Tưới nhỏ giọt, lợi ích lâu dài cho trồng cây ăn quả
Tưới nhỏ giọt đầu tư ban đầu lớn, song về dài hạn lại mang rất nhiều lợi ích, giảm được nhiều chi phí sản xuất như công lao động, phân bón, nước tưới...
Công nghệ tưới nhỏ giọt giúp giảm rất nhiều chi phí đầu vào trong trồng cây ăn quả và tiết kiệm nguồn nước. Ảnh: VD.
Giảm nhiều chi phí
Năm 2014, ông Ngô Đăng Khoa, thôn 8, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) bắt tay vào trồng 5ha cam đường Canh, cam Xã Đoài. Đến năm 2017, khi Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp Thành Công được thành lập, ông Khoa xin gia nhập, trở thành xã viên.
Theo ông Khoa, khi trở thành xã viên HTX, ông được tiếp cận với kỹ thuật canh tác tiên tiến như sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học. Đặc biệt, ông Khoa đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Đầu tư ban đầu khá lớn nhưng khi công nghệ tưới nhỏ giọt được vận hành, ông Khoa mới thấy hướng đi của mình thực sự hiệu quả.
Đến nay, trên 1/2 diện tích trồng cây có múi của ông Khoa đã được lắp đặt công nghệ tưới nhỏ giọt. Mỗi năm ông thu về khoảng 150 tấn cam các loại với tổng nguồn thu trên 2 tỷ đồng.
“Lúc đầu tôi cũng hơi lo vì vốn đầu tư ban đầu lớn. Bình quân, mỗi ha cây ăn quả phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel. Tuy nhiên, đầu tư xong mới thấy được nhiều lợi ích như giảm chi phí tiền điện, tiết kiệm nguồn nước và nhân công khoảng 60 - 70%. Từ chỗ giảm chi phí đầu vào, hiệu quả kinh tế của người trồng cây ăn quả tăng lên rõ rệt”, ông Khoa chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của ông Khoa, để đảm bảo cho hệ thống tưới nhỏ giọt được bền lâu, nguồn nước tốt nhất phải được lắng lọc cơ học trước khi đưa vào bồn tổng. Đây là cách loại bớt cặn nước, tránh tình trạng hệ thống tưới tiết kiệm bị đóng cặn, không thể vận hành.
Ông Nguyễn Văn Trương, một thành viên khác của HTX Sản xuất nông nghiệp Thành công chia sẻ thêm, sở dĩ hệ thống tưới nhỏ giọt của gia đình ông vẫn vận hành tốt là nhờ ông thương xuyên bảo dưỡng và lắng lọc nguồn nước. Sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, ngoài lợi ích kinh tế thấy rõ thì bản thân người trồng cam cũng cảm thấy rất nhàn thân.
Đến thời điểm này, 100% xã viên HTX Sản xuất nông nghiệp Thành Công đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, sử dụng 80% phân bón hữu cơ để trồng cây ăn quả. Xã viên nếu có nhu cầu sẽ được HTX thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường 10 - 15%.
Hạnh phúc của người “truyền lửa”
Đầu năm 2015, sau khi khảo sát tình hình thổ nhưỡng, khí hậu, ông Chử Thanh Hải từ vùng đất Hưng Yên vào các xã Xuân Hòa, Cát Tân (huyện Như Xuân) thuê 15ha đất để trồng cam. Trên diện tích đất thuê thời hạn 50 năm, ông Hải trồng cam Xã Đoài, cam đường Canh, bưởi Diễn, bưởi da xanh và ổi.
Sau khi áp dụng thành công mô hình tưới tiết kiệm và trồng cây ăn quả hướng hữu cơ, năm 2017, ông Hải thành lập HTX Sản xuất nông nghiệp Thành Công với 10 hộ dân tham gia trên tổng diện tích cây ăn quả gần 30ha.
Ngoài 30ha của các thành viên HTX, ông Hải còn liên kết với 20 hộ dân khác, trồng và chăm sóc cây có múi theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt với tổng diện tích trên 100ha. Đến nay, toàn bộ diện tích trồng cây có múi của HTX và các hộ liên doanh đã được chứng nhận VietGAP; sản phẩm được ông Hải thu mua và đưa vào các thị trường lớn trong Nam, ngoài Bắc.
Với kinh nghiệm của một gia đình có truyền thống trồng cây có múi tại Hưng Yên, ông Hải sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật trồng và chăm sóc để sản phẩm đạt chất lượng cao nhất. Quy trình trồng và chăm sóc cây có múi theo hướng dẫn của ông Hải không những cho sản phẩm chất lượng cao mà còn đảm bảo độ bền cho cây, lấy ngắn nuôi dài.
Tận dụng khoảng cách giữa hàng và hàng, 3 năm đầu ông Hải trồng xen ổi để lấy ngắn nuôi dài hoặc trồng các loại cây cảnh có nhu cầu ánh sáng ít. Khoảng cách hàng với hàng đảm bảo 4 - 5m nhưng mỗi gốc ông trồng 2 cây cùng loại. Theo ông Hải, đây là cách để đảm bảo cho cành cây phát triển tốt và khỏe mạnh.
Trồng 2 cây chung gốc giúp cây khỏe mạnh; trồng xen cây có nhu cầu ít ánh sáng giúp người trồng cây ăn quả lấy ngắn nuôi dài. Ảnh: VD.
“Nghe ra có vẻ phi lý nhưng khi trồng 2 cây chung gốc sẽ đảm bảo cho cành cây giảm gãy đổ. Ví dụ, trên 1 cây để 100kg quả thì cây dễ gãy cành nhưng nếu để 100kg quả trên 2 cây chung gốc thì gần như cây không bị gãy đổ. Quá trình chăm sóc, muốn cây bền, chúng ta nên sử dụng phân chuồng hoai mục ủ vi sinh và bón vi chất dinh dưỡng cao theo từng thời điểm”, ông Hải chia sẻ thêm.
Mỗi năm, HTX Sản xuất nông nghiệp Thành Công cho ra thị trường gần 600 tấn cây ăn quả có múi, hiệu quả kinh tế đạt 300 triệu ha/năm. Các hộ liên doanh với HTX Sản xuất nông nghiệp Thành Công cũng cho sản lượng bình quân 25 - 30 tấn/ha/năm.
“Với quy trình chăm sóc, đảm bảo thu mua sản phẩm của HTX Sản xuất nông nghiệp Thành Công, người trồng cây có múi tại các xã Xuân Hòa, Bãi Trành, Cát Tân, Hóa Quỳ của huyện Như Xuân đang đi đúng hướng, phát triển vùng trồng cây ăn quả xứng với tiềm năng. Tôi nghĩ, việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ là xu thế tất yếu trong tương lai”, ông Chử Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp Thành Công đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
Trong nhiều năm nay, người tiêu dùng Việt Nam dường như “phát cuồng” với sản phẩm hoa quả Nhật Bản bởi hương vị ngọt giòn của táo, ngọt sắc và tan chảy của nho
Theo nguyên tắc 'nặng đầu - nhẹ cuối', Nam Định khuyến cáo nông dân khẩn trương bón thúc cho lúa vụ đông xuân trước ngày 7/3.
Vương quốc Anh có thể tăng sản lượng trái cây và rau quả lên gấp 8 lần nếu tất cả không gian xanh ở đô thị được chuyển sang trồng trọt.