Việt Nam Chi Hàng Tỷ USD Để... Nhập Khẩu Ngô
Chỉ trong chưa đầy 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu tới 2,33 triệu tấn ngô (cao hơn cả năm 2013) với kim ngạch gần 600 triệu USD.
Theo dự báo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), với đà này, nhiều khả năng đến hết năm nay, nước ta sẽ nhập khẩu đến trên 4,5 triệu tấn ngô (tức chiếm 2/3 nhu cầu), tức sẽ mất khoảng hơn 1 tỷ USD.
Chia sẻ trên tờ Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Việc nhập khẩu ngô tăng vọt trong thời gian qua chủ yếu là do, chăn nuôi tập trung theo quy mô công nghiệp trong nước tăng, trong khi nguồn nguyên liệu trong nước lại giảm do khó mở rộng diện tích trồng ngô”.
Theo ông Dương, nếu kéo dài tình trạng này sẽ rất bất lợi vì chúng ta phải phụ thuộc nhiều vào biến động giá nguyên liệu trên thị trường thế giới.
Có một nghịch lý khác trong sản xuất ngô hiện nay là, giá ngô nhập khẩu lại… rẻ hơn giá ngô sản xuất trong nước. Cụ thể, hiện giá ngô đang được chào bán trên các sàn giao dịch hiện nay chỉ là 245-248USD, tức chỉ tương đương 5.800-5.900 đồng/kg.
Trong khi đó, giá ngô trong nước luôn ở mức từ 6.200 đồng/kg. Ông Nguyễn Trọng Linh- trợ lý Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P cho biết: “Chúng tôi luôn chủ động thu mua ngô trong nước, song so với giá thành nhập khẩu, rõ ràng giá ngô trong nước đang gặp bất lợi, đó chính là khó khăn cho người nông dân.
Câu chuyện giá ngô trong nước cao hơn nhập khẩu khiến người ta nhớ lại trước đây Bầu Đức từng xin chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (Mã CK: BHS) được nhập 30.000 tấn đường thô của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu, công ty con của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại Lào. Sau khi tinh chế, Đường Biên Hòa được xuất khẩu toàn bộ sản phẩm sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Cũng giống như ngô, đường được xin nhập khẩu ngược về Việt Nam có giá rẻ hơn đường trong nước. Theo ông Nguyễn Thanh Liêm – Phó Chủ tịch VSSA lý giải thì HAG đầu tư sản xuất tại Lào có giá thành rất thấp khi công ty này thu mua mía chỉ xấp xỉ 296.000 đồng một tấn, tương đương khoảng 4,3 triệu đồng một tấn đường. Trong khi đó, các nhà máy mía đường trong nước phải thanh toán tiền mía cho hộ trồng từ 950.000 đến 1,15 triệu đồng một tấn, đưa giá thành một tấn đường lên 9-11 triệu đồng.
Không thay đổi, tự mình hại mình
Dưới một góc nhìn khác, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn lại cho rằng quyết định nhập 30.000 tấn đường của Hoàng Anh Gia Lai sẽ tạo cú hích tích cực cho toàn ngành đường.
Theo doanh nhân này, ngành đường cần có sự đổi mới, tạo ra cuộc cách mạng mới phát triển được, chứ không chỉ “bo bo giữ để bế quan tỏa cảng”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nói, trong nhiều hoàn cảnh cụ thể Việt Nam đang tự đặt mình vào thế lệ thuộc trong khi hoàn toàn có thể thay đổi một cách tốt hơn.
Đối với các sản phẩm nông sản, hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ để có được sản phẩm chất lượng cao, giá rẻ thay vì cách làm phụ thuộc mùa vụ như hiện nay.
Từng chia sẻ về những thành công khi bước sang lĩnh vực nông nghiệp, bầu Đức, chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết, kết quả bước đầu ông đạt được là nhờ kỹ thuật trong việc áp dụng "nông nghiệp không đất" mà ông học được từ Israel.
