Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xã Đầu Binh Cuối Cán, Dân Tự Cứu Mình

Xã Đầu Binh Cuối Cán, Dân Tự Cứu Mình
Ngày đăng: 02/03/2012

Dân qua “cấm vận” chủ đầu tư

Từ ngày được quy hoạch làm khu trọng điểm phát triển công nghiệp của cả tỉnh, xã Hoàng Ninh (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) trở thành một trong những địa phương có số lượng đơn thư kiện cáo nhiều nhất. Những đợt có nhà báo về, hoặc hò nhau đi lên huyện, lên tỉnh, nông dân kéo thành từng tốp cả trăm người.

Chủ tịch UBND xã Hoàng Ninh Đỗ Văn Vấn giải thích: Nguyên nhân của hiện tượng này là do chính quyền địa phương để xẩy ra nhiều bất cập trong việc quy hoạch đất đai từ ngày tỉnh đưa KCN về. Một mặt thừa nhận những bất cập từ ngày KCN lấy đất rồi bỏ hoang nhưng khi nhắc đến KCN ông Vấn lại hết sức dè dặt: “Tiếng là chuyển đổi thành xã công nghiệp nhưng hiện nay trên địa bàn có 49 DN hoạt động trong các KCN thì may ra chỉ có 30% là đáp ứng được công suất còn lại hoang hóa hóa hết. KCN bỏ hoang, tôi nói thật là do các chủ đầu tư xí phần. Chỉ có điều cán bộ xã “đầu binh cuối cán” nên không có quyền, còn tiếng nói thì chẳng thấm tháp vào đâu. Vấn đề việc làm, tệ nạn xã hội như mại dâm, nghiện hút vô cùng nan giải. Đó cũng là những mất mát mà quá trình công nghiệp hóa buộc phải chấp nhận”.

Sự bất lực của chính quyền cấp cơ sở thể hiện rõ qua từng lời nói của ông chủ tịch xã nên có bức xúc gì về KCN thì những người nông dân mất đất ở xã Hoàng Ninh phải tự cứu mình. Ba hôm nay, những người nông dân mất 100% đất nông nghiệp ở thôn My Điền kéo nhau ra “cấm vận” chủ đầu tư là Tập đoàn Hồng Hải xây dựng hàng rào quanh KCN Vân Trung, nơi là ruộng lúa của họ ngày xưa. Nghe có vẻ nghịch lý, bởi hầu hết người dân khi hiến đất xây dựng KCN đều muốn chủ đầu tư nhanh chóng xây dựng để giải quyết công ăn việc làm cho con em họ, thế nhưng ở Hoàng Ninh, KCN gây thất vọng đến nỗi người dân sẵn sàng chống đối đến cùng để đánh bật chủ đầu tư ra khỏi địa phương.

Túc trực ngày đêm bên bãi ruộng đã bị san ủi, hàng trăm hộ dân còn lập thành những “bức tường người” ngăn cấm máy móc của chủ đầu tư vào xây dựng rồi kéo nhau lên huyện để đòi công lý. Họ bảo rằng, đây là phương án cuối cùng bởi suốt 5 năm trời đã đi khiếu kiện hết huyện, tỉnh, trung ương nhưng không có hiệu quả.

Trong số những người dân đi kiện ở Hoàng Ninh thì 95 hộ dân ở thôn My Điền là những người bức xúc nhất. Lý do họ kiện cáo triền miên là chủ đầu tư còn “bỏ sót” của họ hơn 52,7 đất nông nghiệp khai hoang phục hóa từ mấy chục năm trước khi thu hồi chỉ đền bù 20 ngàn/m2. Kiện cũng phải, bởi trong một số văn bản chính quyền huyện Việt Yên từng thừa nhận “khiếu kiện của người dân là có cơ sở xem xét giải quyết”. Vậy nhưng sự việc cứ kéo dài khiến họ chỉ còn cách ngăn cản chủ đầu tư xây dựng dù cho đất ruộng đã bị san bằng từ lâu.

Đến phiên gia đình mình phải ra KCN bỏ hoang để canh không cho chủ đầu tư hoạt động, bà ThânThị Mai (49 tuổi) ở xóm 7 cứ chống cuốc đứng trông. Nhiệm vụ của bà là hễ thấy máy móc kéo vào thì hô gọi dân làng ra giữ đất. Vẫn biết hành động này có phần thái quá nhưng bà Mai bảo: Chúng tôi đã hết cách, không đấu tranh thì chỉ có chết thôi.

