Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Tuy An: Nhân rộng mô hình sản xuất bắp ủ chua

Tuy An: Nhân rộng mô hình sản xuất bắp ủ chua
Tác giả: An Nam
Ngày đăng: 10/12/2018

Ruộng bắp của gia đình ông Đỗ Văn Sáu vào mùa thu hoạch - Ảnh: THÁI HÀ

Từ việc trồng bắp lấy hạt năng suất thấp, giá cả bấp bênh, hàng trăm hộ dân ở huyện Tuy An đã chuyển sang trồng bắp ủ chua cung cấp cho Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học Phú Yên để bán cho các đơn vị nuôi bò sữa trong và ngoài nước. Việc sản xuất bắp theo chuỗi khép kín giúp công ty thu mua ổn định nguồn nguyên liệu và người trồng bắp không lo về giá cả, đầu ra nên cả hai bên đều phấn khởi.

Đến thăm ruộng bắp trồng cho mục đích ủ chua của ông Đỗ Văn Sáu (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An), chúng tôi tận mắt nhìn thấy đám bắp lai cao lút đầu người, đang độ thu hoạch và sắp chuyển về nhà máy.

Ông Sáu cho biết, trước đây nếu không trồng bắp thì đất này được gia đình ông thuê trồng dưa hấu và mỗi vụ cũng kiếm được 4-5 triệu đồng. Tuy nhiên, để đổi vụ, ông luân phiên trồng cây khác. Nghe địa phương có mô hình trồng bắp lấy thân ủ chua, ban đầu ông Sáu chưa tin tưởng lắm vì thông thường, các giống bắp ở địa phương nhỏ cây, trọng lượng thấp.

Tuy nhiên, sau khi thấy nhiều hộ tham gia mô hình trồng bắp có thu nhập khá nên ông Sáu cũng tham gia. “Ưu điểm của mô hình này là phía chuyển giao công nghệ đã chọn lựa được giống bắp tốt, ít sâu bệnh, thân cao khỏe cho trọng lượng lớn.

Quan trọng hơn, bắp chỉ cần trồng từ 80-85 ngày là có thể thu hoạch. Đến thời điểm đó, người dân chỉ cần gọi cho phía công ty thu mua để họ đến thu hoạch và trả lại mặt bằng nhanh để tiếp tục sản xuất. Thấy việc trồng bắp hiệu quả nên hiện gia đình tôi cải tạo đất để trồng lại bắp cho vụ sau”, ông Sáu chia sẻ.

Theo quy hoạch ngành Nông nghiệp đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có tổng lượng đàn bò là 190.000 con, nên nhu cầu lượng thức ăn rất lớn trong tương lai. Ngoài ra, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai… đang triển khai chăn nuôi bò với quy mô lớn tại các tỉnh Tây Nguyên; nhiều trang trại, gia trại đang đầu tư phát triển mạnh về số lượng bò.

Trong khi đó, khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên chưa có nhà máy chế biến thức ăn ủ chua từ cây bắp mà chủ yếu tập trung ở miền Đông Nam Bộ và các tỉnh phía Bắc nên không chủ động được nguồn cung cấp phục vụ cho chăn nuôi tập trung quy mô lớn.

Ông Đàm Ngọc Phi, Giám đốc Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học Phú Yên cho biết, việc sử dụng cây bắp chế biến thành thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua được ứng dụng mạnh tại các nước phát triển đàn gia súc nhưng tại Việt Nam, mô hình này mới chỉ bắt đầu trong những năm gần đây.

Bắp sau khi ủ chua được sử dụng cho một số trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt và các trang trại nhập khẩu bò Úc nguyên con vỗ béo tại Việt Nam; đồng thời xuất khẩu sang một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiện nay, việc sản xuất bắp ủ chua không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt vào mùa khô.

Vì vào mùa khô hạn, nhu cầu thức ăn thô xanh cho các trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên thiếu trầm trọng. Trong khi đó, tại Phú Yên đây lại là mùa thuận lợi trồng và thu hoạch bắp cây nên có thể tận dụng nguồn nguyên liệu này để chế biến thức ăn và cung cấp cho thị trường Tây Nguyên.

Theo ThS Trương Hùng Mỹ, Trưởng Phòng Kỹ thuật và Chuyển giao công nghệ (Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ), hiện nay, diện tích đất sản xuất lúa 1 vụ, lúa rẫy, lúa không chủ động nước tưới tại Phú Yên khoảng 5.770ha (niên giám thống kê 2015) nên nếu chuyển sang trồng bắp lai sẽ mang lại thu nhập gấp 1,5-2 lần cho người dân so với trồng lúa.

Để cây bắp thực sự trở thành cây trồng chiến lược, hướng đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến thì việc hình thành vùng chuyên canh sản xuất bắp là rất cần thiết. Với cây bắp trồng để chế biến thức ăn gia súc, người dân có thể gieo trồng 3 vụ/năm; sản lượng đạt 150-180 tấn cây và thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Đây là nguồn thu đáng kể cho người dân.

Huyện Tuy An hiện có 50 hộ dân tham gia mô hình trồng bắp ủ chua với diện tích hơn 11ha, trong khi diện tích mà mô hình hướng đến là 100ha. Để tiến đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng thu nhập cho nông dân, thời gian tới Hội Nông dân huyện sẽ phối hợp với Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên tổ chức các buổi tập huấn, hội nghị để giới thiệu các mô hình, tiến bộ kỹthuật mới trong thâm canh cây bắp cho người dân trong huyện; đồng thời đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên cơ sở để phát triển và nhân rộng mô hình của dự án, từng bước hình thành vùng chuyên canh cây bắp tập trung.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An Nguyễn Trọng Hùng


Có thể bạn quan tâm

Kinh nghiệm của các nước trong quản lý sản xuất giống cây có múi Kinh nghiệm của các nước trong quản lý sản xuất giống cây có múi

Trong lịch sử phát triển công nghiệp cam trên thế giới, người ta đã được chứng kiến 2 loại bệnh dịch nghiêm trọng nhất, đó là bệnh do virus Tristeza

07/12/2018
Nên trồng sâm Ngọc Linh trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 9 và tháng 3 - 5 hằng năm Nên trồng sâm Ngọc Linh trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 9 và tháng 3 - 5 hằng năm

Sâm Ngọc Linh đang được xem là quốc bảo; là cây trồng mũi nhọn giúp đồng bào miền núi thay đổi đời sống.

08/12/2018
“Tỷ phú” trồng dừa xiêm xanh ở TP. Bến Tre “Tỷ phú” trồng dừa xiêm xanh ở TP. Bến Tre

Dừa xiêm xanh có đặc điểm dễ trồng, không kén đất, thích nghi nhanh chóng với từng loại đất, chỉ sau 20 tháng trồng dừa cho lưỡi mèo

08/12/2018