Xã Liên Sơn (Hòa Bình) nuôi bò sữa đem lại hiệu quả kinh tế cao
Điển hình như hoạt động đầy sức thuyết phục của tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Liên Sơn.
Nguyễn Văn Sinh, tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Liên Sơn cho biết: Lúc đầu, các hộ trên địa bàn xã thành lập nhóm cùng sở thích nuôi bò sữa gồm 7 thành viên, tự nguyện đi thực tế học hỏi kinh nghiệm tại trại nuôi lớn ở một số địa phương lân cận.
Năm 2013, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình MTQG xây dựng NTM, xã Liên Sơn tập trung hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa với các nội dung: xây dựng chuồng trại, mua con giống, mua máy thái cỏ, trồng cỏ, máy vắt sữa, tập huấn kỹ thuật và thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xóm Liên Khuê. Khi được tiếp cận nguồn vốn vay, các hộ rất phấn khởi và coi đây là động lực để khẳng định sự quyết tâm của mình. Sau 1 năm thực hiện dự án, thấy được hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi bò sữa mang lại, nhiều hộ đã đăng ký xin gia nhập nhóm.
Đến nay, xã Liên Sơn đã thành lập được tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa với 16 hộ tham gia. Năm 2014, tổ đã được Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phê duyệt dự án vay vốn với số tiền 800 triệu đồng cho 16 hộ, mỗi hộ vay 50 triệu đồng. Cùng với nguồn vốn tự có của gia đình, hiện nay tổ hợp tác có tổng số 45 con bò, trong đó 21 con cho sữa. Nhờ đó đã giúp các hộ nâng cao thu nhập.
Theo nhận định của các hộ: Nuôi bò sữa vất vả hơn so với nuôi các loại gia súc, gia cầm truyền thống. Bởi vì yêu cầu phải có diện tích trồng cỏ và phải gắn bó suốt cả ngày với chúng. Nhưng bù lại, bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Hiện nay, mỗi hộ thành viên của tổ hợp tác nuôi 2 - 3 con bò lượng sữa cho khai thác hàng ngày từ 16 - 17kg/con, được Công ty Sữa quốc tế Ba Vì thu mua với giá trung bình 13.000 đồng/kg. Từ mức giá này, bò sữa đang mang lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi. Bình quân mỗi con cho thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Tuy thu nhập cao nhưng để áp dụng mô hình chăn nuôi này, người nông dân cần có nhiều vốn để mua bò giống, đầu tư hệ thống chuồng trại, trồng cỏ, thức ăn cho bò. Theo các hộ chăn nuôi, hiện nay số vốn đầu tư cho 1 con bò giống (từ 50 - 60 triệu đồng), muốn có lợi nhuận thì phải nuôi từ 4 - 5 con trở lên trong khi vốn đầu tư ban đầu cho đàn bò, tính cả làm chuồng trại, tiền mua thức ăn... cũng cần đến cả trăm triệu đồng. Số vốn này không nhỏ đối với người nông dân. Bên cạnh đó, nuôi bò sữa cũng phải đầu tư máy vắt sữa và kỹ thuật chăn nuôi cao.
Vì vậy, mong muốn của người chăn nuôi bò sữa là được các cấp, ngành tiếp tục quan tâm mở các lớp đào tạo, giúp nông dân áp dụng KH-KT vào chăn nuôi để đàn bò được khỏe mạnh, đảm bảo chất lượng nguồn sữa và tạo nguồn vốn vay ưu đãi giúp người chăn nuôi có hướng đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập.
Có thể bạn quan tâm
Gần 3 tháng vừa qua, chị Phạm Thị Xuân Thủy (thôn K’Long C, xã Hiệp An, Đức Trọng, Lâm Đồng) đã sản xuất và tiêu thụ hàng ngàn cây giống cà chua đen ghép cho khách hàng trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng với giá bán mỗi cây khoảng 50.000 đồng.
Sáng 28/10, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả và xây dựng giải pháp nhân rộng mô hình gấc lai đen.
Nhằm giúp người trồng rau màu có thu nhập ổn định và từng bước sản xuất theo yêu cầu của thị trường, ngành nông nghiệp Đồng Tháp triển khai mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) tại nhiều huyện, thị.
Với những thành công đã đạt được, năm 2016, nông dân các huyện: Châu Phú, Tri Tôn, Thoại Sơn và TP. Long Xuyên (An Giang) sẽ ký kết với Công ty TNHH Angimex Kitoku trồng 3.200 héc-ta lúa Nhật (các giống lúa: Hana, Akita, Kinu, DS1).
Trồng rau màu vốn chỉ được coi là một nghề phụ để người dân kiếm thêm thu nhập. Nhưng với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thì ông Vũ Văn Sáu, huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội lại biến trồng rau thành cơ hội phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình mình.