Vươn lên từ trồng nấm
Sau nhiều năm loay hoay tìm kiếm một công việc ổn định, chị Nguyễn Thị Huyền (thôn Trường An, xã Bình Tú, Thăng Bình) “bén duyên” với nghề trồng nấm. Không chỉ làm giàu, chị còn giúp đỡ nhiều hộ khác vươn lên thoát nghèo từ nghề này.
Trong ảnh: Mô hình trồng nấm của chị Huyền cho lãi ròng hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Phan Vinh
Cả thôn Trường An ai cũng quen gọi chị là “Huyền lái xe”. Bởi trước đây, chị chưa tìm được một công việc nào phù hợp nên cứ ai kêu gì làm nấy. Chị từng có thời gian lái máy cày, rồi nhiều năm lái xe ba gác để chở hàng dịch vụ.
Năm 2014, qua nhiều kênh thông tin, chị Huyền biết đến nghề trồng nấm vừa nhẹ nhàng, vừa thu được lợi nhuận cao. Từ đó, chị bắt đầu làm quen với một vài người có mô hình trồng nấm. Rồi cứ mỗi lần rảnh rỗi, chị đều vào TP.Tam Kỳ học hỏi mô hình này. Tuy nhiên, không phải ai cũng chỉ dạy tận tình cho chị. Để tích lũy được vốn kiến thức cần thiết, chị phải bỏ rất nhiều công sức, tìm hiểu ở nhiều nơi.
Cuối cùng, khi đã trang bị đầy đủ các kỹ thuật nuôi trồng nấm, chị Huyền bắt đầu vay mượn người quen số tiền 20 triệu đồng. Chị đầu tư cơ sở vật chất và mua giống. Đến nay, chị đã có được 3 cơ sở với quy mô hơn 17.000 bao giống nấm ươm. Sau khi trừ tất cả chi phí, mô hình này chị thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.
Chị Huyền chia sẻ: “Nghề trồng nấm không khó, chủ yếu phải nắm được phương pháp sinh trưởng của cây nấm. Nếu có vốn nhiều, thì có thể xây dựng khu trại riêng biệt, hoặc nếu không, cũng có thể nuôi nấm trong nhà, miễn sao có thể giữ được độ ẩm. Nhiều năm qua, lượng cầu lúc nào cũng nhiều hơn cung, vì vậy vấn đề đầu ra của cây nấm thương phẩm rất ổn định. Từ khi chuyển qua trồng nấm tôi thấy nhẹ nhàng hơn nhiều so với nghề lái xe trước đây”.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, khi tìm được hướng làm kinh tế mới, chị Huyền cũng mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng nấm với những người xung quanh. Nhờ sự chỉ dạy tận tình của chị Huyền mà gia đình chị Nguyễn Thị Tiến (thôn Tú Cẩm, xã Bình Tú) giờ đã vươn lên thoát nghèo. Trước đây, chồng chị Tiến làm nhiều nghề nhưng không ổn định. Từ khi bắt đầu trồng nấm, chỉ tận dụng diện tích trong nhà nhưng gia đình chị Tiến đã thu lãi hơn 50 triệu đồng mỗi năm.
Ngoài ra UBND xã Bình Tú còn mời chị Huyền đứng lớp, chia sẻ kỹ thuật trồng nấm cho nhiều khóa đào tạo nghề tại địa phương. Sau mỗi khóa đào tạo, với những học viên quyết tâm theo đuổi mô hình, chị Huyền đã giúp đỡ tận tình và tự tay tìm nguồn giống tốt cho họ.
Ông Trần Xuân A - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tú cho biết, những năm gần đây, nhiều hộ dân ở địa phương đã bắt đầu làm quen với mô hình trồng nấm. Toàn xã hiện có 21 hộ tham gia trồng, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình này. “Nhưng đặc biệt nhất là chị Huyền ở thôn Trường An - là tấm gương tiêu biểu trong việc thay đổi tư duy làm kinh tế. Chị vừa làm mô hình nhưng cũng không ngần ngại giúp đỡ nhiều người tiếp cận và đi lên phát triển kinh tế” - ông A nói.
Chị Huyền đang sử dụng 3 lao động để giúp việc cho mình tại 3 cơ sở, họ đều có hoàn cảnh khó khăn. Sắp tới chị dự định sẽ mở một trang trại lớn với quy mô khoảng 30.000 bao giống nấm ươm. “Tôi muốn đầu tư lớn một phần để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế, phần khác muốn xây dựng một mô hình kiểu mẫu đúng chất lượng để nếu có người đến tham quan, họ sẽ có cái nhìn rõ rệt hơn về nghề trồng nấm cho hiệu quả kinh tế như thế nào” - chị Huyền nói.
Có thể bạn quan tâm
Khi trừ mọi chi phí vật tư, công lao động và khấu hao tiền thuê mượn đất, gia anh Thế vẫn còn lãi ròng ngót 1 tỷ đồng.
Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng theo hướng hữu cơ sinh học đang là xu thế chung trên thế giới.
Nguyễn Quốc Pháp (SN 1991) bắt đầu hành trình gian nan mang cà phê sạch về phố cổ Hội An khiến nhiều người nể phục.