng.
Nói về dư địa, các chuyên gia cho rằng, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi là rất lớn khi Việt Nam đã đàm phán thành công xuất khẩu thịt gà chế biến sang Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc) và các nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu... 14 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)… là cơ hội để chúng ta mở rộng thị trường xuất khẩu nông - lâm -thủy sản, rau quả nói chung, sản phẩm chăn nuôi nói riêng. Nhiều cơ sở công nghiệp chế biến của ta được trang bị công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới, đáp ứng yêu cầu các thị trường đã đi vào hoạt động. Quy mô nuôi trang trại có liên kết với doanh nghiệp, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường đang mở rộng…
Tuy nhiên các chuyên gia cũng nhấn mạnh, ngành hàng dễ bị “tổn thương” nhất sẽ là chăn nuôi khi phải đối mặt nhiều thách thức. Đó là quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ với tư duy “chăn nuôi là tiền bỏ ống”, kỹ thuật nuôi và công nghệ mới trong chăn nuôi chậm được áp dụng, chưa chú trọng đến quản lý an toàn dịch bệnh cũng như các vấn đề về môi trường, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu vật tư đầu vào, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Về khó khăn khách quan, trước hết là giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao do xung đột Nga – Ukraine, chuỗi cung ứng vận tải toàn cầu đứt gãy do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và nhất là khi nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng luật phúc lợi động vật, đây là điều đa số người chăn nuôi nhỏ lẻ không nắm được. Khó khăn còn là các yêu cầu về an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc vật nuôi ngày càng được nâng cao. Và việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chế biến còn gặp một thách thức lớn là, khẩu vị của các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau.
Để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt mục tiêu, tại nhiều diễn đàn, cả chủ doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật tư thú y,… và các chuyên gia đều nhấn mạnh đến việc nhanh chóng hoàn thiện thể chế mọi mặt để mở đường cho việc triển khai chiến lược, nhất là nâng cao tỷ lệ nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng liên kết, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc dễ dàng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và quản lý; tuyên truyền sâu rộng đến người chăn nuôi, doanh nghiệp chế biến, kinh doanh sản phẩm chăn nuôi về luật phúc lợi động vật; tiếp cận sâu rộng các thị trường về văn hóa ẩm thực để hiểu rõ khẩu vị từng quốc gia, dân tộc, tôn giáo, vùng miền; đẩy nhanh xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu cho công nghiệp thức ăn chăn nuôi; khuyến khích kinh tế tư nhân đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất vắcxin, thuốc thú y, các nguyên liệu đầu vào cơ bản của thức ăn chăn nuôi để hạ giá thành sản xuất và chế biến sản phẩm trên cơ sở trang thiết bị, công nghệ tiên tiến nhất; hỗ trợ quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại với sản phẩm chăn nuôi Việt Nam…
Hy vọng, với sự vào cuộc trên tinh thần sáng tạo, đồng bộ và mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các đơn vị khoa học, doanh nghiệp, người chăn nuôi, ngành chăn nuôi có những đột phá để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra.
Có thể bạn quan tâm
Ngành chăn nuôi được coi là có quy mô “hoành tráng” nhất trong các nhóm ngành của ngành Nông nghiệp và PTNT.
Mắc ca ở Tây Bắc được xác định là cây lâm nghiệp đa mục đích vừa mang lại giá trị kinh tế vừa bảo vệ môi trường hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo.
Hiện, diện tích cây thanh long của Tiền Giang đạt hơn 9.500 ha, 85% sản lượng xuất bán sang thị Trung Quốc.