Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Ứng Hòa nghĩ lớn, làm mạnh

Ứng Hòa nghĩ lớn, làm mạnh
Tác giả: Hải Đăng
Ngày đăng: 12/09/2016

Đất khó vươn mình

Trao đổi với NTNN, ông Lê Hồng Hà – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết: “Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa với diện tích gần 6.000ha.

Sau dồn điền đổi thửa, trên các cánh đồng đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đang từng bước ứng dụng công nghệ cao, góp phần tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng và làm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, hiện đạt tới 152 triệu đồng/ha, tăng 39 triệu đồng/ha so với năm 2010”.

Từ 2011 - 2015, tổng nguồn lực đã huy động để thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Ứng Hòa đạt trên 1.696 tỷ đồng, trong đó, ngân sách các cấp, đóng góp của doanh nghiệp và nhân dân đạt trên 570 tỷ đồng; vốn tín dụng đầu tư khu vực nông thôn trên 1.126 tỷ đồng.

Ông Hà cho biết thêm, từ một huyện nghèo không có máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, đến nay toàn huyện đã có 569 máy làm đất các loại, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100%; 970 máy phun thuốc trừ sâu; 75 máy gặt đập liên hoàn; 552 máy tuốt lúa.

Ông Nguyễn Văn Duyệt - nông dân ở xã Đông Lỗ (1 trong 3 xã nằm trong vùng sản xuất lúa chất lượng cao của huyện Ứng Hòa) cho biết: “Giờ đồng ruộng đẹp, thẳng cánh cò bay, máy móc được nhà nước đầu tư về nên việc sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm làm ra rất thuận lợi không còn lo bị thương lái ép giá như trước đây nên bà con phấn khởi lắm”.

Bên cạnh diện tích trồng lúa, huyện đang đẩy mạnh phát triển trồng cây vụ đông và từng bước đưa vụ đông trở thành vụ chính, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó cây trồng chính là đậu tương, ngô, rau các loại… “Nhờ sản xuất có hiệu quả, thu nhập ổn định nên người dân có tích lũy, có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua sắm tiện nghi sinh hoạt.

Toàn huyện hiện không còn nhà dột nát, công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, với 28/28 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; công tác vệ sinh môi trường nông thôn cũng được chú trọng, tỷ lệ rác thải được thu gom xử lý trong ngày đạt 85%; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh...” – ông Hà nhấn mạnh.

Theo ông Hà, với đặc thù vùng chiêm trũng, huyện Ứng Hòa đã đẩy mạnh phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, quy mô lớn.

Điển hình như vùng chăn nuôi lợn tại Vạn Thái, Tảo Dương Văn, Sơn Công; vùng sản xuất đa canh kết hợp lúa – cá – vịt – lợn tại Trầm Lộng, Minh Đức; vùng nuôi trồng thủy sản tại Phương Tú, Hòa Lâm.

“Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 – 2 lần so với trồng lúa.

Theo thống kê, toàn huyện có 143 trang trại, trong đó có 105 trang trại chăn nuôi, 21 trang trại thủy sản, 17 trang trại tổng hợp.

Năm 2014, doanh thu bình quân đạt hơn 2 tỷ đồng/trang trại” – ông Hà cho biết.

Đưa thêm 3 xã về đích

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM tại huyện Ứng Hòa vẫn gặp một số khó khăn, tồn tại như: Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ, phạm vi hộ gia đình, chưa áp dụng được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất và chất lượng chưa cao; chưa tháo gỡ được những khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, lực lượng lao động trình độ thấp...

Vừa qua, tổ công tác của Ban chỉ đạo Chương trình 02 của CTr/TU của Thành ủy đã về kiểm tra tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM tại huyện Ứng Hòa.

Đại diện tổ công tác, ông Lê Thiết Cương – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng: “Là địa phương gặp nhiều khó khăn trong xây dựng NTM, trong thời gian tới huyện cần đầu tư xây dựng có trọng điểm, làm đến đâu chắc đến đó.

Trong đó, huyện cần tích cực chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và tập trung nguồn lực cho 3 xã phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2016”.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến hết năm 2016, huyện có thêm ít nhất 3 xã đạt chuẩn NTM, ông Cương cho rằng, Ứng Hòa cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vào đề án xây dựng NTM ở các xã phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện.

Đối với 8 xã đã đạt chuẩn NTM, cần duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Đối với các xã còn lại, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, phấn đấu đến hết năm 2016, đạt thêm từ 1 – 3 tiêu chí.

 


Có thể bạn quan tâm

Nữ nông dân Việt nhận giải thưởng của FAO Nữ nông dân Việt nhận giải thưởng của FAO

Cơ quan đại diện FAO Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ trao tặng giải thưởng cho một nông dân Việt Nam ghi nhận những thành tích xuất sắc đạt được về sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

10/09/2016
Cam sành Hàm Yên lên đời nhờ phân bón Lâm Thao Cam sành Hàm Yên lên đời nhờ phân bón Lâm Thao

Người trồng cam ở Hàm Yên (Tuyên Quang) ngày càng sử dụng phổ biến hơn các loại phân bón hữu cơ và vô cơ, trong đó có NPK Lâm Thao, để bón cho cây cam. Cũng từ đó, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tự hào đã góp phần làm nên thương hiệu vàng của nông nghiệp nước nhà, làm tăng vị ngọt lành cho cam sành Hàm Yên.

12/09/2016
Thông tin bẩn bức hại nhà nông - Quản lý của địa phương đang có vấn đề Thông tin bẩn bức hại nhà nông - Quản lý của địa phương đang có vấn đề

Đó là ý kiến của Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn, sau khi Báo NTNN/Dân Việt có loạt bài phản ánh việc gần đây một số báo đài, trang tin điện tử, mạng xã hội đưa những thông tin sai sự thật, gây bất lợi đến nông sản Việt Nam như nhãn nhúng lưu huỳnh, cá rô phi ăn chất độc…

12/09/2016