Vỗ Béo Cho Bò
Người nuôi muốn tăng trọng cho bò chỉ cần cắt rau về nấu cháo trộn ít cám gạo, đồng thời cho bò uống ít nước muối pha loãng để giúp bò tiêu hóa nhanh. Hàng ngàn hộ gia đình ở các miền quê Phú Yên đang áp dụng phương pháp này để vỗ béo cho bò.
Thúc cho bò tăng trọng
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn (ở xã An Nghiệp, Tuy An), lúc trước bò được chăn thả, gần đây phong trào trồng cỏ tây, cỏ voi dọc bờ sông, suối phát triển mạnh, tạo nguồn thức ăn nên bò được chuyển sang nuôi nhốt. Thế nhưng nhận thấy việc nuôi bò theo cách truyền thống mất nhiều thời gian mới có được bê con để bán nên ông chuyển sang nuôi bò vỗ béo. Năm ngoái, ông Tuấn mua một con bò đực cao 1m trong trạng thái suy dinh dưỡng với giá 9 triệu đồng, sau một tháng vỗ béo con bò trở nên mướt lông “đổ thịt”. Sau một năm nuôi vỗ béo, ông Tuấn bán con bò này được 18 triệu đồng.
Ông Tuấn tận dụng khoảnh đất nhỏ gần bờ mương thủy lợi trồng rau muống, rau lang. Hàng ngày, ông cắt rau trộn ít cám gạo nấu cháo cho bò ăn. “Mỗi năm nuôi bò vỗ béo trung bình lãi 10 triệu đồng/con. Ở miền quê trồng lúa bán kiếm được 10 triệu đồng khó lắm. Còn để có được số tiền ấy từ việc nuôi heo thì phải nuôi trên 10 con, tiền đầu tư mua cám công nghiệp không phải ít, hơn nữa người nuôi luôn túc trực, lúc nào cũng lu bu với công việc. Trong khi đó, người nuôi bò vỗ béo có thể tranh thủ thời gian đi làm đồng được. Vì vậy, nuôi bò “sướng” hơn nuôi heo nhiều”- ông Tuấn so sánh.
Đó là đối với bò cỏ, còn vỗ béo bò lai như ông Võ Văn Đông (ở xã Xuân Phước, Đồng Xuân) thì cho ăn “sang” hơn. Theo ông Đông, mỗi lần nấu cháo, ông cho một lon gạo vào nồi. Khi pha cháo cho bò ăn, ông đổ thêm ít cám công nghiệp loại tăng trọng, đồng thời cho chúng uống ít nước muối pha loãng để giữ lượng nước trong cơ thể giúp bò tiêu hóa nhanh.
Bò lai ăn dày, sức ăn mạnh nên ông Đông tận dụng các loại đu đủ, chuối… trong vườn chín héo nấu cháo cho bò. Ông Đông vừa bán cặp bò lai với giá 25 triệu đồng. Cách đây 4 tháng ông mua cặp bò này chỉ 15 triệu đồng.
Cách nuôi hiệu quả
Nhiều người nuôi bò lai chọn phương pháp nuôi không tính thời gian mà đầu tư nuôi “đúng sức” để có lãi cao hơn. Ông Trần Văn Thường (ở xã Đức Bình Đông, Sông Hinh), mua cặp bò lai Thái (giống bò màu trắng nâu) 15 triệu đồng, sau hơn một năm rưỡi nuôi, ông bán được 42 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của ông Thường, bò cỏ nuôi lớn đến đâu trọng lượng thịt phát triển đến đó, còn bò lai khi còn nghé đã nặng bộ xương. Vì vậy phải nuôi bò cao đúng mức, chiều cao đạt đỉnh (thường là 3m) thì bò mới bung đùi, nổi ụ, thịt nhiều, bán thu lãi lớn.