"Israel một năm không có giọt mưa, đất đai toàn sỏi, đá nhưng họ vẫn trồng ngô với sản lượng 18 tấn/ha trong khi Việt Nam chỉ đạt 7 tấn/ha. Điều đó chứng tỏ, đất không quan trọng".
Chỉ trong 6 tháng, toàn bộ công nghệ làm nông nghiệp từ các chuyên gia Israel đã được bầu Đức mua lại và đưa vào ứng dụng dưới sự giúp đỡ, tư vấn của hàng loạt các chuyên gia nước này.
Từ công nghệ phân tích công thức đất, chỉ số dinh dưỡng, nước, làm ẩm, bón phân… tất cả đều được mua lại từ Israel. Quy trình làm nông nghiệp này hoàn toàn khép kín dưới sự tính toán của máy móc.
Bắt đầu triển khai trồng thử với diện tích 5.000 ha tại Campuchia, chỉ sau 2-3 tháng cho thấy kết quả khả quan, thậm chí còn tốt hơn cả Israel.
Điều đặc biệt, quy trình làm nông nghiệp của họ khác hoàn toàn quy trình tại Việt Nam. Việt Nam trồng ngô mùa mưa thì họ lại trồng mùa khô.
Hiện những diện tích ngô đầu tiên đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo tính toán của tập đoàn này, vòng quay vốn của cây ngô ngắn, chỉ 4 tháng, do vậy, một năm tập đoàn có thể làm từ 2 - 3 vụ, năng suất mỗi năm 2 vụ có thể lên 28 tấn/ha/năm, giá bán ra thị trường vào khoảng 6.000/kg, từ đó có thể tính ra doanh thu vào khoảng 168 triệu/ha. Và nếu năm 2014, tập đoàn HAGL nâng diện tích trồng cây ngô lên 8.000 ha thì doanh thu có thể lên đến 1.344 tỷ đồng.
Theo ông Đức, để có kết quả này phải đầu tư rất lớn vào công nghệ, phải sử dụng công nghệ đồng bộ mới thành công. Điều này Việt Nam chưa thể làm được.
Theo đánh giá của Bầu Đức, nguyên nhân nông nghiệp Việt không có đất sống là vì hiện nay không có phát minh, không có nghiên cứu nào mang tính quy mô, toàn diện.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm hỗ trợ nông dân (ND) tăng thu nhập, Hội ND Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà, lợn theo hình thức liên kết bán công nghiệp. Các mô hình đã bước đầu cho hiệu quả tốt.
Có nhiều biện pháp diệt trừ ốc sên, tuỳ vào điều kiện thích hợp của địa phương bà con có thể lựa chọn một số cách sau
Diện tích nuôi thủy sản toàn huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) năm 2011 là 1540 ha, đạt 100% so với kế hoạch, tăng 40 ha so với năm 2010 dẫn đến sản lượng thủy sản cả năm tăng ước đạt 48.950 tấn, đạt 100,51% kế hoạch, tăng gần 2.000 tấn. Để tạo điều kiện cho ngành thủy sản đạt được những kết quả phấn khởi, huyện Cao Lãnh tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và nhiều giống thủy sản để đảm bảo nuôi trồng thuận lợi.
Một lần tình cờ xem ti vi nói về một chủ trang trại, tỷ phú cá sấu ở huyện Chiêm Hóa (Quảng Bình), anh Đinh Văn Bức ở thôn Yên Lạc, xã Đồng Hóa (Kim Bảng, Hà Nam) đã nảy sinh ý định nuôi con đặc sản này.
Nhờ dễ thích nghi với nhiều chân đất, ít tốn công chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao nên thời gian qua chuối lùn đã trở thành cây trồng chủ lực tại nhiều địa phương ở Quảng Nam. Thực tế cho thấy, từ hướng đi này, hàng nghìn hộ dân đã trả lại “sổ nghèo” và vươn lên làm giàu