Vụ Lúa Thu Đông 2014 Được Mùa, Được Giá

Vụ lúa thu - đông, toàn tỉnh Trà Vinh xuống giống được 86.850ha, đạt 99,37% kế hoạch. Đến nay, nông dân đã thu hoạch được khoảng 10.558ha, tập trung ở huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, năng suất bình quân 5,32 tấn/ha, tăng 0,15 tấn/ha so với cùng kỳ.
Hiện giá lúa tươi IR50404 được các thương lái mua tại ruộng 5.000 đồng/kg, lúa chất lượng cao giá 5.200 - 5.400 đồng/kg, tăng 600 - 700 đồng/kg so với cùng kỳ.
Ông Lê Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã Huyền Hội, huyện Càng Long cho biết: Vụ lúa thu - đông, toàn xã xuống giống được 2.400ha, nhờ xã làm tốt khâu chuyển giao khoa học kỹ thuật nên diện tích sạ lúa chất lượng cao chiếm trên 80% diện tích, đa số nông dân đều áp dụng sạ hàng, sạ thưa theo phương pháp “03 giảm, 03 tăng”, hiện nông dân thu hoạch được khoảng 1.600ha, năng suất ước đạt 5,3 tấn/ha, cao hơn 0,1 tấn/ha so với cùng kỳ, vụ lúa này được giá, nông dân rất phấn khởi.
Ông Võ Văn Út Em ở ấp Cầu Xây nói: Năm nay lúa được mùa, được giá, lúa sắp thu hoạch nhiều thương lái đến tận ruộng đặt cọc mua tại ruộng, thấy giá cả phải chăng, tôi bán lúa tươi với giá 5.000 đồng/kg (lúa IR50404), tăng 700 đồng/kg so với cùng kỳ. Vụ lúa này, gia đình tôi sạ 01ha, năng suất đạt 6,5 tấn/ha, lợi nhuận 16 triệu đồng/ha.
Tuy được mùa, được giá, nhưng vụ lúa thu - đông năm nay thời tiết không thuận lợi nên toàn xã Huyền Hội có khoảng 30% diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh, chủ yếu là bệnh đạo ôn, nhiễm khuẩn thối thân, tỷ lệ nhiễm bệnh từ 10 - 30% nên chi phí cao hơn so với cùng kỳ khoảng 20%.
Ông Phạm Thanh Vũ, ở ấp Giồng Bèn cho biết: Vụ lúa thu - đông, tôi có 1,5ha tham gia mô hình cánh đồng lớn (CĐL), mặc dù trước khi bước vào vụ lúa, xã phối hợp với ngành chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, sạ hàng theo phương pháp “03 giảm, 03 tăng”, bón phân cân đối theo bản so màu lá lúa, phun thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp “4 đúng” nhưng do thời tiết bất lợi nên bệnh đạo ôn tấn công mạnh, không riêng gì ruộng của gia đình tôi mà tất cả các diện tích lúa ở đây đều bị bệnh, tỷ lệ nhiễm bệnh từ 10 - 20%, vụ lúa này chi phí tăng 20% so với cùng kỳ, tất cả diện tích CĐL đang chuẩn bị thu hoạch, nếu tới ngày thu hoạch rộ, giá lúa giảm, nông dân sẽ không có lợi nhuận.
Huyện Càng Long hiện đã thu hoạch được 9.365/13.480,2ha lúa thu - đông, năng suất ước đạt 5,5 tấn/ha. Ông Nguyễn Văn Khoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Càng Long cho biết: Vụ lúa này, nông dân trúng mùa, trúng giá. Tuy nhiên, thời tiết năm nay không thuận lợi, một số diện tích lúa xuống giống không tuân thủ lịch thời vụ bị sâu, bệnh gây hại nặng.
Trước tình hình trên, Phòng NN-PTNT cũng chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện, cán bộ nông nghiệp các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Trạm BVTV huyện đã cử cán bộ trực tiếp xuống các xã, đặc biệt là những địa phương có diện tích lúa bị nhiễm với mật độ nặng để kiểm tra, hướng dẫn người dân biện pháp phòng trừ với các loại thuốc phù hợp.
Cán bộ nông nghiệp các xã cũng đã tổ chức thăm đồng thường xuyên, trực tiếp phân loại sâu bệnh hại và có hướng dẫn phun thuốc kịp thời. Từ đầu vụ đến nay, huyện đã hướng dẫn nông dân khắc phục được 4.500ha bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, cháy bìa lá.
Vụ lúa thu - đông, toàn tỉnh hiện có 3.327ha lúa bị nhiễm sâu bệnh, cụ thể: Đạo ôn lá 1.869ha, tỷ lệ bệnh 05 - 10%, cục bộ có 128,7ha tỷ lệ bệnh 10 - 20% ở xã Phước Hưng, Thanh Sơn, Long Hiệp, huyện Trà Cú; bạc lá 858ha, tỷ lệ 10 - 20%, cục bộ có 70ha tỷ lệ nhiễm bệnh 20 - 30% ở xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành; chuột gây hại 508ha, tỷ lệ 01 - 05% rải rác ở huyện Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang; sâu cuốn lá nhỏ 92ha rải rác ở huyện Châu Thành. Từ nay đến cuối vụ, dự báo tình hình thời tiết còn diễn biến bất thường nên sâu bệnh hại cây lúa còn phức tạp.
Theo ông Kim Xê, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt BVTV tỉnh: Hiện nay, một số diện tích lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh, đòng trổ và trổ chín. Để chủ động chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, hạn chế những thiệt hại do sâu bệnh gây ra, nhất là các loại bệnh như rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, nhiễm khuẩn thối thân… Phòng NN-PTNT các huyện phối hợp với trạm BVTV chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thường xuyên ra đồng kiểm tra, phát hiện bệnh kịp thời, khống chế không để sâu bệnh lây lan ra diện rộng.
Đồng thời, trạm BVTV huyện cử cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng để nắm bắt tình hình dịch bệnh, chỉ đạo điều tiết nước hợp lý cho từng vùng, khuyến cáo nông dân bón phân hợp lý cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt; chính quyền và ngành chuyên môn địa phương đặc biệt quan tâm bảo vệ hệ thống cống, đập, đê bao, bờ bao bảo vệ lúa, huy động hết các lò sấy lúa vào hoạt động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lúa bị ẩm mốc.
Có thể bạn quan tâm

