Vùng Chè Hoàng Su Phì Và Giấc Mơ Thương Hiệu
Sở hữu trên 4,4 nghìn ha chè, trên 3,2 nghìn ha cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi hàng năm trên 12 nghìn tấn... nhưng sản phẩm chè Hoàng Su Phì chưa thực sự tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Và giấc mơ một thương hiệu thống nhất cho dòng sản phẩm độc đáo của mảnh đất cửa ngõ miền Tây không biết bao giờ mới thành hiện thực!
Mạnh ai nấy làm
Mỗi ai đặt chân đến Hoàng Su Phì, được thưởng thức sản phẩm chè xanh đều cảm nhận sự độc đáo trong hương thơm, vị đượm, hiếm nơi nào có. Sự khác biệt mang tính đặc trưng do vùng chè Hoàng Su Phì được phủ bằng giống Shan tuyết lá to, nhiều diện tích chè cổ thụ nằm trên núi cao, quanh năm mây phủ, sương mù đặc quánh nên đã chắt lọc được những tinh túy của trời, đất vào từng búp chè.
Thế nhưng, vị thế chè Hoàng Su Phì trên thương trường còn khiêm tốn, ngoài một vài HTX đầu tư công nghệ chế biến sâu, mở điểm tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành thì phần lớn vẫn là sản phẩm thô, giá thành không cao.
Thực tế những gì đã, đang diễn ra tại vùng chè Hoàng Su Phì cho thấy, mặc dù diện tích đứng thứ 2 của tỉnh, nhưng chưa thực sự lớn so với một vài địa phương lân cận. Trong khi đó, nơi đây lại tập trung mật độ quá dày gồm 6 HTX, 20 cơ sở chế biến lớn và 300 cơ sở thu mua, chế biến chè quy mô nhỏ, ngoài ra còn 3-4 doanh nghiệp tham gia thu mua chè nguyên liệu và chè sơ chế.
Sự xuất hiện quá nhiều cơ sở thu mua, chế biến đã mang lại nguồn lợi cho người dân, nhưng nó cũng dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, mạnh ai nấy làm, gây lũng đoạn vùng chè, nhất là thời điểm khan hiếm nguồn nguyên liệu.
Từ nhiều năm nay, vùng chè Hoàng Su Phì đang xảy ra việc các cơ sở chế biến không thống nhất về giá khi tiến hành thu mua chè búp tươi, không cam kết bao tiêu sản phẩm với người trồng chè... nên nhiều lúc không chủ động được nguyên liệu đầu vào.
Hiện nay, phần lớn các sản phẩm chè chế biến không nhãn hiệu, không đăng ký chất lượng sản phẩm, dẫn đến chè Hoàng Su Phì không tạo được sự khác biệt với các dòng sản phẩm khác trên thị trường, không có lợi thế cạnh tranh, giá bán từ 40-50 nghìn đồng/kg chè vàng, 80-100 nghìn đồng/kg chè xanh thành phẩm, không cao hơn các loại chè thâm canh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, vùng chè Hoàng Su Phì cũng đang đối mặt với nhiều áp lực, sự thiếu liên kết giữa các cơ sở chế biến với người nông dân trồng chè đã làm tăng chi phí sản xuất, phí giao dịch, thu mua sản phẩm. Tình trạng này cũng dẫn đến các cơ sở không có sự hỗ trợ nhau trong trường hợp nhận được những đơn đặt hàng lớn, yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao.
Đối với người trồng chè, chủ yếu là các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ, độc lập nên họ thiếu khả năng đàm phán về giá cả. Việc sản xuất nhỏ, lẻ cũng ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho vùng chè chất lượng cao.
Còn nhiều lạc hậu.
Mặc dù diện tích chè Hoàng Su Phì đứng thứ 2 của tỉnh nhưng sản lượng không cao; giống chè Shan tuyết cho sản phẩm chất lượng tốt nhưng cũng chưa tạo được chỗ đứng...
Nguyên nhân xuất phát từ công nghệ trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến còn lạc hậu. Hiện tại, người trồng chè Hoàng Su Phì chỉ thu hái được 4 vụ/năm, nguyên nhân do thời gian đốn chè chưa hợp lý. Theo các cán bộ nông nghiệp, thời gian đốn chè đúng kỹ thuật phải được thực hiện từ cuối tháng 11 đến tháng 12 hàng năm.
Nhưng trên thực tế, người nông dân thường đốn cây vào cuối tháng 4, khi kết thúc vụ thu hoạch thứ nhất nên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cành lộc, khả năng sinh trưởng búp. Hơn nữa, người dân thường sử dụng phương pháp đốn đau - chặt cành chè đã làm ảnh hưởng tới khả năng phát triển của cây.
