Xu hướng thủy sản thế giới 2018
Rabobank ước tính, tăng trưởng thủy sản toàn cầu về lượng trong năm 2017 và 2018 khoảng 3 - 4%. Song các rủi ro như thời tiết, dịch bệnh, các chính sách thương mại… vẫn là những thách thức tiếp diễn, đặc biệt là tại châu Á - khu vực sản xuất thủy sản nuôi quan trọng nhất thế giới.
Thủy sản vẫn là một trong những mặt hàng được ưa chuộng trong năm 2018 Ảnh: CTV
Triển vọng nuôi trồng, khai thác
Không tính thực vật, sản xuất thủy sản toàn cầu dự báo đạt 194 triệu tấn vào năm 2026, với mức tăng 26 triệu tấn, tương đương 15% so giai đoạn cơ sở (trung bình giai đoạn 2014 - 2016). Động lực tăng trưởng sản xuất chính đến từ nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản nuôi toàn cầu dự báo vượt mốc 100 triệu tấn lần đầu tiên vào năm 2025 và đạt 102 triệu tấn vào năm 2026. Nguồn cung thủy sản nuôi trồng lớn sẽ tiếp tục đến từ các nước châu Á, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng thủy sản nuôi năm 2026. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là nước nuôi trồng thủy sản lớn nhất thế giới, chiếm 63% tổng sản lượng thủy sản nuôi toàn cầu. Song, Ấn Độ lại nổi lên như một điển hình về ngành thủy sản nuôi định hướng xuất khẩu đang tăng trưởng nhanh và có kết quả hoạt động tốt năm 2017. Xuất khẩu thủy sản Ấn Độ có thể vượt ngưỡng 6 tỷ USD năm 2017. Các vụ mùa bội thu tôm thẻ chân trắng là yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng này.
Theo phân tích của Rabobank, sau 3 năm với sản lượng thấp do hiện tượng El Nino gây ra, sản lượng khai thác thủy sản năm 2018 được dự báo phục hồi nhẹ. Ngành này khá ổn định về sản lượng toàn cầu do ngày càng được quản lý tốt hơn. Năm 2017, sản lượng thủy sản khai thác phục hồi 1 - 2% và sẽ duy trì mức tăng trưởng này trong năm 2018.
Các động lực tăng trưởng chính
Cá hồi
Rabobank nhận định, sau khi suy yếu mạnh trong năm 2016, các nhà sản xuất cá hồi lớn trên thế giới là Na Uy, Chilê đã có sự phục hồi mạnh trong năm 2017, tuy nhiên mức tăng trưởng này sẽ không duy trì sang năm 2018. Tuy nhiên, vẫn đứng về khả năng giá tăng trong dài hạn do các yếu tố môi trường kìm hãm nguồn cung trong khi nhu cầu toàn cầu vẫn ở mức cao. Nếu có một sự điều chỉnh giá, diễn biến này có thể sẽ diễn ra vào cuối mùa hè năm 2018 và chỉ trong thời gian ngắn. Dự báo giá cá hồi dao động trong khoảng 50 - 65 NOK/kg trong năm 2018 và duy trì biến động khó lượng như trong những năm gần đây.
Tôm
Theo một khảo sát của Liên minh Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu (GAA), sản xuất tôm toàn cầu được dự báo tăng trong những năm tới, với tốc độ tăng trưởng kép 4,8%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019. Ấn Độ và Ecuador được cho sẽ là các động lực chính của sản xuất tôm toàn cầu trong những năm tới. Sản xuất tôm tại Đông Nam Á cũng được dự báo tăng trưởng tốt.
Giáo sư James Anderson, Đại học Florida cho biết: “Chúng tôi nhận thấy châu Mỹ - dẫn đầu là Ecuador và Ấn Độ sẽ là những động lực tăng trưởng chính của sản xuât tôm trên toàn cầu. Ấn Độ tăng mạnh sản xuất trong vài năm trở lại đây, với tốc độ tăng hơn 10%/năm. Còn đối với Đông Nam Á, dự báo tốc độ tăng trưởng kép trong sản xuất tôm là 7,7%/năm”.
Với mức giá như hiện tại, dự báo nhu cầu đối với tôm trong năm 2018 sẽ ở mức cao. Nếu dự báo nguồn cung tăng trở thành hiện thực, ngành tôm năm 2018 sẽ có một năm thuận lợi với giá cao và biến động giá không quá mạnh.
Cá tra
Dữ liệu điều tra do Ragnar Tveteras, Đại học Stavanger trình bày tại Hội nghị Triển vọng toàn cầu cho các Lãnh đạo Nuôi trồng thủy sản năm 2017 (GOAL 2017) của GAA cho thấy, sản lượng cá tra gần đây có xu hướng tăng trưởng nhanh. Sản lượng tăng ở Bangladesh và Ấn Độ dự kiến sẽ thúc đẩy sản lượng cá tra toàn cầu vào năm 2018 và 2019.
Sản lượng cá tra năm 2017 ở 4 quốc gia sản xuất chủ yếu, gồm Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam dự kiến đạt 2,44 triệu tấn. Ấn Độ dự kiến sẽ tăng sản lượng cá tra từ 550.000 tấn năm 2017 lên 625.000 tấn vào năm 2019; Bangladesh có thể tăng lên 749.746 tấn vào năm 2019; Indonesia dự kiến sẽ tăng lên 125.000 tấn vào năm 2018 và 150.000 tấn vào năm 2019.
Cá rô phi
Cũng theo Ragnar Tveteras, tốc độ tăng trưởng đối với sản lượng cá rô phi đã và sẽ tiếp tục chậm lại. Về mặt sản lượng, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất lớn nhất, với sản lượng ổn định ở mức 1,7 triệu tấn trong năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, 3 nhà sản xuất lớn tiếp theo là Ai Cập, Indonesia và Bangladesh đều đang tìm cách đẩy mạnh sản xuất. Ai Cập dự kiến tăng sản lượng lên gần 900.000 tấn năm 2017 và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018 và 2019. Indonesia dự kiến đạt khoảng 800.000 tấn năm 2017, với mức tăng nhẹ trong năm 2018 và tăng mạnh trong năm 2019. Bangladesh dự kiến vượt mức 400.000 tấn vào năm 2018, đạt khoảng 450.000 tấn trong năm 2019. Việt Nam cũng đang nỗ lực tăng nguồn cung cá rô phi khi gần đây, Thủ tướng Chính phủ tuyên bố mục tiêu tăng trưởng sản xuất 6% trong nuôi trồng thủy sản với giá trị xuất khẩu vượt 9 tỷ USD đến năm 2020. Các thị trường lớn nhất của cá rô phi Việt Nam là Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Malaysia và Hàn Quốc.
>> Nuôi trồng thủy sản sẽ tiếp tục là một trong những ngành sản xuất thực phẩm tăng trưởng nhanh nhất, dù tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, từ 5,3% trong thập kỷ trước xuống 2,3% trong giai đoạn 2017 - 2026.
Có thể bạn quan tâm
Thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 210.000 - 220.000 đồng/kg tôm thịt (tùy cỡ) và 140.000 đồng/kg tôm trứng
Cua gạch Cà Mau có giá 800.000 đồng mỗi kg, cao nhất từ trước đến nay.
Ngành thủy sản Việt luôn nỗ lực nắm bắt cơ hội và vượt mọi thách thức để tiếp bước trên con đường phát triển bền vững.