5 năm trước, khi KCN Vân Trung kéo về, gia đình bà cũng như phần lớn hộ dân khác trong thôn chẳng còn tấc đất nào để canh tác. Toàn bộ số tiền đền bù hết sạch trơn sau một lần ông chồng gãy tay và bản thân bà phải đi viện để mổ. Mấy đứa con hết học chẳng còn ruộng để làm, nghề nghiệp không có nên lang thang kiếm người thuê.

5 năm trời gia đình sống nhờ vào 70 triệu đồng, số tiền đền bù 4000m2 đất ruộng khai hoang phục hóa từ năm 1987. Ba năm sau khi ruộng bị san bằng nhưng chủ đầu tư vẫn bỏ hoang, năm ngoái bà Mai tiếc đất quá nên trồng 400 cây bạch đàn lá liễu để hi vọng có thêm nguồn thu nhập. Nhưng chỉ sau một đêm bị người ta nhổ sạch. Tiếc số vốn bỏ ra bà lên xã kêu, nhưng kêu xong lại lủi thủi về vì chợt nhớ ra là vô ích.

 Từ chức chủ tịch xã vì quá mệt mỏi

Trở lại xã Tiền Phong (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), sau sự kiện hàng trăm hộ dân kéo đến nhà Chủ tịch huyện để xin được giữ đất nông nghiệp thì ông Chủ tịch UBND xã Tiên Phong Thân Văn Ty cũng vác đơn gửi lên chính quyền cấp trên xin nghỉ. Cũng là cái lý “xã đầu binh cuối cán” như Chủ tịnh Vấn ở xã Hoàng Ninh, gặp chúng tôi, ông Ty bảo: Mệt mỏi lắm rồi, dân không tin nữa thì nghỉ thôi.

Sự kiện ông Ty xin thoái thác khỏi chức chủ tịch xã dù chưa có kết quả gì nhưng cũng thành đề tài thời sự. Có người bảo từ ngày ông Ty lên làm Chủ tịch xã Tiền Phong cũng thay đổi được nhiều điều. Đình chùa, trường học, hệ thống đường giao thông… được xây dựng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20% xuống còn còn 4% (nếu thắt chặt chỉ còn 3%).

Người khác lại quan niệm rằng: Làm cán bộ mà không đứng về phía dân để giữ ruộng thì nghỉ đi có khi lại tốt. Riêng ông Ty, lý do cụ thể như sau: “Sau nhiều lần mất đất, đến thời điểm cuối năm ngoái, khi Cty Thạch Bàn định thu hồi tiếp như một “giọt nước làm tràn ly”. Áp lực từ người dân quá lớn, họ chẳng còn niềm tin nên tôi nghỉ”.

Đó cũng là cách thể hiện sự bất lực, nhưng ẩn sau việc xin từ chức, ẩn sau những lời nói xem chừng quá mệt mỏi, hơn ai hết ông Ty là người hiểu rõ vấn đề thời sự nhất hiện nay ở Tiền Phong là thu hồi đất nông nghiệp. “Tôi cũng là một người nông dân. Nếu đứng ở cương vị Chủ tịch xã thì chính sách thu hồi của Nhà nước buộc phải tuân theo. Nhưng nếu đứng ở cương vị của người dân thì tôi cũng không đồng tình với mức giá đền bù như thế”, ông Ty nói.

Thực trạng nhức nhối trong vấn đề mâu thuẫn giữa nông dân với KCN vẫn chưa đến hồi kết. Nhưng có một điều có thể nhận thấy, sau những “cơn lốc” công nghiệp hóa, đời sống người dân ở các địa phương như Hoàng Ninh, Tiền Phong xáo trộn rất nhiều. Có lẽ họ quá choáng ngợp với quá trình công nghiệp hóa.
 Ở Tiền Phong, bình quân mỗi khẩu được hai sào ruộng. Mấy dự án KCN trước thu hồi rồi bỏ hoang khiến họ vô cùng bức xúc. Thế nên đến dự án xây nhà máy gạch của Cty Thạch Bàn lần này, dù mức giá đền bù có lúc được đẩy lên 54,9 triệu đồng cho một sào ruộng (360m2) nhưng người dân vẫn cứ lắc đầu. Họ sợ. Nói như lão nông Nguyễn Văn Biếm ở thôn Quyết Tiến thì: Dự án sẽ lấy đi cách đồng hai lúa cuối cùng của thôn nhưng người dân như chúng tôi khi hết tiền bù sẽ sống bằng gì? Với khoản tiền này, với con đường mưu sinh bao đời là làm ruộng, với trình độ thấp và với tình hình vật giá leo thang từng ngày, thì những người dân trong diện thu hồi đất phục vụ dự án xây dựng nhà máy của Cty Thạch Bàn sẽ sống ra sao sau khi bàn giao đất?

