Vua tôm hùm Bình Ba Tây
Những ngày gần Tết Nguyên đán năm Ất Mùi, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Nguyễn Ngọc Huy. Anh nở nụ cười rạng ngời bởi vừa mới xuất xong lứa tôm hùm thịt được giá.
“Vụ nuôi năm nay gia đình mình thu hoạch tôm hùm thịt được khoảng 5 tấn, bán với giá trung bình 2 triệu đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí còn lãi hơn 4 tỷ đồng.
5 anh em lao động ở đây mỗi người cũng được gần 100 triệu đồng nhờ mình hỗ trợ đầu tư cho mỗi người nuôi 1 lồng”, anh Huy phấn khởi.
Vụ nuôi tôm hùm 2013-2014, gia đình anh Huy đầu tư nuôi 100 lồng, mỗi lồng có kích thước 3m2 thả khoảng 7.000 con tôm hùm bông, tương ứng với khoảng 70 con/lồng. Sau 16 tháng nuôi khi tôm đạt loại 1 (0,8 kg/con trở lên) thì thu hoạch.
Duyên nghiệp
Năm nay 44 tuổi, anh Nguyễn Ngọc Huy đã có 11 năm gắn bó với nghề nuôi tôm hùm. Sinh ra và lớn lên ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình, một hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh Cam Ranh được bao bọc bởi sóng và gió, thuở thiếu thời của anh Huy là những tháng ngày lênh đênh trên biển.
“Tuổi thơ của tôi là những ngày cơ cực cùng cha đi biển, bởi nghề này có làm mới có ăn, còn không làm thì đói! Nhất là vào những tháng biển động, sóng to gió lớn nên nghề đi biển của gia đình phải tạm gác, lúc đó 10 miệng ăn trong nhà phải chạy vay từng bữa để rồi sau đó khi biển êm cha con cùng nhau đi “cày” để trả nợ…”, anh Huy tâm sự.
Thế nhưng sau một thời gian dài làm nghề biển, cái nghèo vẫn cứ đeo bám dai dẳng cùng gia đình, nhiều lúc anh Huy thấy nản lòng và nghĩ đến ước mơ thoát ly cuộc sống cơ cực của vùng biển mặn bằng cách đi học một cái nghề nào đó có thể dễ kiếm tiền hơn.
Năm 1997, anh rời bỏ đảo lên đất liền học nghề sửa chữa điện tử.
Sau 5 năm theo đuổi nghề sửa chữa điện tử nhưng cũng không khiến cuộc sống của anh khấm khá hơn. Đến năm 2003, được gia đình vận động, anh trở lại đảo Bình Ba để kiếm kế sinh nhai từ biển.
Thời điểm đó cuộc sống ở đây vẫn còn khó khăn, Nhà nước có chính sách ưu tiên cho người dân vùng biển vay vốn để phát triển kinh tế.
Thế là anh mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng NN-PTNT Cam Ranh cùng với số vốn của gia đình tích cóp đầu tư nuôi “thử nghiệm” 100 con tôm hùm.
Không ngờ vụ nuôi đầu tiên anh thắng lớn, lãi gần 100 triệu đồng. Thấy nuôi tôm hùm có hiệu quả, anh Huy tiếp tục đầu tư hết số tiền lãi mở rộng mô hình nuôi tăng dần theo từng năm và năm nào cũng có lãi.
Anh Huy kể: “Những năm đầu trên vịnh Cam Ranh ít người nuôi nên môi trường nước sạch, tôm lớn rất nhanh. Những năm sau thấy nuôi tôm hùm mang lại lợi nhuận cao nên nhà nhà ở Bình Ba đều nuôi. Cũng từ đó môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm do nguồn thức ăn dư thừa của tôm gây ra và hậu quả ập xuống đầu người nuôi tôm vào năm 2007.
Đó là trận đại dịch bệnh sữa trên tôm hùm bùng phát đã “cướp” đi gần hết sản lượng thả nuôi khoảng 1.000 con với số tiền lên tới trên 1 tỷ đồng khiến cuộc sống của tôi một lần nữa trở về con số không.
