Vị thế của cà phê Việt trên thị trường thế giới và dự báo giá tuần cuối tháng 10/2019
Từ vài tháng nay, cà phê robusta từ Brazil được nhập khẩu ồ ạt vào châu Âu. Đây là một hiện tượng bất thường và rất có thể Brazil sẽ sớm soán ngôi vị quốc gia xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới mà Việt Nam đang nắm giữ, theo lời cảnh báo trên tờ Tiếng Vang của Pháp trong số báo ra ngày 22/10.
Bài báo giải thích, nước này đang đẩy mạnh xuất khẩu “dòng cà phê robusta conillon có giá rẻ hơn nhiều trên thị trường thế giới so với cà phê robusta của Việt Nam và dòng cà phê robusta của Brazil đang ngày càng thu hút sự quan tâm của khách hàng”.
Không chỉ có Brazil, Indonesia cũng đang lao vào cuộc đua và có thể tăng sản lượng robusta lên hơn gấp rưỡi trong vòng 5 năm tới. Indonesia đang dần có thêm sức nặng trên thị trường cà phê robusta thế giới, nhờ một chương trình khuyến nông quy mô lớn. Tờ El Financiero cho biết, Bộ Nông nghiệp Indonesia đang tiến hành “kế hoạch hỗ trợ nông dân sử dụng phân bón và hạt giống cà phê chất lượng, tìm cách bảo vệ cây cà phê trước ký sinh trùng và dịch bệnh, thậm chí hỗ trợ tài chính cho nông dân”.
Indonesia hiện là nhà sản xuất cà phê robusta lớn thứ ba thế giới, có tăng trưởng tiêu thụ nội địa hàng năm rất ấn tượng ở mức 2 con số, với diện tích trồng cà phê hiện tại khoảng 1,2 triệu ha và sản lượng năm nay khoảng 700.000 tấn (hơn 11 triệu bao), cà phê robusta chiếm 72%.
Theo bài báo, “Hiệp hội cà phê Indonesia trông đợi nhu cầu cà phê trên thế giới tăng thêm nữa, đặc biệt là thị trường Trung quốc, khi giới trẻ nước này ngày càng quen với văn hóa cà phê”.
Hiệp hội các nhà Công nghiệp và Xuất khẩu Cà phê Indonesia (the Association of Indonesian Coffee Exporters and Industries – AIKEI) cho biết sẽ gia tăng sản lượng cà phê thêm 50 – 60% trong vòng 5 năm tới để đón đầu sức tiêu thụ gia tăng của các thị trường mới nổi, nhất là Trung Quốc với dân số “khổng lồ”, bất chấp tuyên bố của Brazil mới đây là kỳ vọng sẽ trở thành nhà sản xuất robusta hàng đầu để thay thế Việt Nam.
Cạnh tranh trên thị trường cà phê không chỉ là giá thấp, mà còn phải tạo thêm những hương vị mới lạ. Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta có thời điểm đã chạm đáy từ 9 năm trở lại đây. Ngày 21/10, một tấn cà phê robusta chỉ còn 1.209 USD trong khi đã có lúc bán được với giá 2.600 USD.
Tuần qua, giá cà phê thế giới tuy thoát khỏi mức đáy nhưng sẽ còn dao động ở mức thấp kéo dài khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại, trong khi các nhà đầu tư trên các thị trường hàng hóa nông sản nói chung đang kỳ vọng vào chính sách cắt giảm lãi suất sắp tới của Fed và Copom.
Chuyên gia Nguyễn Quang Bình đã đưa ra một số nhận định về tình hình vĩ mô có ảnh hưởng đến thị trường cà phê. Fed bắt đầu cuộc họp quan trọng hôm nay kéo dài đến ngày mai 30/10/19. Sau đợt bơm vốn vào thị trường, có ngày cung ứng đến 120 tỷ USD, giới tài chính kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất đồng USD. Nguồn cung ứng vốn dồi dao trên thị trường tài chính được cho là khiến giá cà phê hồi phục. Có lẽ đây cũng là lý do giúp 2 sàn cà phê sẽ tăng giá vào cuối tuần.
Chủ tịch Ủy ban Chính sách và các nguồn lực của Hội đồng thành phố London cho biết, các doanh nghiệp nước này được khuyến cáo chuẩn bị sẵn các phương án ứng phó trong trường hợp Anh rời EU không có thỏa thuận (Brexit cứng). Bà Chủ tịch thừa nhận cả Anh và các nhà lập pháp EU cũng như các doanh nghiệp đều đã thúc đẩy các kế hoạch dự phòng cho kịch bản Brexit cứng. Brexit đã được rời ngày đến 31/01/2020.
Marex Spectron, hãng môi giới ở Anh, dự báo niên vụ 2019/20 thế giới thiếu 4,7 triệu bao cà phê, so với dự báo trước 3,4 triệu bao. Hãng kinh doanh cà phê quốc tế Coex cũng cho rằng thế giới thiếu 6,6 triệu bao niên vụ này do Brazil vào chu kỳ “mất”. Dự kiến giá cà phê nội địa bình quân chừng 31,5 - 32 triệu đồng mỗi tấn, theo ông Nguyễn Quang Bình.
Có thể bạn quan tâm
Tại Châu Á, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam hồi phục từ mức thấp nhất 4 tháng trong khi giao dịch tại Indonesia trầm lắng.
Giá cà phê tuần qua (21/10 – 26/10/2019) có 1 phiên không đổi đầu tuần, 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Cuối tuần, mặc dù giá hồi phục lên mức 30.900 – 31.400
Giá lúa mì Nga trong tuần kết thúc ngày 25/10/2019 tăng, do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh và dự kiến nguồn cung sẽ được xuất khẩu sang Saudi Arabia