Vĩnh Thạnh (Bình Định) Mất Mùa Đậu Đen

Sau thắng lợi của vụ đậu đen năm trước, vụ Đông Xuân này nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đã chủ động mở rộng diện tích đậu đen lên tổng số khoảng 530 ha, tập trung nhiều nhất ở Vĩnh Thuận với 265 ha, Vĩnh Kim 135 ha… Tuy nhiên, do nắng hạn, phần lớn diện tích đậu đen bị mất mùa.
Vụ đậu đen năm trước, khi được giá, nhiều người dân đã chuyển đổi diện tích trồng bắp, mì sang trồng đậu đen. Tuy vậy, năm nay người trồng đậu đen ở Vĩnh Thạnh đang chịu cảnh “mất mùa mất giá”. Hiện nay trên thị trường giá đậu đen dao động từ 15.000 đồng - 20.000 đồng/kg, trong khi năm trước giá 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Không những giá xuống thấp mà năng suất vụ đậu đen này cũng sụt giảm đáng kể. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, năng suất đậu đen năm nay bình quân 8 tạ/ha, giảm khoảng 40% so với vụ trước.
Điều đáng buồn nữa là tại những vùng có diện tích đậu đen khá lớn, như các xã: Vĩnh Thuận, Vĩnh Kim, bà con nông dân ở đây phải “trắng tay” sau một vụ đậu đen gần như mất trắng do nắng hạn. Tại xã Vĩnh Thuận, vụ này diện tích đậu đen lên đến 265 ha nhưng lại có đến 212 ha bị mất trắng, diện tích còn lại năng suất cũng chỉ đạt bình quân 6 tạ/ha.
Dưới cái nắng chói chang của những ngày giữa tháng 4 này, vợ chồng Bá Thân ở Vĩnh Thuận đang cố mót những trái đậu đen thưa thớt nhằm vớt vát ít nhiều để kiếm lại chút tiền mua giống. Bá Thân than thở: “Từ khi hạt giống trỉa xuống đến giờ trời chẳng có nổi giọt mưa.
Cây đậu đen khi thời điểm chuẩn bị ra hoa thì gặp nắng hạn, ban đêm thì lạnh nên đọt cây xoăn lại, không thể trổ hoa, đồng nghĩa với không có trái. Trước đây đậu đen được mùa, trái nhiều, hái không xuể. Còn nay mất mùa phải nhọc công đi mót từng trái. Đầu vụ gia đình mình gieo 5 sào, thu hoạch chắc gì được 3 bao hạt”.
Cũng như gia đình Bá Thân, gia đình anh Đinh Nhựt ở làng K6, xã Vĩnh Kim, cũng chịu cảnh mất trắng vụ đậu đen năm nay. Anh Nhựt cho hay: “Nhà trồng được hơn 10 sào đậu đen, do nắng hạn nên cây đậu ra trái chẳng được bao nhiêu. Vụ này mất mùa nên chỉ thu hoạch được khoảng 3 tạ, không đủ chi phí đầu tư ban đầu như cày đất, mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…”.
Thường sau khi thu hoạch xong đậu đen vụ Đông Xuân, bà con tranh thủ làm đất xuống giống ngay vụ đậu xanh, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn còn nhiều diện tích bỏ trắng do nhiều nông dân không đủ tiền mua giống.
Bà Dương Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận, cho biết: “Với nông dân Vĩnh Thuận thì cây lúa chỉ đảm bảo được an ninh lương thực, còn cây đậu đen nói riêng và một số cây trồng cạn khác như bắp, mì là nguồn thu chính của bà con trong năm để trang trải các chi phí trong gia đình và đầu tư tái sản xuất. Tuy nhiên ngay vụ đầu tiên trong năm bà con phải chịu cảnh trắng tay như thế này, nên có rất nhiều hộ không có tiền để mua giống và vật tư phân bón cho vụ sản xuất mới”.
Có thể bạn quan tâm

Gần đây, dư luận xôn xao về việc tái xuất hiện thương lái lùng mua gốc, rễ tiêu ở xã Ia Blang-huyện Chư Sê (Gia Lai). P.V Gialaionline đã trực tiếp về địa phương, làm việc với người dân và chính quyền địa phương để tìm hiểu vấn đề này.

Năm 2009, huyện Tháp Mười được chương trình Heifer Việt Nam và tỉnh Đồng Tháp chọn thực hiện Dự án nâng cao đời sống nông hộ với mô hình phát triển cộng đồng (gọi tắt là Dự án Heifer) tại 2 xã Láng Biển và Mỹ Hòa. Dự án đã giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Cho vay theo chuỗi dự án tuy là một hình thức mới, với kỳ vọng tháo gỡ những vướng mắc lâu nay trong lĩnh vực cho vay tam nông, tuy nhiên để việc cho vay vốn đạt hiệu quả, các địa phương cần phải tạo cơ sở cho “tam nông” đón vốn.

Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt heo, gà cho biết, gần 1 tuần nay, giá thịt heo, gà bán lẻ đã tăng khoảng 2-3 ngàn đồng/kg. Hiện giá thịt heo đùi bán tại các chợ của TP.Biên Hòa (Đồng Nai) từ 85-87 ngàn đồng/kg, thịt ba rọi 90 ngàn đồng/kg, thịt gà tam hoàng nguyên con làm sẵn 65 ngàn đồng/kg, thịt gà ta làm sẵn 100 ngàn đồng/kg...

Năm 2014, xã Ý Tý (Bát Xát - Lào Cai) triển khai trồng thử nghiệm 12 ha cây đương quy tại 6 thôn gồm: Nhìu Cồ San, Mò Phú Chải, Choản Thèn, Lao Chải 1, Lao Chải 3, Sín Chải 1 với sự tham gia của 142 hộ dân.