Xuất khẩu cá ngừ sang Italy tăng đột biến
Xuất khẩu (XK) cá ngừ của Việt Nam sang Italy trong tháng 9 tăng tới 8.599% so với cùng kỳ. Điều này đã đưa Italy trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU trong 9 tháng đầu năm 2020.
Thông tin trên được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam thông tin ngày 22/10. Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam tháng 9 cho thấy XK cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính có nhiều chuyển biến tích cực. So với cùng kỳ, XK sang các thị trường trước đó tăng trưởng âm đã phục hồi trở lại như Mỹ, EU và Nhật Bản.
Theo đó, cá ngừ đóng hộp vẫn là nhóm sản phẩm duy nhất XK có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, tăng 22%. Trong khi đó, XK cá ngừ tươi sống, đông lạnh của Việt Nam giảm tới 30%.
Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đã có dấu hiệu phục hồi trong 2 tháng trở lại đây sau một thời gian sụt giảm do tác động của đại dịch Covid-19. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9 đạt hơn 25 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện tại, thị trường cá ngừ đóng hộp tại Mỹ sau thời gian dài ảm đạm đang có sự tăng trưởng tốt do vốn là món ăn quen thuộc với hầu hết người tiêu dùng và sự gián đoạn nguồn cung cấp thịt bò, thịt lợn và gia cầm do đại dịch Covid-19. NK cá ngừ của nước này đang có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến, trong thời gian tới nhập khẩu cá ngừ đóng hộp Mỹ sẽ tiếp tục tăng.
Còn tại thị trường EU, sau hai tháng Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, XK cá ngừ của Việt Nam sang EU đã có sự tăng trưởng cao trong tháng 9, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Italy trong tháng 9 tăng tới 8.599% so với cùng kỳ. Điều này đã đưa Italy trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU trong 9 tháng đầu năm 2020.
Việc EU xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304) ngay khi hiệp định có hiệu lực đang khiến các sản phẩm này của Việt Nam trở nên hút hàng hơn đối với các nước EU. Bên cạnh đó, các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam cũng đang được thị trường này quan tâm. Với kết quả này có thể thấy cánh cửa vào thị trường EU đang mở rộng hơn cho các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam.
Ngoài thị trường Mỹ và EU, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản và Canada cũng đang có sự tăng trưởng trong tháng 9. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản sau 3 tháng sụt giảm liên tục đã có tăng trở lại. Nhật Bản đang có xu hướng tăng nhập khẩu cá ngừ chế biến của Việt Nam, cụ thể là các mặt hàng thịt/loin cá ngừ hấp đông lạnh các loại. Giá trị XK mặt hàng này chiếm tới gần 55% tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này. Còn Canada đang là thị trường điểm sáng của Việt Nam trong năm nay, với sự tăng trưởng liên tục ở mức ba con số trong những tháng qua.
Dự báo, do các thị trường trên thế giới chuẩn bị bước vào mùa lễ hội cuối năm, nên dự kiến nhu cầu tiêu thụ cá ngừ sẽ khả quan hơn. Điều sẽ thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường, đặc biệt là các thị trường chính như Mỹ, EU....
Có thể bạn quan tâm
Nguồn nước thải từ sản xuất tôm giống có hàm lượng dinh dưỡng cao và phù hợp làm thức ăn cho Artemia. Artemia nuôi trong nước thải từ sản xuất tôm giống đảm bảo
Đó là bức tranh chung của ngành tôm trên toàn thế giới những tháng đầu năm 2020. Nguyên nhân khiến giá tôm giảm, thậm chí giảm xuống mức chưa từng thấy
Tháng 9 năm nay, trong top 5 thị trường nhập khẩu chính trừ Nhật Bản, XK mực, bạch tuộc sang các thị trường Hàn Quốc, ASEAN, EU, Trung Quốc đều tăng.