Về nơi nuôi artemia tốt nhất thế giới
Chất lượng trứng tốt nhất thế giới
Ông Đinh Hoàng Vũ – Chủ nhiệm Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) artemia Vĩnh Châu cho biết: Bạc Liêu và Sóc Trăng là 2 tỉnh nuôi trồng được artemia, trong đó, artemia Vĩnh Châu nổi tiếng hơn cả. 3 xã có diện tích nuôi artemia lớn nhất Vĩnh Châu là Vĩnh Tân, Vĩnh Phước và Lai Hòa.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì artemia sống thích hợp ở những vùng đất làm muối, vì nơi này có độ mặn cao – tức trên 80 phần ngàn. Trên thế giới, rất ít nước nuôi được artemia. Ở Mỹ, nơi cung cấp nhiều trứng artemia nhất thế giới, người dân chỉ khai thác tự nhiên, theo mùa vụ mà không nuôi, và độ đạm của trứng cũng không cao bằng Việt Nam. Trứng artemia Vĩnh Châu được khách hàng quốc tế đánh giá có chất lượng cao nhất thế giới.
“Artemia có một đặc tính khá trái ngược là ăn bẩn nhưng môi trường ở phải sạch thì chúng mới sinh sản được nhiều trứng. Thức ăn của artemia là phân gà. Nhưng thay vì được rải trực tiếp xuống ao artemia, phân gà sẽ được trữ lại trong một ao riêng rồi gây thành tảo. Sau một thời gian, tảo được bơm từ từ qua ruộng để cho artemia ăn. Mỗi ngày hai lần, nông dân phải đi cào tảo để artemia dễ hấp thu dinh dưỡng” – ông Vũ thông tin.
Artemia là một loài giáp xác có kích thước nhỏ, di chuyển chậm, chứa nhiều đạm dinh dưỡng, axit béo. Đây là thức ăn quan trọng, phục vụ trong sản xuất tôm giống vì artemia có kích cỡ phù hợp với ấu trùng tôm và rất dễ tiêu hóa.
Theo nhiều nông dân, artemia sinh sản rất nhanh và liên tục, chỉ sau từ 10 - 15 ngày thả nuôi là bắt đầu đẻ trứng. Sau khoảng 25 ngày, trứng artemia nổi trên mặt nước, chỉ cần dùng vợt để vớt. Và cứ theo quy trình ấy mà thu hoạch suốt vụ. Mùa của artemia sinh sản là từ tháng 12 đến tháng 6, tháng 7 năm sau, trong đó thu hoạch rộ nhất là ở tháng 2, 3.
Thu hoạch xong, trứng artemia được đưa vào lò chuyên dụng, sấy từ 7-8 tiếng. Sau một lần sàng lọc nữa, trứng artemia sẽ được đóng hộp thành phẩm.
Đầy tiềm năng phát triển
Gia đình ông Vũ có 8ha với 15 ao artemia, nếu quản lý tốt thì sau mỗi vụ, trung bình 1ha sẽ cho khoảng 60-100kg trứng tươi. Với giá trứng hiện nay khoảng 1 triệu đồng/kg tươi (bán tại chỗ), sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi 50 triệu đồng/ha là chuyện dễ dàng.
Trứng artemia Vĩnh Châu được đánh giá tốt nhất thế giới. Ảnh: Chúc Ly
Những năm trước đây, bà con Vĩnh Châu làm muối, thu nhập bấp bênh do giá muối lên xuống thất thường. Từ khi xuất hiện mô hình nuôi artemia đã mở ra một hướng làm ăn mới cho hàng trăm hộ dân nơi đây. Vì nuôi artemia trên ruộng muối không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, lại dễ chăm sóc, có thị trường tiêu thụ ổn định, vốn đầu tư không nhiều, lãi khá cao. Nhiều người dân Vĩnh Châu gọi artemia “con xóa đói giảm nghèo”.
Ông Lý Xía ở xã Vĩnh Tân là một trong những hộ có hơn 25 năm làm nghề nuôi artemia, chia sẻ: “Gia đình tôi có 3ha nuôi artemia, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 200 triệu đồng. Nhờ con artemia mà cuộc sống gia đình tôi ổn định, so với làm muối thì nuôi artemia lợi nhuận cao hơn rất nhiều”.
Ông Vũ cho hay, sản lượng artemia hiện nay vẫn chưa đủ cho nhu cầu trên thị trường. Chỉ tính riêng trong nước thì nguồn trứng bào xác artemia chỉ mới đáp ứng được 20-30%. Vì vậy, giá trứng tươi hiện nay đã lên mức 1-1,2 triệu đồng/kg (giá trứng khô từ 4-5 triệu đồng/kg). Do vậy tiềm năng để artemia phát triển là rất lớn. Hiện tại, artemia Vĩnh Châu không chỉ có mặt khắp cả nước mà còn xuất sang đến Mỹ, Nhật, Nga…
Hiện Liên hiệp HTX artemia Vĩnh Châu bao gồm 4 HTX, trong đó 3 HTX trực tiếp sản xuất và 1 HTX đảm nhận vai trò kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó mà bà con rất an tâm trong việc sản xuất.
Trước những lợi thế mà nghề nuôi artemia mang lại, tỉnh Sóc Trăng xác định đây là một trong 5 đối tượng nuôi chủ lực, cần được quan tâm đầu tư. Ông Lê Minh Trường - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu nhận định: Hiện nay chất lượng trứng artemia của Vĩnh Châu được đánh giá là tốt nhất thế giới, được nhiều nước ưa chuộng. Địa phương đang có kế hoạch phát triển diện tích nuôi từ 570ha lên trên 800ha trong tương lai. Nhằm năng chất lượng và năng suất artemia, ngành chức năng sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn để hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Hạn, mặn lịch sử vừa qua đã làm thiệt hại hàng loạt diện tích tôm nuôi ở ĐBSCL. Không chỉ tôm nuôi thâm canh, quảng canh, hay truyền thống, đều chết, ngay cả mô hình tôm – lúa được xem là bền vững, ít rủi ro, cũng chết.
Hơn 10 năm trước, ông Nguyễn Văn Đoàn (56 tuổi, ở ấp Xương Thới 3, xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) đã từ bỏ cây mía, cây lúa và cương quyết theo mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong vườn dừa. Đây là mô hình nuôi xen được bình chọn đạt hiệu quả nhất trong 24 tỉnh, thành phía Nam năm 2015 của Trung tâm Khuyến nông quốc gia.
Nhằm giúp người nuôi tôm nâng cao trình độ sản xuất, nắm vững biện pháp phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ Trung tâm Khuyến nông Long An xây dựng 3 mô hình trình diễn nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng quy trình VietGAP tại xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành và 2 mô hình tại xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, mỗi mô hình được thực hiện với quy mô 2ha.