Tỷ phú cây ngũ-thất-cửu quả không hề giấu bí quyết
"Cuốn từ điển bách khoa"
Hành trình sáng tạo ra cây “ngũ-thất-cửu quả” của ông nông dân không bằng cấp Lê Đức Giáp (thôn Bãi, Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) có lẽ không còn quá xa lạ đối với những “tay săn” cây "độc", lạ và với những người chơi cây cảnh.
Song có lẽ ít ai biết được, bên cạnh việc luôn không ngừng tìm tòi sáng tạo thì để trở thành tỷ phú cây "độc", ông Giáp còn được mọi người yêu quý, kính trọng và là “thầy giáo” của không ít người yêu cây trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Gặp ông Giáp vào những ngày cuối năm khi nhu cầu mua cây cảnh chơi Tết "nóng" lên từng ngày, những tưởng chủ nhân tuổi ngoài 60 của khu vườn rộng hơn 7000m2 đang phải tất bật mệt nhoài... Nhưng hiện hữu trước mặt người viết là hình ảnh ông Giáp vui vẻ chăm cây và cứ chưa đầy chục phút lại nghe một cuộc điện thoại để tư vấn giúp những nông dân khác đang gặp khó khăn trong quá trình chăm cây.
Giống như một ông thầy giáo, dạy nhiều học sinh và thuộc lòng giáo án của mình, từng câu, từng lời, từng biện pháp để giúp cây sinh trưởng và phát triển đồng thời chống chịu sâu bệnh,… đều được ông hướng dẫn rất rành rọt từ đầu máy này tới đầu máy bên kia.
Hỏi ra mới biết, chừng ấy năm trong nghề chăm cây cảnh, tuy không có một cuốn giáo trình cụ thể nào nhưng nhờ sự nhiệt tình giúp đỡ mọi người, thường xuyên trau dồi học hỏi kinh nghiệm từ những thành công và thất bại của các anh em khác trong hội cây cảnh, ông Lê Đức Giáp đã trở thành một "cuốn từ điển bách khoa toàn thư", một người “thầy giáo” trong nghề cây cảnh đối với nhiều người chơi cây.
Không hề "giấu nghề"
Trong thời buổi kinh tế thị trường, biết giữ bí quyết luôn được coi là vũ khí ngầm để kinh doanh hiệu quả.
Nhưng ông Lê Đức Giáp thì ngược lại.
Mỗi khi áp dụng thành công kĩ thuật mới, ông sẵn sàng truyền giảng cho bất cứ ai có nhu cầu thực sự.
Vào nghề từ năm 2001, sau rất nhiều cố gắng, ông Lê Đức Giáp đã nhân rộng được mô hình của mình ra khắp xã, huyện và các tỉnh khác như khu Tam Hưng (huyện Thanh Oai), khu Trần Phú (huyện Chương Mỹ), khu Cao Phong, Chi Lê (Hòa Bình), rồi lan ra các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên....
Hễ ai đến nhờ, ông cũng giúp, từ con giống đến tiền phân bón, từ kĩ thuật trồng cho đến kĩ thuật chữa bệnh cho cây.
Ông chia sẻ: “Nếu anh chị em khác, áp dụng sai cách thức của mình mà đạt hiệu quả cao hơn thì mình phải đến học hỏi và chia sẻ những cách thức tốt nhất tới bà con nông dân”.
Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được ông cho nợ tiền mua cây giống tới vài ba năm và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rất cụ thể, chu đáo và nhiệt tình.
Hỏi đến việc ông có ý định đăng ký quyền sở hữu trí tuệ với loại cây "độc" lạ mình sáng tạo ra hay lo mất nghề không? Ông tủm tỉm cười nói: "Lo gì mất bản quyền, quan trọng gì chuyện mất nghề, chỉ lo bà con nông dân làm không được như mình thôi".
Không bằng cấp, ông nông dân Lê Đức Giáp đã luôn không ngừng sáng tạo “hô biến” ra loại cây lạ năm, bảy, chín quả trong một.
Ngoài cây ngũ quả, năm nay tỷ phú ngũ quả cho ra đời cây bảy và chín loại quả độc nhất vô nhị với giá rẻ.
Vườn cảnh 200 gốc với giá trị tiền tỷ của ông đã có khách đặt một nửa, chưa đến Tết đã…cháy hàng.
Xuất phát từ ý tưởng mâm ngũ quả ngày Tết, ông muốn tạo một mâm ngũ quả trên cùng một cây và ý cây ngũ quả được hình thành.
Những năm sau, với suy nghĩ nếu cây năm loại quả tượng trưng cho mâm ngũ quả nhằm mang lại may mắn và sự thịnh vượng cho gia chủ thì cây bảy loại và chín loại quả được ông Lê Đức Giáp sáng tạo ra còn gửi gắm mong muốn cây càng nhiều quả sẽ như các con, cháu sẽ càng đông hơn, càng sum vầy hơn bên gia đình và người thân mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Sự sáng tạo vốn có, đồng thời luôn không ngừng học hỏi, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm với những người khác chính là bí quyết giúp ông nông dân không bằng cấp này trở thành tỷ phú cây "độc", lạ và là người “thầy giáo” đáng kính của các học sinh yêu cây cảnh, cây “nhất-ngũ-thất-cửu quả”.
Có thể bạn quan tâm
Trồng sầu riêng trong vườn nhà, bón phân dơi và áp dụng kỹ thuật tốt, ông Lê Văn Sáu (65 tuổi), ở ấp Tân Thành, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) có thu nhập hàng tỷ đồng.
“Phi thương bất phú”, bởi vậy ở cái tuổi 76 ông Phạm Văn Chép thôn Trung tâm xã Hợp Thịnh - Hiệp Hòa (Bắc Giang) vẫn quyết tâm làm kinh tế, phát triển trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây lẫy gồ, cây ăn quả, nuôi gia cầm và đã cho thu bạc tỷ mỗi năm.
So với cấy lúa, trồng ngô ở vùng nông thôn thì trồng cây phật thủ cho thu nhập cao gấp 4 đến 5 lần. Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Khuyên xóm Thông, Hợp Thịnh, Kỳ Sơn (Hòa Bình) nhờ cây trồng này mà đưa cuộc sống của gia đình từ khó khăn vươn lên làm giàu ngay tại mảnh đất quê hương.