Lời ông Biếm không phải không có lý bởi bài học từ KCN Song Khê – Nội Hoàng vẫn còn trờ trờ trước mắt. Lần ấy, trước khi thu hồi, UBND xã Tiền Phong cùng với doanh nghiệp đã họp với nhân dân và có biên bản với nội dung, nếu hộ nào bị thu hồi trên 1.250 m2 đất thì sẽ được cấp một suất đất dịch vụ. Đồng thời, Cty Cổ phần đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải hỗ trợ thêm 5000 đồng/m2 và lo cho con em vào công ty làm việc…

Nghe thì phấn khởi nhưng đến nay, dự án đang bỏ không nên chưa thực hiện được một lời hứa nào với người dân cả. Bài học ấy khiến họ nhìn KCN đầy ngờ vực. Đến lần thu hồi ruộng này UBND huyện Yên Dũng đã 2 lần tổ chức cưỡng chế để lấy đất cho dự án nhà máy gạch của Cty Thạch Bàn, Cty này cũng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng người dân vẫn cứ chống. Xã đã bất lực rồi, nhà riêng Chủ tịch huyện cũng đã đến rồi, không biết tâm vọng những người dân xã Tiền Phong sẽ còn đi đến đâu?


Có thể bạn quan tâm

Quang Thuận (Bắc Kạn): Vào Vụ Thu Hoạch Quýt Quang Thuận (Bắc Kạn): Vào Vụ Thu Hoạch Quýt

Trong những ngày này, tại xã Quang Thuận (Bạch Thông - Bắc Kạn) nhiều tư thương đã cho cả xe tải từ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn và thành phố Hà Nội đến các hộ dân để thu mua quýt. Không khí mua bán chưa nhộn nhịp do mới bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhưng các hộ dân khá vui vì giá thu mua tương đối cao.

15/10/2013
Đắk Nông: Mô Hình Liên Kết Trồng Cây Chanh Dây Ở Đắk Ha Đạt Năng Suất Cao Đắk Nông: Mô Hình Liên Kết Trồng Cây Chanh Dây Ở Đắk Ha Đạt Năng Suất Cao

Ðược sự hỗ trợ của ngành chức năng, thời gian qua, Hợp tác xã Nông- lâm nghiệp & Thương mại Tia Sáng (Gia Nghĩa) đã liên kết với Công ty Cổ phần sản xuất, chế biến nông, lâm sản - dược liệu sạch Ðắk Nông, Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Giai Mỹ trồng 10 ha chanh dây tại thôn 2, xã Ðắk Ha (Ðắk Glong - Đắk Nông) để phục vụ nguyên liệu chế biến nước ép trái cây.

15/10/2013
Quảng Nam: Người Nuôi Tôm Ứng Phó Với Bão Số 11 Quảng Nam: Người Nuôi Tôm Ứng Phó Với Bão Số 11

Khi nghe bão số 11 đang đến gần, gia đình tôi khẩn trương thuê nhân công chằng chống lại các trại, chòi nuôi tôm. Do không thể xuất bán tôm mới chỉ nuôi được hơn 1 tháng nên tôi gia cố ao nuôi, tránh để tôm thoát ra bên ngoài.

16/10/2013
Tổng Kết Thí Điểm Bảo Hiểm Nông Nghiệp Để Triển Khai Đại Trà Tổng Kết Thí Điểm Bảo Hiểm Nông Nghiệp Để Triển Khai Đại Trà

Một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần tổng kết việc thí điểm để thực hiện trên diện rộng.

17/10/2013
Phát Huy Thế Mạnh Nuôi Trồng Thuỷ Sản Phát Huy Thế Mạnh Nuôi Trồng Thuỷ Sản

Hải Hà (Quảng Ninh) là một huyện có đường bờ biển kéo dài với nhiều diện tích tự nhiên phù hợp để phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Trong những năm qua, huyện Hải Hà đã có nhiều cố gắng để phát huy lợi thế ven biển, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

18/10/2013