Xu thế trồng lúa thông minh
Tuy liên tục có mặt trên thị trường thế giới trong 30 năm qua, nhưng hạt gạo Việt Nam vẫn lắm gian truân trên thương trường quốc tế. Trong khi đó, đất trồng lúa đang đối diện với nhiều thách thức do tác động biến đổi khí hậu. Lựa chọn “trồng lúa thông minh” là bước đi đột phá của nông dân ĐBSCL.
Một mô hình trồng lúa thông minh
Trồng lúa bón phân một lần
Đầu tháng 6-2019, chúng tôi có mặt tại ruộng lúa của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đang canh tác theo mô hình trồng lúa thông minh. Trung tâm đã sử dụng máy cấy kết hợp vùi phân thông minh trên diện tích 59ha, lượng lúa giống sử dụng là 6kg/công. Hiện tại, lúa trong mô hình canh tác thông minh được từ 20 - 60 ngày tuổi. Theo quan sát, lúa phát triển tốt, cây lớn đồng đều, những diện tích gieo sạ trên 30 ngày tuổi tốc độ đẻ nhánh cao.
Không giấu được niềm vui, ông Phan Quốc Thứ, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang, cho biết: “Mô hình canh tác lúa thông minh tại đơn vị đang triển khai cho thấy nhiều hiệu quả bước đầu. Nhất là việc bón phân vùi cho cả vụ lúa đã phát huy nhiều tác dụng so với bón phân theo truyền thống. Bởi việc bón phân truyền thống phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật của người bón, nếu không có kinh nghiệm thì rải phân chỗ ít chỗ nhiều, lúa sẽ phát triển không đều. Ngoài ra, bón phân trên mặt đất dễ thất thoát do tác động môi trường và phát sinh dịch bệnh. Trung tâm đang tiếp tục theo dõi nhiều yếu tố khác và làm bảng tổng hợp để khi thu hoạch lúa có sự so sánh chính xác về hiệu quả kinh tế giữa canh tác lúa thông minh và thông thường. Qua đây, làm cơ sở cho các địa phương nghiên cứu nhân rộng mô hình canh tác lúa thông minh như thế nào đạt hiệu quả nhất”.
Cùng lúc này, huyện Vị Thủy là địa phương đầu tiên của Hậu Giang triển khai mô hình “Canh tác lúa thông minh”. Mô hình được thực hiện tại xã Vị Thắng, trên diện tích 12ha của 10 hộ dân. Hiện lúa đã trên 60 ngày tuổi và đang phát triển tốt. Ông Phạm Minh Quang, ở xã Vị Thắng, có 2ha lúa tham gia mô hình, nhận định: “Trồng lúa theo mô hình này thấy khỏe hơn trồng lúa truyền thống lâu nay. Trước nhất là giảm công lao động. Khi áp dụng mô hình này, nông dân sử dụng máy cấy lúa kết hợp với bón phân thông minh theo hình thức bón vùi trong đất. Đây là loại phân bón một lần cho cả vụ, còn bình thường là bón phân từ 3-4 lần/vụ lúa. Mặt khác, do phân bón thông minh tan chảy theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa nên lúa không bị thừa đạm, kéo theo là tình hình sâu bệnh ít. Nhờ vậy mà từ đầu vụ đến nay, tôi chỉ tốn một lần phun thuốc để phòng trị bệnh đạo ôn lá”.
Giảm giá thành, tăng lợi nhuận
Để thực hiện mô hình trồng lúa thông minh, tỉnh Hậu Giang đã có những bước chuẩn bị khá công phu. Đầu tiên là tổ chức hội thảo “Giúp nông dân làm nông thông minh”. Tại hội thảo, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã bị thuyết phục bởi TS Lê Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Rynan Holding JSC, khi ông trình bày những ưu điểm của mô hình trồng lúa thông minh như: quản lý, kiểm soát được nguồn nước bằng các hệ thống phao và điểm quan trắc nước thông minh; sử dụng hệ thống bơm tưới thông minh bằng việc điều khiển từ xa qua Internet.
