Tỷ Phú Trên Đất Khách
Cà Mau là vùng đất phì nhiêu, trù phú, song cũng lắm phần khắc nghiệt. Nếu không đủ ý chí có lẽ đây chẳng phải là miền đất hứa cho những ai có mộng làm giàu. Nhưng giờ đây Cà Mau đang thay da đổi thịt từng ngày, trở thành một trong những tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
Góp vào thành công đó có những người đến từ quê hương khác ngay buổi đầu đã quyết chí xây dựng cuộc sống mới trên đất Cà Mau.
Chắc chẳng ai trong số họ coi đây là chốn dừng chân tạm thời bởi Cà Mau đã trở thành quê hương thứ hai, gắn liền với họ như máu thịt. Ông Nguyễn Quốc Việt sinh ra ở Quảng Nam nhưng cơ duyên lại đưa ông đến Cà Mau rồi định cư tại ấp Hải An, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi.
Trong căn nhà tường khang trang, rất nhiều huân chương, bằng khen của Trung ương và địa phương trao tặng được ông treo trang trọng.
“Bàn tay ta làm nên tất cả...”
Căn phòng của ông Nguyễn Quốc Việt đầy ắp giấy khen và bằng khen của Trung ương và địa phương.
Là người lính chiến đấu trên mảnh đất Cà Mau, khi hoà bình lập lại ông vẫn chọn nơi đây để an cư lạc nghiệp. Kết thúc chiến tranh, người thương binh 2/4 Nguyễn Quốc Việt bỏ lại chiến trường một chân, nhưng chính lúc này nghị lực vươn lên của ông được thể hiện rõ ràng nhất.
Nghe lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông vận động bà con đốn cây lá cất trường trên nền đồn cũ Bàu Sen rồi trực tiếp đứng lớp dạy.
Từ tay trắng, nay ông Việt đã xây dựng được cơ ngơi trị giá hàng tỷ đồng. Với 6 ha đất đa canh, năm 2001, ông vinh dự là đại biểu duy nhất của tỉnh dự Hội nghị Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc.
Cũng từ Bắc vào Nam lập nghiệp, ông Trương Công Sự, ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, trở thành một tỷ phú từ hai bàn tay trắng. Nay đã ở tuổi 75, ông thảnh thơi an hưởng tuổi già trên quê hương thứ hai này. Cơ ngơi hàng tỷ đồng cộng với 16 ha đất mà ông tích cóp gầy dựng nên đã được các con ông tiếp quản, ngày một phát triển.
Ông Sự cho biết: “Giống như nhiều người, tôi từ Hải Dương với đôi bàn tay trắng, lưng mang ba lô, thế là “Nam tiến”. Trải qua nhiều khó khăn, nay tôi mãn nguyện sống với con cháu đến cuối đời trên quê hương Cà Mau này”.
Vùng đất Biển Bạch Đông khi ấy chỉ là nơi cầm trâu, đất phèn nặng, trồng lúa không hiệu quả. Sau một thời gian nghiên cứu, ông chuyển sang nuôi tôm. Lúc ấy cũng chẳng mấy người tin ông có thể thành công, bởi khi đến mùa nước phèn thì tôm chết hết. Ông quả quyết: “Nếu mình chịu khó, quyết tâm và biết học hỏi thì không gì là không làm được”.
Ý chí và sáng tạo
Để thành công trên “đất khách” không chỉ đòi hỏi phải có lòng quyết tâm, ý chí kiên cường mà còn phải không ngừng học hỏi và sáng tạo trong công việc.
Ông Việt bộc bạch: “Bất kỳ ai, làm gì, ở lĩnh vực nào thì cũng phải không ngừng học hỏi, nghiên cứu để áp dụng vào thực tế mới có thể thành công được. Là nông dân càng phải học hỏi nhiều hơn”.
Với quan điểm ấy, khi làm bất cứ việc gì, ông Việt cũng có kế hoạch rõ ràng. Qua thực tế cuộc sống ông rút ra cho mình một quy tắc chung để thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đó là: Phải có ý chí, có trình độ, kiến thức, tay nghề; tìm hiểu thị trường đang cần cái gì thì cung ứng nhưng cũng phải tránh khủng hoảng thừa; nắm rõ quy luật giá cả thị trường biến động ra sao để kịp thời điều chỉnh…
Cùng quan điểm trên, ông Trương Công Sự ngay từ đầu xác định là phải làm ăn tập trung thì mới phát triển được, tránh xé nhỏ manh mún, đầu tư dàn trải. Mặc dù là làm ăn mang yếu tố gia đình, nhưng ngay từ năm 2000, ông Sự đã làm tất cả các thủ tục để thành lập Tổ hợp tác Toàn Thắng rồi giao đất lại cho các con ông cùng làm ăn trong tổ hợp tác.