Huyện Thuận Thành đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động các biện pháp chống úng và tích cực, linh hoạt trong công tác chống hạn với phương châm: cao, xa tưới trước; thấp, gần tưới sau, tập trung tưới nhanh gọn và đủ. Các trạm bơm lớn bơm rút dưới, các trạm bơm nhỏ tranh thủ tận dụng nguồn nước trên kênh tiêu để bơm tưới, hạn chế sự xâm nhập nước ngoại lai, trừ trường hợp phải tạo nguồn cho trạm bơm lớn hoạt động.

Trước đây, nông dân ở U Minh Hạ (Cà Mau) canh tác nông nghiệp theo lối truyền thống cho năng suất lúa bấp bênh, chất lượng gạo kém. Kể từ năm 2008 đến nay, tỉnh Cà Mau thực hiện bố trí các giống lúa chủ lực kết hợp việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã giúp nông dân cải thiện đáng kể năng suất cây trồng, chất lượng lúa gạo đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và phục vụ xuất khẩu.

Đây là cây cứu cánh của người dân nơi đây. Người tiên phong trồng khoai sáp là ông Nguyễn Văn Thơm. Từ năm 2004 ông chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai, năm nào cũng cho năng suất ổn định từ 1,5 - 1,7 tấn/sào, sau khi trừ chi phí lãi từ 7 - 10 triệu đ/sào. Vào dịp Tết khoai sáp tiêu thụ mạnh từ 13.000 - 15.000 đ/kg, lãi gần gấp đôi ngày thường. Vụ Tết vừa qua, với 3 sào khoai sáp, năng suất đạt 1,5 tấn/sào, bán 14.000 đ/kg, trừ chi phí ông Thơm lãi hơn 30 triệu.

Trồng dâu, nuôi tằm lâu nay vốn là nghề quen tay đối với nhiều nông dân ở Nghĩa Hành. Thế nhưng những năm gần đây, thay vì nuôi tằm kén như truyền thống, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi tằm vôi – một hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từng niên vụ, tổ luôn bám sát các bộ giống thích nghi do Cục Khuyến nông khuyến cáo; phối hợp chặt chẽ với trung tâm giống nông nghiệp sở tại và tiến hành nhân giống lúa cấp xác nhận phục vụ nhu cầu sản xuất.