VietGAP giúp bà con Yên Phong tăng năng suất lúa
Sau một năm áp dụng mô hình VietGAP, năng suất lúa của bà con Yên Phong tăng một tấn gạo trên một ha.
Cánh đồng lúa nếp cái hoa vàng rộng mênh mông tại Yên Phong. Ảnh: bizmedia.
Địa hình tương đối bằng phẳng cùng nguồn nước dồi dào từ sông Cầu chảy vào đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nông nghiệp và sinh hoạt của người dân huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp tại đây rất phát triển. Trong đó, giống lúa nếp cái hoa vàng hiện là cây trồng chủ lực của địa phương.
Gạo nếp cái hoa vàng khi được đồ chín sẽ tỏa hương thơm ngào ngạt, hạt xôi to tròn, nhai lâu thấy vị ngọt. Xôi để đến 3-4 ngày sau vẫn có độ dẻo. Ngoài ra, loại gạo nếp này còn có thể chế biến thành nhiều món ăn khác như bánh chưng, bánh nếp, chè con ong... Hạt giống lúa nếp bà con Yên Phong sử dụng do Viện nghiên cứu cây trồng trung ương phục tráng và nâng cấp liên tục sau mỗi năm nên chất lượng gạo của mùa sau luôn cao hơn mùa trước.
Hầu hết, bà con Yên Phong đang trồng giống lúa theo mô hình VietGAP để chuyên nghiệp hóa cách sản xuất cũng như đẩy mạnh chất lượng lúa. Trước đây, năng suất lúa luôn chỉ ở mức 4 tấn gạo trên một ha. Sau một năm áp dụng VietGAP, sản lượng đã tăng lên khoảng 5 tấn gạo trên một ha.
Trong quá trình trồng lúa, hàng tuần, các kỹ sư nông nghiệp Trạm khuyến nông huyện Yên Phong đều xuống địa phương hỗ trợ bà con tận tình. Ví dụ, người dân đã áp dụng phương pháp cấy mạ với mật độ trồng từ 2-3 rảnh mạ một khóm để phòng cây bị chết. Đến khi cây lúa bén rễ hồi xanh, bà con tra 2 kg đạm ure giúp đẻ nhánh tốt. Kế đến, lúc cây lúa đứng cái làm đòng sẽ được bón thêm 2 kg phân kali và NPK nhằm tăng năng suất. Cuối cùng, lúc cây lúa trổ bông vào hạt, người dân bón thúc 2 kg phân kali. Ngoài ra, các loại phân chuồng ủ mục cũng được tận dụng để tra lót cho cây lúa.
Đặc điểm nổi bật của giống lúa nếp cái hoa vàng Yên Phong là rất ít sâu bệnh, do đó, bà con chỉ phòng trừ sâu đục thân 2 chấm một lần trong năm. Vào tháng 8, khi cây lúa đứng cái trổ bông, người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (nằm trong danh mục của VietGAP) dưới sự giám sát của kỹ sư nông nghiệp để diệt sâu bệnh một cách an toàn. Bên cạnh đó, nguồn đất thổ nhưỡng và nguồn nước từ sông Cầu dùng để trồng lúa đều đã được xác nhận an toàn, không bị ô nhiễm bởi Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1. Nước thải sinh hoạt của người dân Yên Phong cũng được bà con ngăn chặn không cho chảy vào đồng lúa.
Gạo được cân và đóng gói trong quy trình khép kín. Ảnh: bizmedia.
Sau 140 ngày nuôi trồng, chăm bón, lúa nếp cái hoa vàng được thu hoạch. Nhờ được nhà nước hỗ trợ 30% khi mua máy gặt đập liên hoàn Kubota nên bà con không còn phải gặt lúa bằng tay. Sau khi thu hoạch, theo cách truyền thống, người dân mang lúa đi phơi nắng trong 5 ngày để làm nóng vỏ trấu rồi phủ bạt, nhằm giúp hạt gạo trắng đều và thơm. Tiếp đó, hạt thóc sẽ trải qua 6 bước để biến thành những hạt gạo nếp hảo hạng gồm xay, sát, tách tấm, tách màu, đánh bóng và đóng gói.
Mô hình trồng lúa nếp của bà con huyện Yên Phong là sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và phương pháp truyền thống. Người dân đã biết chọn lọc hợp lý để gạo vẫn giữ được hương vị thơm ngon mà năng suất lại tăng rõ rệt. Mỗi hạt gạo nếp cái hoa vàng của bà con Yên Minh tạo nên đều chứa đựng những giá trị truyền thống quý báu và cả giá trị hiện đại.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện việc khắc phục những hạn chế giúp nông dân gieo sạ với mật độ hợp lý, tạo ra ruộng lúa khỏe, ít sâu bệnh giảm chi phí, nâng cao chất lượng hạt gạo cao
Cả trên đất bạc màu Bắc Giang và trên đất phù sa Hà Nội, các công thức có bổ sung Nano MIX vào phân NPK của Đầu Trâu đều có thể làm tăng năng suất kinh tế
Với mô hình này,10ha trồng lúa có thể thu lãi tới 350 triệu đồng một năm, đồng thời, giảm thiểu được tác hại từ các loại hóa chất bảo vệ thực vật tới môi trường