Xu hướng sản phẩm thủy sản hữu cơ
Mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang phát triển thành phong trào và đã có chỗ đứng nhất định trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam và thế giới. Một bộ phận người tiêu dùng trong nước và quốc tế sẵn sàng chi tiền cao hơn để mua sản phẩm sản xuất hữu cơ. Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ là bước đi cần thiết và kịp thời cho nông nghiệp Việt Nam.
Mô hình nuôi tôm – rừng đang được phát triển tại nhiều tỉnh ở ĐBSCL, mở hướng đi bền vững. Ảnh: ST
Sản xuất thủy sản hữu cơ ở Việt Nam
Việt Nam là nước có nhiều lợi thế để phát triển thủy sản hữu cơ, sản phẩm chủ yếu là tôm và cá. Hiện nay đã có một số mô hình thủy sản hữu cơ như nuôi tôm sú hữu cơ kết hợp với bảo tồn rừng ngập mặn tại Cà Mau được chứng nhận hữu cơ. Cá fillet đông lạnh hữu cơ của Việt Nam được bán ở châu Âu với giá cao gấp 4 lần so cá fillet đông lạnh thông thường. Nuôi cá tra hữu cơ giúp nông dân gia tăng lợi nhuận 15% so nuôi cá truyền thống. Các mô hình sản xuất thủy sản hữu cơ (không dùng kháng sinh, hóa chất) mang lại kết quả khả quan, bước đầu thay đổi tập quán canh tác của nông dân. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam đủ khả năng sản xuất dòng sản phẩm cao cấp, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của thị trường. Nông nghiệp hữu cơ hiện nay là nền nông nghiệp luôn tuân thủ các nguyên tắc về sức khỏe, sinh thái, công bằng và quan tâm.
Nhiều lợi ích
Phát triển nghề Nuôi trồng thủy sản hữu cơ mang lại cơ hội cho việc phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là tăng độ phì nhiêu, giảm những chất có hại cho hệ thủy sinh của vùng đất ở những nơi canh tác theo phương pháp hữu cơ.
Nuôi trồng thủy sản hữu cơ là sản xuất gần với tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, gìn giữ đa dạng sinh học. Đáp ứng môi trường sống thích hợp cho đối tượng nuôi, quản lý dịch bệnh lấy phòng bệnh là chính, không sử dụng kháng sinh và hóa chất trong quá trình nuôi, áp dụng các biện pháp tốt nhất để bảo vệ hệ sinh thái, gìn giữ đa dạng sinh học, hạn chế tối đa tác động gây ô nhiễm và mất an toàn từ các hoạt động nuôi tới con người và môi trường. Duy trì phương pháp sản xuất hữu cơ trong suốt quá trình sản xuất giống, nuôi thương phẩm, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường là nguyên tắc phải tuân thủ nghiêm ngặt. Thông qua nguồn gốc xuất xứ sản phẩm người tiêu dùng có thể phân biệt sản phẩm thủy sản nuôi theo phương pháp hữu cơ trong chuỗi cung ứng sản phẩm.
Nuôi trồng thủy sản hữu cơ là hệ thống sản xuất sản phẩm thủy sản, sử dụng hình thái và công năng của môi trường tự nhiên, tái sử dụng lại vật phế thải và tận dụng nguồn lợi có thể tái sinh trong hệ thống này mà không phá hoại hệ thống sinh thái tự nhiên. Trong khi nghề nuôi tôm truyền thống đang gặp nhiều rủi ro thì nuôi hữu cơ với mục đích bảo vệ môi trường sinh thái, giảm dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ có cơ hội phát triển.
Thuận lợi và thách thức đan xen
Nuôi trồng thủy sản hữu cơ có những thuận lợi như:
– Cùng với sự phát triển của xã hội, nhận thức của người tiêu dùng về thực phẩm có chất lượng và an toàn ngày càng được nâng cao
– Nuôi thủy sản hữu cơ ngày càng được chú ý và trở thành xu hướng phát triển tất yếu
– Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 885/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030. Theo đó, mục tiêu đến 2025, diện tích Nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5 – 1,5% tổng diện tích Nuôi trồng thủy sản và đến năm 2030, con số này đạt khoảng 1,5 – 3%.
– Nhà nước có chính sách ưu tiên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, ưu tiên chế biến các sản phẩm hữu cơ cũng như khuyến khích doanh nghiệp đưa sản phẩm hữu cơ vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích và chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn.
– Nhà nước ưu tiên, triển khai thí điểm các mô hình Nuôi trồng thủy sản gắn với chuỗi giá trị cho một số sản phẩm chủ lực và mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Ưu tiên mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao để chế biến sâu, tinh chế tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có giá trị cao mang thương hiệu Việt Nam. Xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng vật tư đầu vào hữu cơ để sản xuất sản phẩm hữu cơ trong các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Hỗ trợ, tạo điều kiện để thành lập và phát triển các tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam. Từng bước hình thành hệ thống tổ chức chứng nhận của Việt Nam và các tổ chức chứng nhận quốc tế được các quốc gia nhập khẩu thừa nhận. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản pháp luật để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng cơ chế chính sách mới, đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tư trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, phát triển thủy sản hữu cơ gặp nhiều thách thức như: Thay đổi tập quán canh tác; sản xuất hữu cơ cần nguồn vốn và diện tích lớn và thời gian hoàn vốn dài; chi phí chứng nhận hữu cơ cao, thời gian chứng nhận kéo dài; người tiêu dùng chưa hiểu rõ về sản phẩm hữu cơ nên ngần ngại trong tiêu dùng và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cửa hàng cung cấp thực phẩm hữu cơ.
Có thể bạn quan tâm
Na Uy là một trong những quốc gia có ngành thủy sản dẫn đầu thế giới, đây cũng là một hình mẫu lý tưởng trong việc phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp
Nhằm thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đồng thời gắn tiêu thụ sản phẩm, 5 tỉnh ở vùng ĐBSCL triển khai công nghệ nuôi tôm càng xanh toàn đực xen lúa
Ương tôm giống trước khi thả nuôi là biện pháp giúp nâng cao tỷ lệ sống, giảm chi phí vụ nuôi.