Hiệu quả đã được kiểm chứng từ các cánh đồng trồng lúa tại Đồng Tháp và Trà Vinh: Giảm được 40% lượng phân đạm, giảm 75% công bón phân, giảm 40% phát thải khí nhà kính khi kết hợp với canh tác ngập xen kẽ. Mô hình canh tác lúa thông minh giảm được trên 30% lượng nước tưới; giảm công, giảm giống, giảm sâu bệnh trên 50%; giảm lượng phân bón, giảm khí nhà kính mỗi thứ trên 40%; cũng như giảm tác động do xâm nhập mặn; đồng thời tăng lợi nhuận gần 20% so canh tác lúa thông thường.
Hơn 40 năm trồng lúa, ông Nguyễn Văn Khi, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Tháp Mười) đã có 3 vụ sản xuất theo mô hình trồng lúa thông minh, chia sẻ: “Chưa bao giờ người nông dân khỏe như bây giờ. Chiếc máy cấy lúa 3 trong 1, vừa cấy vừa bón phân và phun thuốc cùng một lúc; quản lý mực nước tự động qua hệ thống cảm biến được điều khiển bằng điện thoại thông minh...”.
Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đang phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng giảm giá thành, nâng cao chất lượng. Đồng Tháp đang quyết liệt nhân rộng các mô hình áp dụng các kỹ thuật tiến bộ, mang lại giá trị kinh tế cao, nổi bật là mô hình canh tác lúa thông minh tại huyện Tháp Mười.
“Câu chuyện lúa gạo sẽ còn dài hơi. Điều lâu nay chúng ta trăn trở là giá trị lợi nhuận của nông dân còn “mỏng”, thấp nhất trong các ngành hàng”, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, nhận định. Theo ông Nguyễn Xuân Cường, việc nông dân Đồng Tháp trồng lúa hữu cơ, canh tác theo mô hình trồng lúa thông minh là một nỗ lực đáng biểu dương, hợp với xu hướng tất yếu của thời đại hội nhập nông nghiệp 4.0. ĐBSCL có gần 1,7 triệu ha đất trồng lúa. Trong đó có khoảng 300.000 - 400.000ha đất trồng lúa chịu ảnh hưởng của hạn, mặn trong mùa khô. Đến nay, nông dân ở Đồng Tháp, Trà Vinh và Hậu Giang… đã triển khai trồng hàng ngàn hécta theo mô hình canh tác lúa thông minh. Hiệu quả là tiết kiệm được lượng nước, phân bón, lúa giống và giám sát chặt chẽ được độ mặn trong mùa khô, tạo ra được lúa hàng hóa chất lượng cao. Đây là những nền tảng căn cơ để gia tăng lợi nhuận cho nông dân đồng thời chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến ĐBSCL.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác lúa, từ năm 2016, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh ĐBSCL thực hiện “Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”. Sau hơn 2 năm, chương trình đã thực hiện được 195 mô hình ở 13 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Canh tác lúa thông minh là giải pháp kỹ thuật từ xử lý khâu làm đất, gieo hạt, bón phân, quản lý dịch hại, chăm sóc, thu hoạch… hướng đến sản xuất hiệu quả, bền vững. Ưu điểm thấy rõ qua việc áp dụng nhiều kỹ thuật để hạn chế lượng lúa giống khi gieo sạ nhưng không làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng.
Có thể bạn quan tâm
Không ít nông dân loay hoay tìm hướng chuyển đổi thích hợp thì ông Nguyễn Văn Lập lại thành công với mô hình xen canh cây sầu riêng trong vườn hồ tiêu và cà phê
Xuất thân từ nhà nông, anh Hoàng Điền Dưỡng, SN 1987 sau khi bươn trải ngoài xã hội với nhiều ngành nghề, cuối cùng anh đã lựa chọn nuôi gà ác để làm giàu.
Anh Phan Văn Tâm ở ấp 2, xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước (Tiền Giang) là tấm gương điển hình làm giàu từ trồng chanh không hạt.