Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Xáo trộn thị trường trái thanh long

Xáo trộn thị trường trái thanh long
Tác giả: NGUYỄN TIẾN
Ngày đăng: 29/07/2016

Mạnh ai nấy làm

Theo Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, hiện trên địa bàn đang có 232 cá nhân kinh doanh trái thanh long, trong đó có 53 doanh nghiệp và 179 hộ, cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói thanh long.

Tuy nhiên, cả tỉnh Bình Thuận chỉ có 8 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thanh long chính ngạch với số lượng hạn chế, còn lại chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch và phân phối đi các tỉnh thành trong cả nước theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.

Trong khi hầu hết các doanh nghiệp thu mua, kinh doanh thanh long ở đây đang thiếu sự liên kết, thì sự xuất hiện của các thương nhân Trung Quốc ngày càng nhiều với danh nghĩa khách du lịch, nhưng đang “cắm chân” ngay tại các vựa thanh long để trực tiếp điều hành việc thu mua.

Họ xây dựng hệ thống “chân rết” thu mua qua người Việt nên phần nào thao túng được thị trường và định đoạt giá cả dễ dàng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã xử phạt 17 trường hợp thương lái Trung Quốc thu mua thanh long trái phép tại địa phương.

Trong đó có 4 trường hợp tái phạm với tổng số tiền xử phạt 410 triệu đồng. Các hành vi vi phạm là nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Không những vậy, nhiều thương lái người Việt còn đứng ra làm cầu nối cho người Trung Quốc để ăn hoa hồng.

Ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận nhìn nhận: “Dù là nơi tập hợp hết tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), trang trại… thanh long của địa phương nhưng hiện vẫn có nhiều hội viên làm ăn theo kiếu manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, không tin tưởng, ngờ vực nhau. Từ đó dẫn đến việc làm xáo trộn thị trường, gây thiệt hại chung cho ngành kinh doanh loại trái cây này, làm mất đi sức mạnh của hiệp hội”.

Phát triển mô hình liên kết

Để việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ trái thanh long ổn định, không bị lệ thuộc vào thương lái và thị trường Trung Quốc, ông Trần Ngọc Hiệp cho rằng, ngoài việc các hội viên trong hiệp hội cần phải bắt tay nhau, không tranh mua, tranh bán thiếu lành mạnh; đoàn kết, hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau, thì việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ, hình thành chuỗi để đưa trái thanh long ra thị trường, kể cả thị trường nội địa và xuất khẩu là việc làm cấp bách.

Theo đó, xu hướng hợp tác, thành lập các HTX, liên minh HTX để liên kết sản xuất và tìm thị trường đầu ra cho trái thanh long đang là mô hình có hiệu quả trong tình hình hiện nay. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh đến nay đã có 15 HTX, liên hiệp HTX thanh long được thành lập với 240 thành viên, diện tích gần 1.500ha, sản lượng khoảng gần 36.000 tấn.

Điển hình cho sự thành công của mô hình này phải nói đến Liên hiệp HTX Thanh long Bình Thuận. Ra đời vào giữa năm 2015, quy tụ 15 thành viên với tổng diện tích gần 1.000ha, sản lượng gần 23.000 tấn/năm, hiện đơn vị này đang trở thành tập thể vững mạnh, dần xây dựng cho mình một vùng nguyên liệu lớn, xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Liên minh HTX Thanh long Bình Thuận cho biết, các thành viên trong đơn vị được cấp mã vùng trồng để cung cấp sản phẩm cho liên minh HTX xuất khẩu.

Tất cả các thành viên tham gia đều đóng góp cổ phần và phải cam kết sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Từ đó, họ tự nhận thấy trách nhiện và lợi ích của mình, nên phải cùng nhau chung tay để cùng phát triển. Ngoài đơn vị trên, hiện ở Bình Thuận cũng đã có nhiều HTX liên kết phát triển theo mô hình tương tự như HTX Thanh long Nam Thuận Việt, HTX Thanh long Hàm Hiệp…

Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã chính thức phê duyệt Quy hoạch vùng trồng thanh long của địa phương đến năm 2020, định hướng đến 2025. Theo đó, đến năm 2020 diện tích thanh long Bình Thuận đạt 28.000ha, năng suất đạt 28 tấn/ha. Đến năm 2025, mở rộng lên 30.000ha, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha…

Để thực hiện mục tiêu này, ông Nguyễn Ngọc Hai đã yêu cầu, ngoài việc các hộ nông dân phải thực hiện sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn an toàn để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường, thì các ngành liên quan của tỉnh cần tuyên truyền, vận động doanh nghiệp liên doanh, liên kết, ký kết hợp đồng bao tiêu thanh long theo giá cả thị trường với các tổ chức của người sản xuất. Đặc biệt, các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ thương lái nước ngoài lũng đoạn thị trường thu mua thanh long.

Tại kỳ họp tổng kết, đánh giá nhiệm kỳ 2010-2015 của Hiệp hội Thanh long Bình Thuận vừa được tổ chức, nhiều hội viên đã có chung ý kiến, đó là khi nông dân và doanh nghiệp còn buôn bán theo kiểu nhỏ lẻ, không chịu liên kết cùng nhau và còn sự xuất hiện của các thương nhân Trung Quốc vào nước ta kinh doanh trái phép, thao túng thị trường với sự giúp đỡ của chính người Việt thì thị trường của loại cây ăn trái này còn mãi bấp bênh.


Có thể bạn quan tâm

Loay hoay cơ giới hóa nông nghiệp nguồn nhân lực nền tảng cơ giới hóa Loay hoay cơ giới hóa nông nghiệp nguồn nhân lực nền tảng cơ giới hóa

Hiện thị trường Việt Nam có 67% máy nông nghiệp là nhập khẩu, ngành cơ khí trong nước chỉ đáp ứng 33%, nhưng chất lượng thiếu ổn định và công suất nhỏ. Còn phần lớn người vận hành máy nông nghiệp không qua đào tạo, không có chứng chỉ, bằng cấp.

29/07/2016
Lộc Thịnh (Lộc Ninh, Bình Phước) chôm chôm được giá nhưng mất mùa Lộc Thịnh (Lộc Ninh, Bình Phước) chôm chôm được giá nhưng mất mùa

Thiếu nước tưới ngay trong thời điểm đang đậu trái khiến nhiều nhà vườn trồng chôm chôm trên địa bàn xã Lộc Thịnh (Lộc Ninh, Bình Phước) chịu thiệt hại nặng do năng suất giảm mạnh so với niên vụ trước. Bù lại, giá chôm chôm trên thị trường năm nay đã cao hơn, giúp bà con gỡ lại phần nào tổn thất do hạn hán gây ra.

29/07/2016
Sầu riêng Khánh Sơn (Khánh Hòa) được mùa, được giá Sầu riêng Khánh Sơn (Khánh Hòa) được mùa, được giá

Năm 2016, người trồng sầu riêng ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) trúng lớn khi sầu riêng được mùa, được giá. Dự kiến năng suất bình quân của toàn huyện khoảng 7 - 7,5 tấn/ha, trong đó cao nhất là xã Sơn Bình khoảng 10 - 12 tấn/ha; tổng sản lượng sầu riêng toàn huyện ước đạt 2.700 - 2.800 tấn.

29/07/2016