Vẫn Khó Ngăn Chặn Đánh Bắt Thủy Sản Theo Kiểu Tận Diệt
Khai thác thủy sản bằng hình thức giã cào bay, giã cào điện ở vùng gần bờ đã tác động xấu đến môi trường sinh thái, làm giảm nguồn lợi thủy sản, gây nên sự tranh chấp ngư trường, ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh trên biển. Tuy nhiên, việc ngăn chặn kiểu đánh bắt này lại không dễ dàng.
Thời gian gần đây, nhiều ngư dân ở xã Cam Lập, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) luôn đối mặt với nguy cơ trắng tay bởi những mẻ lưới không mang lại cá tôm. Theo họ, nguyên nhân chính là do nạn giã cào bay.
Người dân cho biết, những năm gần đây, kể từ khi tình trạng đánh bắt thủy hải sản bằng giã cào rộ lên, môi trường sống của các loài thủy sản tại đây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do vậy việc đánh bắt các loại thủy hải sản không còn dễ dàng và thuận lợi như trước. Cuộc sống của hàng ngàn ngư dân tại Cam Lập trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều.
Đó là chưa kể đến việc các đối tượng đánh bắt bằng giã cào sẵn sàng tấn công lại và phá hủy ngư cụ của bà con mỗi khi ngư dân phản ứng. Ông Trần Quang Khanh (xã Cam Lập) cho biết: “Tôi bị chiếc giã cào bay cuốn lưới. Khi phát hiện, tôi ra chặn thì chiếc giã cào bay cuốn lưới của tôi đi luôn”.
Nếu như ở Cam Lập, những chiếc giã cào bay có công suất lớn đến từ các địa phương khác như Nha Trang, Vạn Ninh, Ninh Hòa, thì ở ngay tại cửa sông Quán Trường, (Nha Trang) hàng ngày có cả chục chiếc tàu giã cào của những ngư dân ở đây thường xuyên hoạt động khiến môi trường ô nhiễm, nguồn lợi thủy sản bị hủy hoại. Thậm chí, nhiều người còn sử dụng cả giã cào điện khiến cá lớn, cá bé và những loài thủy sinh đều bị tận diệt.
Sau một thời gian dài theo dõi, mới đây, Đội phòng ngừa tội phạm Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68) Công an tỉnh đã bất ngờ kiểm tra 2 ghe đánh cá (loại nhỏ) đang hoạt động trên sông Quán Trường, đoạn thuộc xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, phát hiện ghe đánh cá của ông Nguyễn Ngọc Dũng (35 tuổi) và ghe đánh cá của ông Hà Văn Nuôi (41 tuổi) cùng con trai là Hà Văn Cười (16 tuổi), cả 3 đều trú tại phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang đang sử dụng giã cào điện (kích điện) để đánh bắt thủy sản. Tiến hành kiểm tra, lực lượng Công an đã phát hiện và tạm giữ 2 bình ắc quy (loại 12V), 2 giã cào, 2 bộ kích điện và một số tôm đã chết.
Tại cơ quan công an, những ngư dân này khai báo rằng, họ đều biết việc dùng giã cào điện là vi phạm pháp luật nhưng vì không đi biển xa được nên mới làm... liều!
Trung tá Lê Văn Tình - Đội trưởng Đội phòng ngừa tội phạm PC68 cho biết: “Với những hành vi vi phạm của các đối tượng, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định của Nghị định 103 (ban hành ngày 12-9-2003) của Chính phủ. Tuy nhiên trong Bộ Luật Hình sự tại Điều 108 cũng có quy định về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Theo đó, nếu trong trường hợp các đối tượng này từng bị cơ quan chức năng xử lý hành chính về những hành vi tương tự thì sẽ xem xét củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự”.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quy định quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh kể từ năm 2014 nhằm bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, đảm bảo lợi ích lâu dài. Theo đó, ngư dân sẽ phải hạn chế tối đa việc khai thác hải sản trên hệ thống đầm, vịnh, vốn có giá trị lớn về mặt sinh thái, du lịch và các ngành kinh tế quan trọng khác, như các vịnh: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh; các đầm Thủy Triều, Nha Phu...
Bên cạnh quy định mang tính chất chung về việc tàu có tổng công suất máy chính từ 20CV đến dưới 90CV không được khai thác hải sản ven bờ, quy định này còn cấm tất cả các nghề lưới kéo như giã cào, cào sò khai thác thủy sản tại các đầm, vịnh nói trên.
Các quy định của pháp luật rất rõ ràng, nhưng thực tế lại cho thấy việc phát hiện, bắt giữ và xử lý các đối tượng dùng giã cào điện, giã cào bay hiện nay rất khó khăn. Theo PC68, do lực lượng của đơn vị mỏng, phương tiện thiếu và khi tổ chức truy đuổi thì các đối tượng sẵn sàng dùng dao cắt bỏ giã cào điện, phi tang xuống sông, biển đã gây không ít khó khăn cho đơn vị.
Do vậy, trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm các ghe dùng giã cào bay, giã cào điện để đánh bắt thủy hải sản, đơn vị còn tăng cường việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân.
Có thể bạn quan tâm
Đậu cove (còn gọi là đậu que) là một trong những loại đậu rau quan trọng vì phân bố rộng khắp, sản lượng tương đối lớn và tạo ra nguồn thu nhập khá cao cho các nông hộ.
Nuôi tôm nước lợ mang tính tự phát trong khi hàng loạt các vấn đề phục vụ sản xuất chưa đáp ứng kịp, cùng với đó là thời tiết diễn biến khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng nuôi tôm. Chính vì vậy, việc áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học VietGAP được xem là giải pháp đảm bảo cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững.
Ở Phú Quý (Bình Thuận), trước đây cá chình chẳng có giá trị nhiều về mặt kinh tế. Thỉnh thoảng ngư dân bắt làm mồi lai rai. Gần đây, cá trở nên có giá nhờ vào xuất khẩu. Một số hộ dân đã “phất” lên nhờ nuôi chình.
Nuôi cá lăng đuôi đỏ bằng bè lồng của gia đình anh Nguyễn Minh Tuấn, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk đang là một trong những mô hình được mọi người quan tâm học hỏi, bởi giá trị kinh tế cao, thu nhập hàng năm lên tới cả tỷ đồng.
Ngoài khó khăn do chi phí tăng cao, phải cho tàu nằm bờ, hiện các tập đoàn đánh cá lớn ở Hải Phòng còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lao động nghề cá, đặc biệt là lao động có khả năng làm việc trên các tàu vươn khơi xa, khai thác tại vùng đánh cá chung trên vịnh Bắc bộ.