Tôm mắc bệnh cứ lăn đùng ra chết, tôi bị “sốc” nặng về tinh thần.
Bao nhiêu vốn liếng dành dụm của gia đình từng năm nuôi tôm thả hết xuống biển, giờ trắng tay. Lúc đó rất nhiều người nuôi tôm trên đảo cùng cảnh ngộ, nợ nần chồng chất, thậm chí bỏ nhà ra đi”.
Nghỉ nuôi một thời gian ngắn, anh nhận ra quy trình nuôi của mình quả có trục trặc. Đó là thả nuôi với mật dày, cho tôm thức ăn không tươi và việc sắp xếp các lồng nuôi như độ sâu thả lồng, khoảng cách các lồng chưa được bài bản khiến dòng nước bị cản không lưu thông nên bệnh dễ phát sinh, không thể xử lý kịp.
Vì vậy tự nhủ “thất bại là mẹ thành công”, cuối năm 2008, trong lúc người nuôi tôm ngao ngán vì dịch bệnh anh Huy lại xoay sở vốn thả nuôi 1.000 con hùm bông và áp dụng quy trình đã đúc kết.
Kết quả, sau 16 tháng thả nuôi, anh thu hoạch bán với giá cao lãi hàng tỷ đồng.
Từ đó cho đến nay, vụ tôm năm nào anh Huy cũng thắng lớn và trở thành người nuôi tôm hùm nhiều nhất ở Bình Ba với 100 lồng.
Quy mô bè nuôi tôm hùm của anh Nguyễn Ngọc Huy lên đến 100 lồng, thả nuôi khoảng 7.000 con
Tuân thủ 3 nguyên tắc
Dẫn chúng tôi tham quan lồng bè nuôi tôm hùm của gia đình được đầu tư quy mô, anh Huy cho biết, phương pháp nuôi tôm hùm lồng theo kiểu truyền thống lâu nay của người dân áp dụng thường phát sinh nhiều dịch bệnh cùng với đó là năng suất, sản lượng đạt thấp.
Sau nhiều năm tham khảo, học hỏi và nuôi thực tế anh rút ra 3 nguyên tắc nuôi đó là thả nuôi mật độ thưa, cho tôm ăn mồi tươi sống và thả các lồng nuôi theo dạng đan xen lồng sâu và lồng thấp với độ sâu các lồng từ 5 – 7m.
Sau nhiều năm tham khảo, học hỏi và nuôi thực tế anh rút ra 3 nguyên tắc nuôi đó là thả nuôi mật độ thưa, cho tôm ăn mồi tươi sống và thả các lồng nuôi theo dạng đan xen lồng sâu và lồng thấp với độ sâu các lồng từ 5 – 7m.
Theo anh Huy, thả tôm hùm với mật độ 70 con/lồng (đối với lồng có kích thước 3m2) là vừa. Còn về thức ăn cho tôm, anh đặc biệt cho tôm nuôi ăn mồi sống như ghẹ và sò huyết sống.
Bởi anh cho rằng, con người cần môi trường sạch sẽ để sống. Và nuôi con tôm hùm chẳng khác gì một đứa trẻ. Mình cho nó sống trong môi trường sạch, ăn đồ tốt thì nó sống khỏe, chóng lớn và đem lại thành quả như mong đợi.
Do vậy chỉ riêng tiền thức ăn cho tôm với sản lượng thả nuôi 7.000 con tôm hùm, mỗi ngày anh chi khoảng 15 triệu đồng.
Ngoài ra, để khống chế các yếu tố có thể gây bệnh trên tôm nuôi, hằng ngày anh luôn lặn xuống các lồng nuôi vệ sinh sạch sẽ; đồng thời theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường để dịch chuyển, điều chỉnh độ sâu lồng cho phù hợp, giảm bớt sự tác động ảnh hưởng của biến đổi thời tiết.
