Xuất khẩu rau quả chế biến tăng trưởng khả quan
Tác động của dịch Covid-19, trong khi xuất khẩu rau quả tươi giảm mạnh thì xuất khẩu rau quả chế biến lại tăng trưởng khả quan. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, mặt hàng rau quả chế biến là chủng loại sản phẩm có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới.
Cục Xuất nhập khẩu cho hay, theo ước tính, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 5/2020 đạt 350 triệu USD, tăng 2,3% so với tháng 4/2020, nhưng giảm 1,4% so với tháng 5/2019. Trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,58 tỷ USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu các loại quả tươi đạt 865 triệu USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu thanh long trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 416,27 triệu USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2019. Quả thanh long xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Trung Quốc đạt 384,95 triệu USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 92,5% tổng trị giá xuất khẩu thanh long. Trong khi đó, trong 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả chế biến tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2019, đạt 237 triệu USD, tăng 36,1%. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 59,36 triệu USD, tăng 82,6% so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu sang thị trường Đài Loan đạt 14,8 triệu USD, tăng 205,7%; Nga đạt 17,1 triệu USD, tăng 178,6%....
Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường, Cục Xuất nhập khẩu nhìn nhận, sản phẩm chế biến sẽ vẫn là chủng loại chiếm ưu thế bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu. Hàng rau quả chế biến là chủng loại sản phẩm có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến làm tăng trị giá xuất khẩu toàn ngành hàng rau quả khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều thị trường trên thế giới là giải pháp tối ưu.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, ngoài các thị trường truyền thống, khu vực Trung Đông và châu Phi là thị trường giàu tiềm năng đối với các loại nông sản chế biến, đặc biệt là dòng sản phẩm rau, quả. Tuy nhiên, do vị trí địa lý xa và không thuận lợi cho xuất khẩu, nên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm tới khu vực này. “Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới, vì vậy việc đẩy mạnh và nỗ lực khai thác các thị trường xuất khẩu mới là rất cần thiết. Khu vực Trung Đông và châu Phi bao gồm 70 quốc gia với 1,6 tỷ dân, nhu cầu nhập khẩu lương thực thực phẩm, rau quả rất lớn”, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị.
Hiện rau quả xuất khẩu tươi của Việt Nam chiếm khoảng 69%, còn lại là hàng sơ chế và chế biến sâu. Tỷ lệ này vẫn có sự chênh lệnh lớn, cần được cải thiện bởi thị trường đang hướng tới những sản phẩm chế biến sâu như hàng sấy khô, nước ép đóng hộp. Các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là khi phát triển theo hướng chế biến, rau quả Việt có thể kiểm soát được giá thành, nâng giá trị hàng hoá gấp 3 - 4 lần so với bán quả tươi. Chưa kể, đưa trái cây, rau củ vào chế biến sâu sẽ tăng thời gian bảo quản, giúp thoát được khủng hoảng như dịch bệnh vừa qua.
Có thể bạn quan tâm
Giá xuất khẩu mặt hàng chè trong tháng 5 bình quân đạt 1.674,8 USD/tấn, giảm 2,3% so với cùng kì năm 2019.
Giá dầu cọ giảm 0,13%. Thị trường tìm kiếm những tín hiệu mới. Mối lo ngại về các trường hợp nhiễm virus corona mới tiếp tục gây áp lực giá.
Giá gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm IR 504 hôm nay không đổi so với ngày hôm qua; nguồn gạo OM 5451 về nhiều; giá gạo tại An Giang giảm.