Ông Huỳnh Thanh, một thương lái ở huyện Đồng Xuân cho rằng, khi mua bò hơi, giá của bò lai sẽ nhích hơn. Kẹt lắm mới mua bò ốm vì khi đưa vào lò mổ ra thành phẩm, chủ lò mổ ép, tính giá trọng lượng ngang xương nhiều hơn nhưng lại rẻ hơn so với giá thịt đùi, nọng…
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều người, khi mua bò về nuôi vỗ béo cần chú ý chọn giống. Đối với bò cỏ, con nghé một năm tuổi mà sừng ra dài thì đây là loại bò “cục bột” (thấp thước) chậm phát triển. Vì vậy, người nuôi cần chọn bò cỏ hay bò lai có xương to, vai rộng, mông nở, bản lưng lớn… Người chăn nuôi cũng thường nuôi từ 2 con để bò tranh nhau ăn, mau lớn.
Mô hình nấu cháo… vỗ béo cho bò tại huyện Đồng Xuân, Tuy An bắt đầu từ cuối tháng 11/2009 khi đợt lũ lịch sử ập đến khiến hàng ngàn cây rơm dự trữ làm thức ăn cho bò dọc theo sông Kỳ Lộ thuộc huyện Đồng Xuân, Tuy An bị nước lũ cuốn trôi, ngập ướt. Sau lũ, hàng ngàn hecta đất ven sông, suối trồng các loại cây như mía, sắn, cỏ voi bị bồi lấp.
Lũ rút là thời điểm gieo sạ lúa đông xuân, các bờ ruộng “dính” thuốc trừ sâu, thuốc cỏ và máy cày qua lại bê bết bùn đất nên nguồn thức ăn cho bò khan hiếm. Không có gì cho bò ăn, nhiều người đi hái rau rừng, chặt thân cây chuối về nấu cháo.
Sau một thời gian nấu cháo cho bò, thấy bò lớn nhanh, bán cho thu nhập cao nên mô hình này được nhân rộng ra các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh. Đến nay hàng ngàn hộ dân nuôi bò áp dụng phương pháp này đạt hiệu quả cao, làm giàu chính đáng.
Bà Lê Thị Thủy (ở xã Sơn Nguyên, Sơn Hòa) vừa bán một con nghé được 11 triệu đồng, cho hay: “Con nghé này được 1 năm tuổi, do bò mẹ trong nhà đẻ ra. Nhờ nấu cháo “thúc”, nghé mau lớn, bán nhiều tiền. Bây giờ ở quê, ai không có nhiều đất trồng mía thì có nuôi bò mới có thể cho con đi học đại học nổi”.
Theo Sở NN-PTNT, hiện tổng đàn bò toàn tỉnh có hơn 176.400 con, trong đó bò lai chiếm 55,7% tổng đàn. Năm 2012, sản lượng bò hơi xuất chuồng đạt 11.814 tấn, tăng 11,4% so với năm 2008.
Có thể bạn quan tâm
Theo Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Nam bộ, thời gian qua, tình trạng các bè cá đóng trái phép trên tuyến luồng hàng hải sông Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày càng có chiều hướng gia tăng. Tình trạng này tập trung nhiều ở khu vực từ phao báo hiệu hàng hải số 18 đến khu vực phao báo hiệu hàng hải số 20.
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đang tiếp tục hoàn thành các hạng mục của Dự án trang trại 1.600 con bò sữa tại xã Tu Tra, Đơn Dương (Lâm Đồng), dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2015. Với tổng diện tích hơn 49,3ha, trang trại được quy hoạch trồng cỏ trên 40ha; còn lại gồm diện tích đất chuyên dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng, đất sản xuất nông nghiệp khác.
Được đánh giá là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao, hồ tiêu đang dần chinh phục ngưỡng kim ngạch xuất khẩu đạt con số 1 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, để hạt tiêu nhỏ bé ngày càng tăng kim ngạch xuất khẩu thì rất cần một chiến lược dài hạn nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng này.
Thời gian qua, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina (Hoàng Long Vina) đồng hành cùng chương trình thí điểm xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, góp phần nâng cao năng suất lúa, mía, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Sáng 15/8, Ban quản lý Các dự án nông nghiệp (Sở NN-PTNT) phối hợp với UBND xã An Chấn (huyện Tuy An) tổ chức lễ công bố và ký kết thỏa thuận hỗ trợ thực hiện kế hoạch đồng quản lý nghề cá ven bờ xã An Chấn (thí điểm) thuộc dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững.