Vỗ béo gia súc, cách giảm nghèo của đồng bào vùng cao Bắc Cạn
Nhờ nuôi vỗ béo trâu bò, anh Nguyễn Văn Đường ở thôn Lũng Quang, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể thu lãi từ 80 đến 100 triệu đồng mỗi năm.
Trồng rừng ở Bắc Cạn phát triển mạnh, bãi chăn thả gia súc ngày càng thu hẹp, để phát triển chăn nuôi gia súc, nhiều hộ dân vùng cao đã chuyển sang trồng cỏ, nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò mang lại thu nhập cao. Nhu cầu phát triển chăn nuôi đã hình thành nhiều chợ trâu, bò, mỗi phiên vài trăm con được giao dịch.
Thôn Lũng Quang, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể nhiều năm nay trở thành điểm đến cho nhiều tư thương buôn bán đại gia súc. Họ đến vì ở đó có trại nuôi nhốt trâu, bò hiệu quả của anh Nguyễn Văn Đường.
Anh Nguyễn Văn Đường chia sẻ, trước đây, gia đình anh chỉ nuôi hai con trâu để làm sức kéo sản xuất, không đem lại thu nhập cao. Thông qua thông tin đại chúng, anh Đường nắm được kiến thức và quyết định thực hiện mô hình nuôi "vỗ béo" trâu bằng phương pháp bán chăn thả, kết hợp trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn.
Đàn trâu, bò của anh Đường luôn duy trì từ 35 đến 40 con với giá trị ước khoảng nửa tỷ đồng. Những năm gần đây, gia đình anh đầu tư trồng 5.000 m2 cỏ voi, trồng ngô... Đầu tư mỗi lứa nuôi từ vài chục con thậm chí có thời điểm nuôi khoảng 70 đến 80 con. Anh Đường mua trâu, bò về, vỗ béo bằng cám ngô, chuối, cỏ voi… khoảng hai, ba tháng, trâu bò được chăm sóc tốt, trọng lượng tăng, nhiều thịt, được giá là anh Đường bán, mỗi con được lãi vài triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh Đường lãi từ 80 đến 100 triệu đồng. Theo anh Đường, nuôi trâu, bò ít bị rủi ro, dễ nuôi, dễ chăm sóc, thức ăn có sẵn, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.
Mấy năm trở lại đây, người dân thôn Phiêng Toản, xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể chuyển từ chăn dắt trâu, bò sang nuôi nhốt. Toàn thôn có 60 hộ thì có khoảng 50 hộ nuôi theo hình thức này, hộ nuôi ít thì hai, ba con, hộ nuôi nhiều lên đến hơn chục con. Nuôi trâu, bò nhốt có thể tránh được nhiều rủi ro khi mùa đông đến, nguồn thức ăn cũng phong phú, ngoài trồng cỏ voi, có thể tận dụng các phụ phẩm như lá ngô, lá chuối, rơm rạ phơi khô… Để hạn chế dịch bệnh, vệ sinh chuồng sạch sẽ nên hầu hết các hộ dân chăn nuôi ở Phiêng Toản đều đầu tư lát nền chuồng bằng xi măng, kiên cố chuồng trại. Nghề chăn nuôi trâu, bò nhốt đem lại cho bà con nguồn thu lớn để trang trải cuộc sống gia đình.
Gia đình ông Hoàng Thanh Bình trong thôn Phiêng Toản có bảy con bò, trong đó duy trì ba con bò sinh sản, một năm thường tăng đàn được hai con bê. Tận dụng diện tích chung quanh nhà và hơn 2.000 m2 đất soi, gia đình ông trồng cỏ voi để cung cấp đủ lượng thức ăn hằng ngày cho gia súc. Nuôi khoảng sáu tháng, mỗi con bê được định giá hơn 15 triệu đồng.
