Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xây Dựng Nhãn Hiệu Na Dai Đông Triều (Quảng Ninh)

Xây Dựng Nhãn Hiệu Na Dai Đông Triều (Quảng Ninh)
Ngày đăng: 27/02/2014

Nhắc đến sản vật của vùng đất Đông Triều (Quảng Ninh), ngoài nếp cái hoa vàng còn có na dai. So với sản phẩm cùng loại ở những nơi khác, na dai Đông Triều có đặc trưng riêng, như: Quả to; vỏ mỏng, bóng, có màu vàng khi chín; vị ngọt đậm, mùi thơm; không cát. Và đây cũng chính là những lợi thế để na dai Đông Triều có được chỗ đứng trên thị trường.

Theo những người trồng na lâu năm ở Đông Triều, cây na được du nhập vào vùng đất này khoảng 45 năm trước. Những lợi thế mà loại quả này có được chính là nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Đất đai của Đông Triều là loại đất màu đỏ son, tơi xốp, tầng canh tác từ 0,5-1m.

Đặc biệt, bà con còn biết áp dụng kỹ thuật tiến bộ trong canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng quả và kéo dài thời gian thu hoạch, như: Thụ phấn bổ sung, định quả, tăng tỷ lệ quả có chất lượng... Na dai Đông Triều thường chín sớm so với na ở những khu vực khác từ 15-20 ngày. Mùa vụ thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm.

Hiện diện tích trồng na dai của huyện là 881ha, tập trung chủ yếu ở các xã An Sinh (430ha), Việt Dân (220ha), Tân Việt (55ha)... Vài năm trở lại đây, sản lượng na khai thác ở Đông Triều trung bình khoảng 6.000 tấn/năm, trong đó 90% được tiêu thụ tại các thị trường ngoài tỉnh, như Hà Nội, Hải Dương...

Mặc dù có ưu thế hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại, nhưng na dai Đông Triều lại rất khó cạnh tranh trên thị trường. Giá bán của sản phẩm cũng có sự biến động lớn: Đầu vụ từ 40.000-45.000 đồng/kg; chính vụ từ 10.000-12.000 đồng/kg; cuối vụ từ 15.000-17.000 đồng/kg. Sản phẩm được bán giá cao chỉ chiếm 3-5% tổng sản lượng.

Chính vì vậy, hiệu cao kinh tế mang lại cho người sản xuất chưa cao. Nguyên nhân chính là do chất lượng sản phẩm chưa đồng đều giữa các xã; thậm chí ngay giữa các hộ vì chưa áp dụng chung quy trình canh tác thống nhất. Na dai Đông Triều không có nhãn mác nên khách hàng khó nhận biết; không tạo lập được uy tín bền vững vì không cung cấp được cho khách hàng những thông tin về nguồn gốc, xuất xứ.

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, nguy cơ thoái hoá giống của loại cây này hiện rất cao do người dân tự nhân giống bằng hạt, về lâu dài năng suất và chất lượng sẽ suy giảm. Để giải quyết những khó khăn, tồn tại này, cần xây dựng nhãn hiệu cho loại sản phẩm này.

Với sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), Sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ tháng 4-2012, Đông Triều đã triển khai Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể “Na dai Đông Triều” thuộc chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015.

Bên cạnh thiết kế, tạo lập mẫu mã, bao bì sản phẩm với đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dự án này còn đưa ra được quy trình canh tác để áp dụng chung cho tất cả các hộ trồng na ở Đông Triều nhằm bảo đảm chất lượng đồng đều. Hội SXKD na dai Đông Triều cũng được thành lập để tự tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm cũng như bảo vệ quyền, lợi ích của người trồng, người kinh doanh sản phẩm này.

Khi hình thành được nhãn hiệu tập thể, na dai Đông Triều chắc chắn sẽ nâng cao được khả năng cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, thiết lập được kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định, tăng thu nhập cho người sản xuất, tăng giá bán sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.


Có thể bạn quan tâm

Cây Sơn Giúp Người Dân Tân An Thoát Nghèo Bền Vững Cây Sơn Giúp Người Dân Tân An Thoát Nghèo Bền Vững

Cùng với phát triển trồng rừng, nhiều năm qua cây sơn cũng đã được người dân ở một số thôn bản xã Tân An (Chiêm Hóa) đưa vào trồng. Qua thực tế trồng và chăm sóc nhiều năm cho thấy, việc trồng sơn lấy mủ đã mang lại một nguồn thu nhập ổn định, giúp cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, mở ra một hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng ở địa phương.

27/07/2013
Thu Nhập Từ Trồng Cam Nhiều Nông Dân Đổi Đời Thu Nhập Từ Trồng Cam Nhiều Nông Dân Đổi Đời

Vụ cam năm 2011, huyện Hàm Yên có trên 2.326 ha, năng suất bình quân 130 tạ/ha, sản lượng đạt trên 28 nghìn tấn quả, tổng giá trị thu nhập đạt trên 150 tỷ đồng. Cuối vụ, cam bán được giá, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã có thu nhập tiền tỷ.

27/07/2013
Trồng Hành Lá Hướng Đi Mới Của Phúc Sơn Trồng Hành Lá Hướng Đi Mới Của Phúc Sơn

Tháng 11-2011, người dân xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) đã được Công ty Sawon ở Bắc Giang đầu tư hỗ trợ giống hành lá trồng thử nghiệm. Tuy mới là dự án thí điểm, nhưng với những ưu điểm như năng suất cao, không mất nhiều công chăm sóc, loại cây trồng này đang mở ra một hướng đi mới đối với người nông dân nơi đây..

27/07/2013
Phát Triển Kinh Tế Hiệu Quả Từ Nuôi Vịt Phát Triển Kinh Tế Hiệu Quả Từ Nuôi Vịt

Học hết trung học phổ thông, anh đã theo đuổi nhiều nghề, đi nhiều nơi nhưng rồi thất bại. Không sợ khó khăn vất vả, dám nghĩ dám làm, anh đã tìm ra hướng phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình chăn nuôi vịt hiệu quả..

27/07/2013
Minh Quang Hối Hả Làm Mùa Minh Quang Hối Hả Làm Mùa

Vụ lúa mùa năm nay, xã Minh Quang (Chiêm Hóa) có kế hoạch gieo cấy 412 ha (cao nhất huyện). Để đảm bảo sản xuất đúng khung thời vụ, góp phần nâng cao sản lượng lương thực của huyện, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với UBND xã chỉ đạo bà con nông dân khẩn trương làm đất và gieo cấy lúa..

27/07/2013