Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Vào rừng nhặt hạt dẻ, người dân thu gần nửa triệu mỗi ngày tại Nghệ An

Vào rừng nhặt hạt dẻ, người dân thu gần nửa triệu mỗi ngày tại Nghệ An
Tác giả: Ngọc Phương
Ngày đăng: 11/11/2019

Tháng 11, khi thời tiết chớm se lạnh là dịp người dân xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) vào rừng nhặt hạt dẻ. Bởi thời điểm này, hạt dẻ rụng nhiều nhất, mỗi người có thể thu về gần 500 ngàn đồng từ việc nhặt hạt dẻ.

Hạt dẻ rụng nhiều nhất vào tháng 11; nhân hạt dẻ rừng Giang Sơn Đông chắc và trắng tinh. Ảnh: Ngọc Phương

Thiên nhiên đã ban cho xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) một cánh rừng dẻ mọc tự nhiên giữa bạt ngàn núi non trùng trùng, lớp lớp. Nếu ai từng đi rừng nhiều, nhưng chưa đặt chân đến cánh rừng dẻ, sẽ dễ cảm nhận ngay một bầu không khí dễ chịu đến lạ. Mùi hương của rừng dẻ thoang thoảng thơm mát…

Hiện nay, xã Giang Sơn Đông có diện tích rừng 1.150 ha, trong đó có 35 ha rừng dẻ tập trung chủ yếu tại các xóm Yên Tân, Mỹ Hòa, Yên Lương. Xóm Yên Tân là xóm có diện tích rừng nhiều nhất, toàn xóm có 22,5 ha. Số diện tích rừng này được 31 hộ gia đình khoanh nuôi bảo vệ.

Từ tháng 8 đến tháng 11 là mùa bà con thu hoạch hạt dẻ. Riêng tháng 11, hạt dẻ rụng nhiều nhất. Bình quân mỗi sào dẻ bà con thu hoạch được 1,5 tạ hạt. Giá bán lẻ 40 ngàn đồng/kg, bán sỷ 35 ngàn đồng/kg. 

Việc thu hoạch hạt dẻ đòi hỏi phải chịu khó nhặt hạt ở dưới đất. Hạt dẻ ở đây chỉ to gần bằng đầu ngón tay. Nhân hạt chắc, trắng tinh, khi rang chín có mùi rất thơm, dẻo chứ không bột như loại hạt dẻ to ở các tỉnh phía Bắc.

Chị Trần Thị Thúy ở xóm Yên Tân, xã Giang Sơn Đông cho biết, mỗi buổi chị nhặt được khoảng 6 kg hạt dẻ, nếu chịu khó nhặt cả ngày sẽ được 12 kg, bán lẻ cho khách thu được gần 500 ngàn đồng/ngày. 

Thu hoạch hạt dẻ rừng. Ảnh: Ngọc Phương

Cùng nhặt hạt dẻ với chị Thúy, chị Nguyễn Thị Hương cho biết thêm: “Gia đình tôi thu hoạch mỗi năm 7 đến 8 tạ hạt dẻ, nhờ vậy mà có tiền trang trải trong gia đình, nuôi được các con ăn học đầy đủ”. 

Trước nguồn lợi về môi trường và kinh tế từ rừng dẻ này, năm 2011, rừng dẻ đã từng được Quỹ Môi trường toàn cầu cấp dự án khoanh nuôi bảo vệ. Bà con nơi đây được hỗ trợ tiền phát dọn thực bì, hỗ trợ tiền giống cây để trồng vào diện tích bỏ trống.

Nhờ có dự án, những con đường phân cách giữa các lô đã được mở rộng thông thoáng hơn. Công tác bảo vệ tại khu rừng này được bà con luôn chú trọng, mỗi xóm có rừng đều có tổ đội bảo vệ rừng nghiêm ngặt. 

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Giang Sơn Đông cho biết: Cây dẻ sinh trưởng rất chậm, thân cây dẻ này có tuổi thọ gần trăm năm. Ảnh: Ngọc Phương

Trong khi diện tích rừng ở một số nơi đang bị xâm hại, thì việc khoanh nuôi, bảo vệ và thu lợi từ rừng dẻ tại xã miền núi Giang Sơn Đông là một mô hình tốt bởi chính lợi ích của cây dẻ mang lại.  

Hơn nữa, khác với cây rừng lấy gỗ, muốn kiếm lợi phải đốn hạ, trong khi cây dẻ người ta chỉ lấy hạt dưới đất. Do vậy, rừng luôn phát triển tự nhiên từ hàng trăm năm nay. Ông Lê Thanh Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Rừng dẻ này xã chúng tôi không thu lệ phí thu hoạch của bà con.

Đang vào mùa thu hoạch hạt dẻ, trên khắp cả cánh rừng, đi đến đâu cũng bắt gặp bà con vào rừng nhặt hạt. Yên tĩnh, tỉ mỉ nhặt từng hạt dẻ. Người dân nơi đây đang kiếm sống từ rừng và giữ cho rừng bình yên. Để rồi đến hết mùa thu hoạch vào cuối tháng 1, trên tán dẻ tiếp tục đón chờ những bông hoa trắng tinh nhỏ xíu như đồng tiền nở rộ. Rừng dẻ lại dâng cho đời mùi hương thơm quyến rũ.


Có thể bạn quan tâm

Triệu đồng một kg cua cốm Triệu đồng một kg cua cốm

Cua cốm tự nhiên hiện nay khá hiếm nên dù giá lên tới gần triệu đồng một kg vẫn không đủ hàng để bán.

08/11/2019
U70 trồng, chế biến cà gai leo lãi nửa tỷ mỗi năm U70 trồng, chế biến cà gai leo lãi nửa tỷ mỗi năm

Thật ngỡ ngàng khi biết Giám đốc HTX - Nguyễn Duy Quý đã ở tuổi U70, mỗi năm vẫn làm ra lợi nhuận 500 triệu đồng, từ trồng và chế biến cây thuốc nam cà gai leo.

09/11/2019
Tuyệt chiêu dùng thuốc lào, hoa cúc trị bệnh cho cam ở Nghệ An Tuyệt chiêu dùng thuốc lào, hoa cúc trị bệnh cho cam ở Nghệ An

Người trồng cam xóm Tân Xuân (nay là xóm Xuân Lý, xã Tân Phú, Tân Kỳ) có “tuyệt chiêu” chăm cam sạch bệnh, sai quả, ngọt đậm. Đó là dùng thuốc lào, hoa cúc ngâm

11/11/2019
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.