Vấn đề công nghệ chế biến cũng còn nhiều chuyện đáng bàn. Với nhiều cơ sở chế biến, công suất đạt 200-300kg/ngày, thiết bị không đồng bộ, lạc hậu, chỉ đáp ứng được yêu cầu sơ chế sản phẩm. Nguyên liệu dùng xao, sấy chè chủ yếu là củi khai thác tại rừng phòng hộ được khoanh nuôi tái sinh với định mức 4-5m3 củi/tấn chè khô.
Với sản lượng bình quân hàng năm trên 2 nghìn tấn chè khô, tiêu thụ khoảng 150 nghìn m3 củi, nếu không có giải pháp thay thế nguyên liệu sấy sẽ dẫn đến tình trạng khai thác quá mức rừng phòng hộ đầu nguồn, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 48 cơ sở chế biến công nghiệp và chế biến trong dân với quy mô 3-5 tấn chè búp tươi/ngày; 42 cơ sở chế biến nhỏ, công suất bình quân 200-1 nghìn kg/máy/ngày. Tổng sản lượng trung bình đạt trên 12 nghìn tấn, trong đó có khoảng 80% chè vàng, giá trị thấp, xuất vào các thị trường dễ tính, chỉ 20% sản phẩm chè xanh tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Như vậy, chè Hoàng Su Phì không có gì nổi trội, thậm chí kém nhiều nơi khác ở khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm, nếu không có sự đổi mới, rất dễ dẫn đến nguy cơ mất thương hiệu trên chính sân nhà!
Nỗ lực tạo chỗ đứng
Sản phẩm chè là nguồn thu nhập chính của đại bộ phận người dân Hoàng Su Phì, nhưng để làm giàu, rất cần sự đầu tư, đổi mới thực sự từ tư duy đến cách làm. Nhận thức rõ điều này, từ nhiều năm nay, Hoàng Su Phì đang theo đuổi chiến lược đưa cây chè lên đúng tầm, vị trí với hàng loạt chính sách kích cầu.
Cụ thể, dù nguồn ngân sách còn rất eo hẹp, nhưng huyện đã cố gắng bố trí hỗ trợ 2 triệu đồng/ha chè trồng mới, 1 triệu đồng với chè trồng dặm… Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau chế biến, huyện đã đầu tư nâng cấp dây chuyền cho 3 HTX với tổng kinh phí hỗ trợ 720 triệu đồng.
Bên cạnh đó, huyện cũng hỗ trợ gần 400 triệu đồng, giúp HTX chế biến chè Phìn Hồ đầu tư công nghệ, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm. Sự vào cuộc, hỗ trợ kịp thời, đúng hướng của Nhà nước đã từng bước tạo dựng uy tín cho chè Hoàng Su Phì.
Tuy nhiên, việc nhận diện chè Hoàng Su Phì trên thị trường vẫn rất khó nếu chưa giải quyết được tình trạng quá nhiều cơ sở, HTX thu mua, chế biến dẫn đến loạn nhãn hiệu và khó quản lý chất lượng. Huyện Hoàng Su Phì cũng đã nhận thức được điểm yếu là chưa có thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chè địa phương nên chưa có chỗ đứng trên thị trường.
Đã đến lúc phải hành động thực sự, có chiến lược xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chung của sản phẩm chè Hoàng Su Phì. Chủ trương này cũng được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến gợi mở tại Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị chè chất lượng cao bền vững, rất mong được xem xét một cách nghiêm túc, sớm bắt tay thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Không chỉ sáng tạo bằng cách đưa Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) vào xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh còn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các hợp tác xã trong Chương trình OCOP.
Không chỉ tạo việc làm cho hàng chục người, Hợp tác xã Sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện (HTX Nấm Sáng Thiện) ở xã Quảng Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội còn là địa chỉ dạy nghề tin cậy của nhiều học viên.
Cùng một lúc kiêm nhiệm nhiều vị trí công việc, vừa là chi hội trưởng nông dân (ND), phó chủ nhiệm câu lạc bộ nuôi ong, y tá thôn… nhưng ở cương vị nào ông Nguyễn Trọng Hùng, thôn Phú Tân, xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hoà (Nghệ An) đều hoàn thành tốt công việc của mình.
Cây bưởi Diễn khi bón NPK Văn Điển cành cây khỏe, lá màu xanh sáng, khi chín vỏ quả mỏng nhẵn, màu da đồng, tôm mọng nước, ngọt thanh và bảo quản được lâu. Lựa chọn phân Văn Điển để sản xuất rau, quả an toàn là giải pháp hợp lý .
Giá heo đang có dấu hiệu “ấm” dần lên, nhu cầu thực phẩm cho mùa tết tăng cao, trong khi giá thức ăn chăn nuôi giảm... là những thuận lợi giúp nhiều nông dân, chủ trang trại vùng Đông Nam Bộ hào hứng tái đàn, chăn nuôi phục vụ tết.