Ông Sự cho bết: “Mình giao đất chứ không phải cắt đất cho, bởi nếu cho từng đứa rồi mạnh ai nấy làm sẽ không hiệu quả. Khi làm trong tổ hợp tác thì tập trung được nguồn vốn, khi gặp khó thì tất cả cùng hỗ trợ nhau”. Hiện tại, Tổ hợp tác Toàn Thắng do ông gầy dựng đã có vốn điều lệ trên 1 tỷ đồng, điều đó chứng minh tính hiệu quả của mô hình mà ông tâm huyết xây dựng.
Không chỉ làm ăn kinh tế, những người tha hương đến đây, được mảnh đất này bảo bọc, khi có của ăn, của để, họ cũng tích cực đóng góp xây dựng quê hương thứ hai của mình như một cách trả nghĩa.
Ông Nguyễn Quốc Việt giờ là Bí thư Chi bộ ấp Hải An, vẫn ngày ngày vận động xây cầu, làm đường, giúp vốn để bà con thoát nghèo. Năm 2001, ông được Bộ Giao thông vận tải tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong xây dựng giao thông nông thôn.
Chị Kiều Minh Phụng, ấp Hải An, xúc động: “Nhờ chú Việt nhượng lại 2,6 ha đất giá chỉ bằng một nửa giá thị trường, cho trả chậm và cho mượn 5 chỉ vàng làm ăn mà đến nay gia đình tôi khá giả. Đây là cái ơn mà tôi không biết bao giờ mới báo đáp được”.
Ngoài ra, ông Việt còn ủng hộ tiền cho rất nhiều hộ nghèo trong ấp có điều kiện làm ăn. Ông Nguyễn Quốc Việt tâm sự: “Mình làm ăn được trên quê hương này thì chút việc đó cũng là cách để trả nghĩa những gì mà nơi đây đã ban tặng cho”.
Và còn rất nhiều những tấm gương điển hình của những người xa xứ chọn Cà Mau làm chốn dừng chân, vượt khó, vươn lên làm giàu. Họ không ngừng đóng góp xây dựng quê hương Cà Mau phồn thịnh.
Có thể bạn quan tâm
Những ngôi nhà rách nát đã được thay thế bằng nhà vững chãi; sự đói nghèo dần được thay thế bằng màu xanh no ấm, màu xanh của rừng, của những nương lúa...
Vườn cà phê thử nghiệm “ba trong một” của hộ nông dân Nguyễn Xuân Bách tại xã Lộc Tân (Bảo Lâm - Lâm Đồng) cho kết quả khả quan. Thay vì trồng thuần một loại giống cà phê như lâu nay, mô hình 3 lớp cây giống cà phê – giống chín sớm (đúng vụ), giống cho thu hoạch hơi muộn và đặc biệt là giống cho thu hoạch muộn (gần như là trái vụ).
Sản xuất theo quy trình VietGAP hiện là một trong những chương trình trọng điểm của Ngành nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh, phù hợp với xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm nhiều đến sức khỏe của mình. Chính vì thế họ đòi hỏi khắt khe những sản phẩm sản xuất ra phải thật sự đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đẹp và tiện sử dụng...
Dúi (có nơi còn gọi là con rúi) được xếp vào loại đặc sản; thịt dúi ngon, mát, giầu đạm. Đây là loại con dễ nuôi, chi phí rất thấp, ít tốn diện tích.
Tổn thất sau thu hoạch lúa gạo tại ĐBSCL hiện nay vẫn còn khá cao, 13,7%, tương đương thiệt hại 635 triệu USD/năm. Trong số này, chiếm cao nhất là khâu phơi sấy mất 4,2%, thu hoạch 3%, xay xát 3%, bảo quản 2,6%, vận chuyển 0,9%. Nếu như tất cả các khâu thu hoạch đều có khiếm khuyết thì tổn thất có thể lên đến 20,6%