Tại xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, người dân ở đây đến các chợ phiên tại các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang để tìm mua trâu, bò. Giá mua đầu vào khoảng 10 đến 15 triệu đồng/con. Sau khi nuôi vỗ béo từ khoảng năm đến bảy tháng có thể bán được từ 20 đến 25 triệu đồng/con. Trong một năm, nhà nào có kinh nghiệm và chịu khó có thể nuôi được ba lứa vỗ béo, số lượng phụ thuộc vào thức ăn, cỏ của mỗi người nuôi. Nhiều hộ làm giàu từ chăn nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo như hộ gia đình ông Đinh Văn Tỷ ở thôn Pác Liển, ông Ma Văn Vương và Đặng Quầy Lẩy ở thôn Bản Đính…
Nghiên Loan là xã có đàn trâu, bò lớn nhất huyện Pác Nặm, duy trì với hơn 2.400 con, trong đó có khoảng 30% số hộ nuôi vỗ béo, 20% số hộ thường xuyên đi buôn bán trâu, bò ở các chợ và đưa về các tỉnh dưới xuôi bán. Nhiều hộ gia đình đã chủ động sử dụng những diện tích đất ven suối, soi bãi hoặc đất vườn, đồi để trồng cỏ voi, các loại cỏ khác để chăn nuôi nhốt.
Theo ước tính của UBND huyện Pác Nặm, trên toàn huyện, số hộ chăn nuôi trâu bò chiếm khoảng 70%. Nguồn gia súc vỗ béo dồi dào tạo điều kiện cho giao dịch buôn bán trâu, bò mở rộng. Chợ trâu, bò Nghiên Loan hình thành mỗi phiên chợ giao dịch từ 350 đến 400 con trâu, bò.
Khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt, Bắc Cạn đã triển khai hiệu quả chương trình “Ngân hàng bò” đưa bò giống hỗ trợ cho các hộ nghèo. Đến nay đã hỗ trợ được 200 con bò cái sinh sản và chuẩn bị tiếp tục hỗ trợ thêm 200 con. Dự án Quan hệ đối tác vì người nghèo (3PAD) phổ biến và tập huấn trồng cỏ cho 125 nhóm sở thích tại ba huyện Ba Bể, Na Rì và Pác Nặm, với hơn 1.500 hộ gia đình. Trong 11 giống cỏ được dự án lựa chọn đưa vào trồng thử nghiệm có bảy giống được người dân đánh giá cao, lựa chọn để nhân rộng.
Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cũng tập trung cho vay chăn nuôi trâu, bò đối với đồng bào dân tộc thiểu số có thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. UBND tỉnh Bắc Cạn chỉ đạo tổ chức tập trung, tích tụ đất đai để phục vụ chăn nuôi quy mô lớn. Nhờ đó, dù diện tích bãi chăn thả bị thu hẹp nhưng đến hết năm 2015, đàn trâu, bò của tỉnh phát triển lên 87 nghìn con.
Từ chỗ chăn nuôi quy mô hộ gia đình, Bắc Cạn đã phát triển lên quy mô trang trại lớn. Tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, từ năm 2017, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam triển khai dự án chăn nuôi giống bò Mông trên diện tích 50 ha gồm ba giai đoạn. Giai đoạn một, Công ty xây dựng trung tâm điều hành và dự kiến nuôi 300 con bò cái sinh sản, 15 con bò đực hạt nhân. Giai đoạn hai, xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi bò vỗ béo với số lượng khoảng 1.000 con, một nhà máy chế biến thức ăn cho bò, khu nhà xưởng lắp đặt thiết bị phục vụ cho chế biến cỏ. Giai đoạn 3, xây dựng khu nhà máy giết mổ khép kín.
Bắc Cạn cũng tập trung xúc tiến thu hút đầu tư các dự án chế biến thịt gia súc để hướng tới tạo ra sản phẩm thịt có thương hiệu, từng bước thâm nhập thị trường các thành phố lớn.
Có thể bạn quan tâm
Tại các tỉnh phía Bắc, rầy lứa 7 mật độ tăng, hại trên giống nhiễm, gây cháy ổ nhỏ nếu không phòng trừ kịp thời. Sâu đục thân 2 chấm hại trà lúa mùa muộn
Đó là mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng, rừng (VACR) của anh Lê Đức Thọ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa.
Vùng hồ tiêu nguyên liệu ở xã Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Phát triển bền vững cây hồ tiêu ở Tây Nguyên