Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vĩnh Phúc Trồng Mướp 7 Lá Cho Hiệu Quả Kinh Tế

Vĩnh Phúc Trồng Mướp 7 Lá Cho Hiệu Quả Kinh Tế
Ngày đăng: 29/04/2014

Mướp 7 lá là loại cây trồng không còn xa lạ với người nông dân. Cùng với giá trị kinh tế mang lại, trong những năm trở lại đây ở Vĩnh Phúc, mướp 7 lá đã thay thế cây lúa trở thành cây trồng chủ lực của nhiều địa phương như Kim Long (Tam Dương), Tân Cương (Vĩnh Tường) cho hiệu quả kinh tế cao.

Vượt xa cây lúa

Khác với nhiều cây rau màu trồng vụ đông, khi những địa phương khác bắt đầu vào vụ cấy, khoảng đầu tháng 1, trên những cánh đồng thuộc 2 xã Tân Cương và Kim Long, người dân bắt đầu tất bật cho một vụ mướp mới. Trong tiết trời tháng 4, đi dọc thôn 8 (Kim Long) và 2 thôn Dẫn Tự, Hòa Lạc (Tân Cương), người qua đường không khỏi bị hút mắt bởi bạt ngàn màu xanh của cây mướp 7 lá.

Được biết, ở cả 2 xã Tân Cương và Kim Long, mướp 7 lá đã có từ lâu. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhận thấy giá trị kinh tế mà mướp 7 lá mang lại, các hộ trong xã bắt đầu mở rộng diện tích, tăng diện tích trồng. Bà Nguyễn Thị Hoa – Chủ tịch hội Nông dân xã Kim Long cho biết: “Những năm đầu, trong xã chỉ có vài nhà trồng mướp, đến nay, vào vụ cao điểm, cả xã có gần 30 ha mướp 7 lá, tập trung ở thôn 8 với gần 25 ha”.

Cũng giống như Kim Long, mướp 7 lá được trồng ở nhiều xã Tân Cương trong khoảng 5 năm trở lại đây. Thay vì trồng lúa như trước, phần lớn diện tích lúa ở 2 thôn Hòa Lạc và Dẫn Tự đã chuyển sang trồng mướp, đưa mướp trở thành cây trồng chủ lực của xã. Hiện nay, diện tích trồng mướp 7 lá của Tân Cương vào khoảng hơn 10 ha.

Theo những người trồng mướp lâu năm cho biết, mướp 7 lá là loại cây trồng cho năng suất cao, dễ tiêu thụ. Sở dĩ được gọi là mướp 7 lá cũng bởi từ gốc tới ngọn, khi ra đủ 7 lá cũng là lúc mướp được thu. Thời gian này kéo dài khoảng 1 tháng rưỡi. Người trồng mướp được thu liên tục trong khoảng 4, 5 tháng sau đó.

Chia sẻ về lợi ích kinh tế mà mướp mang lại, bà Nguyễn Thị Xuyên thôn Hòa Lạc (Tân Cương) cho biết: “Trồng mướp đầu tư không quá lớn, mỗi lần làm giàn cũng chỉ hết từ 3 - 4 triệu đồng, mà dùng hết 3 vụ mới phải thay. Mỗi vụ, bình quân gia đình tôi thu nhập khoảng 15-16 triệu/sào từ mướp. So vơi lúa thì giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Như trước đây, trồng lúa với năng suất 2 tạ/sào, tính theo giá hiện nay thì chỉ được thu 2 triệu/sào”

Không những đem lại giá trị kinh tế cao, mướp 7 lá cũng được xem là loại nông sản dễ tiêu thụ. Ông Phan Văn Hào – chi hội trưởng chi hội nông dân thôn 8 cho biết: “Mặc dù giá cả chưa ổn định, song mướp làm ra không lo “đầu ra” (thời gian đầu người trồng mướp phải tự mình tìm “đầu ra” nhưng hiện nay cả thôn trồng tập trung, tư thương vào tận đồng để cân). Vào mùa, mỗi ngày 5, 6 chiếc xe tải lớn về chở mướp là chuyện bình thường”.

Xen canh, tăng thu

Không chỉ có giá trị kinh tế cao vượt xa lúa và một số hoa màu khác, người trồng mướp còn biết tận dụng đất để xen canh, tăng thu nhập. Điển hình là cách trồng mướp xen mùi tàu ở xã Tân Cương.

Anh Nguyễn Văn Chín, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho biết: “Mướp là cây trồng leo giàn, để tiết kiệm đất, bà con trong xã thường kết hợp với trồng mùi tàu. Mùi tàu là cây trồng có giá trị kinh tế cao, và quan trọng đây là cây trồng chịu bóng, phù hợp với điều kiện trồng dưới giàn”.

