Xử lý rong đáy ao nuôi tôm góp phần tăng năng suất
Nếu bà con nuôi tôm không xử lý kịp thời rong đáy ao nuôi tôm, rong sẽ phân hủy sinh ra khí độc, gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm nuôi trong ao, làm giảm năng suất, chất lượng tôm.
Xử lý rong đáy là cách hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng tôm vụ kế tiếp. Ảnh minh họa
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang, trong nuôi tôm nước lợ, tình trạng các loại rong phát triển dưới đáy ao nuôi tôm, nhất là ao nuôi tôm quảng canh cải tiến như rong nhớt, rong đuôi chồn, rong mền… là rất phổ biến. Trong những ao nuôi tôm ít cải tạo, cải tạo không triệt để hay ao ô nhiễm do chứa nhiều chất hữu cơ cũng thường gặp tình trạng rong đáy phát triển.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mực nước ao nuôi quá thấp (dưới 0,8 m), tảo tàn làm cho nước ao trong khiến ánh sáng chiếu xuống nền đáy ao tạo điều kiện cho rong đáy phát triển mạnh. Khi rong đáy xuất hiện trong ao tôm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động di chuyển bắt mồi của tôm, làm giảm nồng độ oxy hòa tan trong nước, cạnh tranh dinh dưỡng làm cho tảo khó phát triển, từ đó làm biến động các yếu tố thủy lý hóa trong môi trường nước ao nuôi tôm.
Mặt khác, nếu rong đáy phát triển quá nhiều thì đến một giai đoạn nào đó rong sẽ chết và nổi lên mặt nước, nếu bà con nuôi tôm không xử lý kịp thời thì xác rong sẽ phân hủy sinh ra khí độc, gây ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm nuôi trong ao, làm giảm năng suất, chất lượng tôm nuôi.
Cách xử lý khi trong ao có rong đáy: có thể sử dụng các loại hóa chất như đồng sulphat (CuSO4), BKC, Formol… để diệt rong đáy. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có hiệu quả tức thời, sau một thời gian rong vẫn tiếp tục phát triển. Không những thế, khi sử dụng hóa chất diệt rong, sẽ gây ra tình trạng rong chết hàng loạt và nếu xử lý không kỹ thì sự phân hủy của lượng rong lớn này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm nuôi và chất lượng môi trường nước ao, theo thông tin từ Trung tâm Thông tin KH & CN Thành Phố Hải Phòng.
Biện pháp xử lý rong đáy hiệu quả nhất là dùng lưới kéo rong ra khỏi ao, dùng vợt vớt những rong nổi chết mặt nước, ở cuối ao, tránh để cho rong chìm lại xuống ao. Sau đó nâng mực nước ao lên >1 m và gây lại màu nước, giúp tảo phát triển tạo màng che ngăn chặn sự chiếu sáng của mặt trời xuống đáy ao.Khi thiếu ánh sáng, rong đáy sẽ tàn lụi dần và không phát triển nữa. Trong xử lý rong đáy nên bổ sung thêm Vitamine C vào thức ăn để giúp tôm tăng sức đề kháng, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nền đáy ao.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả đã được nhân rộng, trong đó nuôi tôm siêu thâm canh, áp dụng công nghệ cao mở ra hướng đi mới.
Các doanh nghiệp nuôi cá tra luôn đặt vấn đề an toànchất lượng lên hàng đầu, trong đó nguồn giống, thức ăn được kiểm tra hết sức nghiêm ngặt.
Người nuôi cần quản lý tốt đất ao nhiễm phèn, từ đó có những tác động kỹ thuật tạo ra môi trường thuận lợi, phù hợp cho sự phát triển tôm nuôi, tăng năng suất