Tuyên Quang: Sản xuất cá chiên giống quy mô lớn
Cuối năm 2015, tỉnh Tuyên Quang nuôi ương thành công hơn 240 con cá chiên giống. Đây là thành công lớn của ngành thủy sản địa phương.
Cá chiên thương phẩm có giá trung bình từ 400.000 - 500.000 đồng/kg
Đến nay, trung bình mỗi năm tỉnh này có thể sản xuất được khoảng 10.000 con cá chiên giống. Nuôi cá chiên đã giúp nhiều hộ dân thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Phạm Mạnh Thông, Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, cá chiên là loài cá đặc sản sinh sống chủ yếu trong môi trường tự nhiên trên sông Lô, sông Gâm. Tuy hiệu quả kinh tế cao nhưng việc nhân giống tự nhiên gặp nhiều khó khăn. Tháng 1/2014, tỉnh đã mời chuyên gia của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I lên nghiên cứu, nhân giống. Do cá chiên là loài chỉ thích nghi với nơi nước đảm bảo độ sạch, có hàm lượng ôxy cao, có dòng chảy xiết nên để chinh phục loài cá này khiến các chuyên gia và cán bộ của trung tâm gặp tới 5 lần thất bại.
Giai đoạn đầu do chưa có kinh nghiệm, cán bộ trung tâm lấy nước giếng khoan thực hiện nuôi ương. Nguồn nước này tuy tương đối sạch nhưng do ở sâu dưới lòng đất nên hàm lượng ôxy thấp, chứa nhiều ion kim loại nên không phải là môi trường lý tưởng cho cá chiên phát triển. Việc điều chỉnh dòng chảy cho từng giai đoạn trứng sinh nở và phát triển cũng là vấn đề đặt ra.
Ông Phạm Mạnh Thông chia sẻ, trước những khó khăn trên, trung tâm đã mời cán bộ của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cùng ngồi bàn rồi tìm giải pháp. Từ việc điều chỉnh dòng, cải tạo tăng hàm lượng ôxy trong nước, chọn cá bố mẹ có chất lượng tốt, nguồn thức ăn cho cá giống trong từng giai đoạn sinh trưởng đều được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng.
Sau hơn 1 năm nghiên cứu, rút kinh nghiệm, đến cuối năm 2015, việc nhân giống cá chiên đã thành công với 240 cá thể. Đến năm 2016 tỉnh đã nhân giống được 1.200 con giống, năm 2017 là 9.200 con và năm 2018 dự kiến sản xuất 15.000 con giống.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 120 hộ nuôi cá chiên với 262 lồng. Sản lượng trung bình đạt 46,3 tấn/năm. Trong đó có khoảng 30 hộ thu lãi từ 100 - 350 triệu đồng/năm. Gia đình ông Phạm Thanh Bình, thôn Bình Thuận, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên có nghề nuôi thủy sản chục năm qua. Hiện tại, gia đình ông nuôi 7 lồng cá chiên.
Cán bộ Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang lấy trứng cá chiên để nghiên cứu, nhân giống
Ông Bình cho biết, trước đây cá chiên giống chỉ có trong tự nhiên nên việc chọn con giống gặp nhiều khó khăn. Nếu chọn mua giống trôi nổi trên thị trường cá thường không lớn và hay chết yểu. Có vụ ông phải bỏ không một số lồng vì thiếu cá giống.
Trung tâm Thủy sản tỉnh nghiên cứu và nhân giống thành công nên việc mua giống của ông thuận lợi hơn nhiều. Giá con giống cũng rẻ hơn so với giá nhập ngoài thị trường từ 10.000 đồng/con. Với giá từ 400.000 - 500.000 đồng/kg mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 350 triệu đồng. So với những giống cá khác, nuôi cá chiên thu lãi cao hơn từ 1,5 - 2 lần.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tuyên Quang cho biết, việc nghiên cứu thành công giống cá chiên giúp tỉnh chủ động được nguồn con giống hỗ trợ người dân sản xuất, đồng thời là cơ sở để thả tái tạo để bảo vệ loài cá quý này trên sông Lô, sông Gâm. Trong đó, năm 2017, tỉnh đã thả 3.000 con cá chiên giống trên sông, năm 2018 dự kiến sẽ thả 3.000 con.
Có thể bạn quan tâm
Sau Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), quan hệ thương mại giữa hai nước đã rất khởi sắc, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản rộng mở
Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Canada giảm trong khi XK sang Chile tăng đột biến 191% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là phương pháp nuôi cá thâm canh có nhiều ưu điểm nổi bật, góp phần quản lý tốt dịch bệnh, nâng cao năng suất, sản lượng cá, đồng thời bảo vệ môi trường ao