Mặc dù là cây trồng xen canh, song lợi nhuận kinh tế mà mùi tàu mang lại không hề thua kém mướp, thậm chí còn cho thu nhập cao hơn. Bà Xuyên (Tân Cương) cho biết: “Trồng mùi tàu, 1 năm mới phải thay gốc 1 lần, là cây trồng có giá trị kinh tế cao, như năm vừa rồi, gia đình tôi thu 25 triệu đồng/sào từ mùi tàu”.

Bên cạnh hình thức xen canh, ở Kim Long, để tận dụng diện tích giàn sãn có, sau khi kết thúc vụ mướp, người dân chuyển sang trồng su su, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một diện tích đất.

Hiện nay, mướp 7 lá đang dần chứng tỏ là một hướng làm kinh tế mới có hiệu quả cần được nhân rộng. Tuy vậy, hiện nay, người trồng mướp cũng đang gặp phải không ít những khó khăn. Được biết, ở cả 2 xã Tân Cương và Kim Long, mặc dù trồng mướp 7 lá có từ lâu, đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, song người dân chủ yếu vẫn là trồng theo lối tự phát.

Những kỹ thuật về trồng và chăm sóc mướp chủ yếu vẫn là do bà con tự tìm hiểu, mày mò. Trao đổi với người trồng mướp ở cả 2 xã, chúng tôi được biết, hiện nay người trồng mướp đang gặp khó khăn lớn từ bệnh thối gốc hay còn gọi là héo xanh.

Ông Hào cho biết: “Hiện nay, đối với những diện tích đất trồng mướp lâu năm, mướp trồng lên thường xuyên xảy ra tình trạng thối gốc, chết héo rũ, có những ruộng chết đến hơn nửa, song vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý có hiệu quả”.

Trước thực trạng đó, bà Xuyên (Tân Cương) cũng bày tỏ: “Rất mong phòng nông nghiệp, các cơ quan có chuyên môn có thể cử cán bộ kỹ thuật về xem xét, giúp chúng tôi tìm ra nguyên nhân cũng như biện pháp khắc phục để giảm thiệt hại”.


Có thể bạn quan tâm

Bão Rammasun Giật Cấp 16 Đang Hướng Vào Biển Đông Bão Rammasun Giật Cấp 16 Đang Hướng Vào Biển Đông

Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 7h ngày 16/7, vị trí tâm bão Rammasun ở vào khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 120,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

16/07/2014
Đẩy Mạnh Xúc Tiến Thương Mại Gà Đồi Yên Thế (Bắc Giang) Đẩy Mạnh Xúc Tiến Thương Mại Gà Đồi Yên Thế (Bắc Giang)

Ngày 1-12, tại huyện Yên Thế (Bắc Giang), Sở Công thương Bắc Giang phối hợp với UBND huyện Yên Thế tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế. Tham dự hội nghị có đại diện một số sở Công thương, đơn vị tiêu thụ, kinh doanh gà đồi tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh... và hộ chăn nuôi trên địa bàn.

04/12/2014
Chăn Nuôi Nhỏ Vẫn Tồn Tại Chăn Nuôi Nhỏ Vẫn Tồn Tại

Đến năm 2020, bên cạnh chăn nuôi trang trại được đẩy mạnh phát triển thì chăn nuôi quy mô nhỏ vẫn tồn tại và chiếm ưu thế. Theo đó, nhiều giải pháp được đặt ra để nâng cao sức cạnh tranh như hình thành liên kết; chính sách khuyến khích phát triển trong đó có vốn, đào tạo kỹ thuật.

16/07/2014
Đẩy Mạnh Xúc Tiến Thương Mại Tiêu Thụ Gà Đồi Yên Thế Đẩy Mạnh Xúc Tiến Thương Mại Tiêu Thụ Gà Đồi Yên Thế

Gà đồi Yên Thế đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước. Nuôi gà đồi đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Để từng bước nâng cao công tác quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm. UBND huyện Yên Thế đã thực hiện nhiều giải pháp cam kết đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo chất lượng.

04/12/2014
Nhiều Địa Phương Chuyển Đất Lúa Năng Suất Thấp Sang Trồng Sen Nhiều Địa Phương Chuyển Đất Lúa Năng Suất Thấp Sang Trồng Sen

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhiều địa phương trong tỉnh Tiền Giang do điều kiện canh tác lúa khó khăn, nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng sen, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tập trung nhiều nhất tại huyện Tân Phước (Tiền Giang) đã chuyển đổi gần 50 ha lúa năng suất thấp sang trồng sen.

16/07/2014