Xu hướng chăn nuôi gà đẻ trứng theo kiểu lồng tự do – ưu và nhược điểm
Khởi nguồn từ một số nhà cung cấp trứng gà hàng đầu tại thị trường Mỹ. Đến nay, hầu hết các siêu thị, chuỗi của hàng đồ ăn lớn nhỏ ở Mỹ đều cam kết sẽ chỉ cung cấp trứng gà được nuôi theo kiểu lồng tự do cho người tiêu dùng.
Một ô lồng nhỏ thường có từ 3-4 con được nhốt chung với nhau. Chúng chỉ có thể ăn, uống và đẻ trứng mà không có không gian để vận động
Tuy vậy, đối với nhiều người chăn nuôi gà ở Việt Nam hay các nước khác, khái niệm “lồng tự do” là một khái niệm vẫn còn nhiều lạ lẫm. Vậy chăn nuôi gà đẻ trứng theo kiểu “lồng tự do” là như thế nào? Nó có ưu điểm hay nhược điểm gì? Tại sao người tiêu dùng lại thích ăn trứng của những con gà được nuôi theo kiểu này?
Chăn nuôi gà đẻ trứng theo kiểu “lồng tự do” nghĩa là như thế nào?
Từ trước đến nay, gà đẻ trứng quy mô công nghiệp luôn được nuôi nhốt trong những ô lồng nhỏ chật hẹp đến nỗi thậm chí chúng còn không thể sải cánh ra và theo nhiều người tiêu dùng hiện nay là chúng không được đảm bảo đầy đủ quyền lợi động vật và sẽ không thể cho ra những quả trứng đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Chính vì vậy, nhiều người tiêu dùng đầu tiên là ở Mỹ cho rằng, mỗi loài động vật đều cần được đảm bảo quyền lợi tối thiểu và chỉ có những con gà “hạnh phúc” mới có thể cho ra những quả trứng thơm ngon. Quan điểm đó là mầm mống làm giấy lên làn sóng chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi gà theo kiểu “lồng tự do” như hiện nay.
Nuôi theo kiểu “lồng tự do” nghĩa là gà được nhốt trong những “chiếc lồng to hơn”, đủ không gian để gà có thể thoải mái vận động, di chuyển, đi lại tùy ý thích (như trong hình dưới đây).
Gà tự do di chuyển, hoạt động tùy thích trong một khoảng không rộng rãi, thoải mái
Ưu điểm của chăn nuôi gà đẻ kiểu “lồng tự do”
Xu hướng này không do các nhà chăn nuôi gia cầm quyết định mà xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng nên lẽ đương nhiên những ưu điểm của mô hình này cũng chính là những lợi ích nó mang lại cho vật nuôi và người tiêu dùng mà mô hình chăn nuôi gà kiểu cũ không thể làm được.
- Gà có nhiều không gian để di chuyển, đi lại, bay nhảy, được thỏa mãn bản năng của loài → gà cảm thấy thoải mái hơn, dễ chịu hơn, và sức khỏe cũng vì thế mà cải thiện hơn → những con gà khỏe mạnh sẽ cho ra những quả trứng đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt hơn, thơm ngon hơn.
- Thuận theo nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng nên sẽ dễ dàng hơn trong vấn đề đầu ra.
Có nhiều kiểu “lồng” khác nhau đang được áp dụng tại Mỹ
Nhược điểm của mô hình chăn nuôi gà đẻ kiểu “lồng tự do”
Không phải tự dưng mà ở Mỹ lại nổ ra một cuộc “đấu tranh” vô cùng gay gắt giữa những người chăn nuôi (hay các nhà cung cấp trứng) và những ông chủ của các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh – những người đại diện cho nhu cầu của người tiêu dùng.
Đứng về phía góc độ của người chăn nuôi, họ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, nhiều bất cập phát sinh khi chuyển đổi sang mô hình mới. Từ việc kiểm soát sức khỏe tổng đàn cho đến đảm bảo chất lượng trứng, đảm bảo chi phí chăn nuôi.
Dưới đây là một số nhược điểm lớn mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra của mô hình chăn nuôi gà đẻ theo kiểu “lồng tự do”.
- Một số lượng lớn gà được nhốt chung với nhau nên rất dễ tạo cho gà cảm giác stress đặc biệt là những trang trại có mật độ cao (stress tiếng ồn, stress mật độ…). Khi stress gà có thể có các biểu hiện như sau:
o Mổ cắn nhau.
o Giảm lượng thức ăn thu nhận.
o Giảm sản lượng trứng…
Mật độ nuôi quá dày hay đôi khi gà chỉ tập trung vào 1 khu vực làm gia tăng stress trong trại
- Vị trí đẻ trứng của gà không còn cố định như cũ mà rải rác khắp nơi trong chiếc “lồng mới”. Điều này làm xuất hiện thêm cho các trang trại một số bất cập như:
o Trứng có thể dính phân làm ảnh hưởng đến độ sạch của trứng.
o Nhiều trường hợp gà có thể sẽ ăn luôn trứng nếu chủ trại không thu kịp thời. Nhất là trong trường hợp đàn gà đó lại đang bị stress, thiếu dinh dưỡng.
o Thời gian thu nhặt trứng, thậm chí vệ sinh qua cho trứng sẽ kéo dài hơn bình thường cũng là lý do làm cho chi phí quản lý tăng cao.
- Kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn khi mà có quá nhiều con vật trong cùng một ô chuồng lớn, khả năng lây lan dịch bệnh là rất cao.
- Một vấn đề thường gặp nữa là vệ sinh. Chi phí dành cho vấn đề này chắc chắn sẽ cao hơn so với chăn nuôi gà đẻ kiểu truyền thống.
- Chi phí nhân công tăng: chủ trang trại sẽ phải cân nhắc khá kỹ càng trong việc quyết định bố trí nhân lực trong trang trại khi mà sẽ cần có thêm người giám sát hệ thống “chuồng lồng tự do” để luôn đảm bảo gia cầm được sống trong môi trường thoải mái nhất, không bị thất thoát trứng, trại không quá bụi khi gà chạy, nhảy trong đó.
Tuy vậy, như đã nói ở trên, đây mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng do người tiêu dùng chọn lựa nên các nhà cung cấp trứng và những người chăn nuôi không còn con đường nào khác ngoài việc cố gắng khắc phục các nhược điểm trên cả.
Trên đây là toàn bộ bức tranh về mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng theo kiểu “lồng tự do” đang diễn ra ở Mỹ. Hy vọng những thông tin trên có thể phần nào giúp quý độc giả của VietDVM.com hoàn thiện góc nhìn đối với sự vận động của ngành chăn nuôi gia cầm trên thế giới hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Chọn giống gà trống ta (gà địa phương như gà Hồ, Đông Cảo, gà Mía hoặc gà lai giữa các giống trên với gà Ri) có màu lông đẹp, mắt sáng, nhanh nhẹn
Ấp trứng là khâu quan trọng cuối cùng trong quá trình sản xuất gia cầm giống, ảnh hưởng lớn đến số lượng và chất lượng gia cầm con trong tương lai
Gà H’Mông (da đen, thịt đen, xương đen) là giống gà địa phương có từ lâu đời tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, rất được người dân ưa thích.