“Điều quan trọng trong nuôi tôm là tránh để nguồn nước tù đọng, bởi đây chính là môi trường lý tưởng cho hoạt động của các sinh vật gây bệnh trên tôm. Vì vậy chúng tôi thường xuyên vệ sinh lồng nuôi, thay lồng nuôi và tạo độ thông thoáng lưu thông nước cho các lồng. Phòng bệnh bao giờ cũng quan trọng hơn chữa bệnh”, anh Huy chia sẻ.
Với cách đầu tư như vậy, riêng 3 vụ nuôi tôm gần đây, anh Huy thu hoạch lãi hàng chục tỷ đồng. Do vậy nhiều người đã gọi anh là “vua” tôm hùm vì thành quả đó. Trải qua bao thăng trầm trong nghề nuôi tôm mới tới ngày “thái lai” nhưng anh vẫn bình dị, chân chất như bản tính vốn có của những ngư dân vùng biển mặn.
Trò chuyện với chúng tôi, anh luôn nở một nụ cười gần gũi và chia sẻ tất cả những gì anh có trong cuộc đời nuôi tôm kể cả số tiền dành dụm, từng mảnh đất mới mua, kể cả ngôi nhà 5 tầng cao chót vót nổi bậc ở hòn đảo Bình Ba này.
Tiếp chuyện với anh Đỗ Hồng Nhĩ, quê ở Thanh Hóa, một trong 5 lao động đang giúp việc nuôi tôm cho anh Huy được biết, anh làm thuê cho anh Huy cũng được hơn 5 năm rồi. Cuộc sống gia đình ở ngoài quê rất khó khăn nên anh vào đây theo anh Huy nuôi tôm. Nhờ nuôi tôm hiệu quả mà anh cũng như các anh em làm cùng có thu nhập khá.
Ngoài mức lương cố định từ 3,5 – 5 triệu đồng/người, anh em làm công còn được anh Huy giúp đỡ đầu tư cho mỗi người 1 lồng nuôi khi thu hoạch lãi được hưởng.
“Riêng vụ năm nay tôi thả 100 con, thu hoạch được 85 con, bán giá trên 2 triệu đồng/kg, trừ chi phí tôi lãi 100 triệu đồng”, anh Nhĩ hồ hởi.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, phong trào nuôi tôm hùm lồng, tôm hùm bè trong tỉnh đang phát triển mạnh, nhất là ở thị xã Cam Ranh, huyện Vạn Ninh, TP. Nha Trang. Sau đây xin giới thiệu về cách phòng trừ một số bệnh thường gặp ở tôm hùm
Tôm hùm là tên gọi chung của một nhóm các loài giáp xác có kích thước lớn thuộc họ Palinuridae. Hiện nay, tôm hùm là một loại hải đặc sản đã và đang được chú trọng trong nuôi trồng Thủy sản, thịt của chúng thơm ngon, giàu đạm, được nhiều người ưa thích là đối tượng có giá trị xuất khẩu cao
Những tôm hùm giống mắc lưới được gỡ ra rất nhanh và được lưu giữ trong các thùng nhựa tròn có thể tích 4 lít, khoảng 100-150 con/thùng và máy sục khí. Kích cỡ tôm giống thu được khá đồng đều, chúng trong suốt và chiều dài giáp đầu ngực chỉ dao động từ 7 - 8mm/con và trọng lượng từ 0,25 - 0,35 g/con.
Nuôi tôm hùm bằng lồng trên biển là hình thức nuôi trong một hệ sinh thái hở, nên việc phòng bệnh gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, trong quá trình nuôi, tôm phải chịu nhiều yếu tố gây sốc như việc phân cỡ tôm, vệ sinh lồng nuôi, thay lưới hay thay lồng nuôi
Tôm hùm lớn lên nhờ quá trình lột xác. Tôm càng nhỏ, quá trình lột xác càng ngắn và tôm lớn càng nhanh. Tôm hùm có chu kỳ lột xác dài hơn so với các loài giáp xác khác, do đó, tốc độ tăng trưởng của chúng cũng chậm hơn.