Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Tưới nhỏ giọt cho cây trồng cạn, tiết kiệm và hiệu quả

Tưới nhỏ giọt cho cây trồng cạn, tiết kiệm và hiệu quả
Tác giả: Trần Anh Minh
Ngày đăng: 20/03/2017

Tưới tiết kiệm nước và điều tiết tưới một cách khoa học là một trong những giải pháp thủy lợi tối ưu trong điều kiện biến đổi khí hậu để tiến hành sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhiều địa phương đã đầu tư tưới cho một số loại cây trồng cạn mang lại hiệu quả cao như mô hình tưới nhỏ giọt cho cây lạc ở Cam Lộ, cây hồ tiêu ở Vĩnh Linh...

Trong ảnh: Nhiều vườn tiêu trên địa bàn tỉnh cần được xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt.

Nhu cầu cần nước của cây trồng cạn không nhiều như cây lúa nhưng cũng rất cần nước trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Nguồn nước tưới cho cây trồng cạn thường thiếu do hệ thống kênh mương thủy lợi không dẫn qua vùng trồng cây trồng cạn. Vì thế cây trồng cạn thường lấy nước nhờ trời mưa hoặc được tưới một cách tràn lan gây thất thoát nước và tốn nhiều công tưới nước.

Để tiết kiệm thời gian và nhân lực, nhiều hộ nông dân trồng hồ tiêu ở xã Vĩnh Kim, Vĩnh Linh đã thực hiện lắp đặt hệ thống nước tưới nhỏ giọt quy mô nông hộ. Gia đình ông Nguyễn Đức Phương ở thôn Hương Bắc, xã Vĩnh Kim, đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho vườn hồ tiêu của mình và đã đạt được kết quả tốt. Từ ngày lắp đặt hệ thống nước tưới nhỏ giọt, ông không còn thuê nhân công để tưới nước cho cây hồ tiêu nữa.

Nước được bơm từ giếng đưa vào bồn và dẫn tới hệ thống ống đặt khắp vườn. Tại các điểm thích hợp trên ống (ống được đưa đến tất cả các gốc tiêu) có một lỗ nhỏ, nước được phun ra từ đó với một lượng ít và phun thường xuyên trong quá trình tưới nên lượng nước tiêu tốn ít, đủ để giữ ẩm cho cây tiêu và không thất thoát tràn lan ra ngoài. Ống được đặt 1 lần lúc lắp đặt ban đầu và chỉ cần 1 người vặn van xả nước ở vị trí ống dẫn từ bồn xuống là được. Nhờ đó, công tưới nước được giảm đến mức tối đa nên chi phí để chăm sóc vườn tiêu của ông Phương giảm đáng kể. Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt còn giúp cho cây trồng tận dụng triệt để nguồn dinh dưỡng trong đất, nhất là nâng cao hiệu quả bón phân cho cây tiêu tăng từ 30- 40%.

Nhờ có lượng nước thường xuyên cung cấp đủ ẩm nên phân bón khi được bón nhanh hòa tan và thấm từ từ làm dinh dưỡng cho cây, lượng nước cung cấp vừa phải nên phân không bị rửa trôi. Việc sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây hồ tiêu khắc phục hoàn toàn tình trạng thiếu hụt nước tưới vào mùa khô. Ông Phương cho biết: “Tưới cho cây tiêu phải thực hiện vào thời gian mát mẻ trong ngày, gia đình tôi trồng khá nhiều tiêu nên trước đây mỗi lần tưới phải cần 4- 5 người mới tưới xong vườn tiêu.

Nhưng từ ngày lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt này chỉ cần 1 lao động là tưới xong vườn tiêu. Còn thời gian tôi đầu tư làm việc khác mang lại nhiều lợi ích. Một hiệu quả nữa là lợi về nguồn nước. Tưới bằng hệ thống nhỏ giọt chỉ sử dụng bằng 1/3 lượng nước so với tưới tràn trước đây. Vườn tiêu của tôi từ ngày áp dụng cách tưới này tốt hơn nhiều”. Từ hiệu quả của mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây hồ tiêu của ông Phương, một số hộ nông dân trong vùng cũng đã đầu tư lắp đặt để tưới cho cây hồ tiêu. Tuy nhiên, kinh phí lắp đặt hệ thống tưới này khá cao, bình quân chi phí lắp đặt 1 hệ thống tưới nước nhỏ giọt trên 40 triệu đồng/ha nên không phải hộ dân nào cũng có điều kiện.

Vì vậy, nông dân cần được hỗ trợ về mặt kinh phí và kỹ thuật lắp đặt khi nhân rộng mô hình này. Ông Nguyễn Xuân Tam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Kim, Vĩnh Linh kiến nghị: “Hệ thống tưới này có nhiều hiệu ích, tiết kiệm nước tưới, tiết kiệm công lao động, nhiều hộ dân có điều kiện về kinh tế đã tự phát đầu tư lắp đặt hệ thống này nên chúng tôi muốn kiến nghị với cơ quan chức năng cần có những dự án hỗ trợ để nông dân có thể phát triển tốt cây tiêu, tạo điều kiện nâng cao thu nhập từ cây tiêu”.

Hiện nay, hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây trồng cạn mới chỉ được các hộ gia đình có điều kiện về vốn và khả năng tiếp cận kỹ thuật tốt áp dụng. Việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây trồng cạn đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc dễ tạo nguồn nước tưới, tiết kiệm công tưới nước, tiết kiệm tiền bơm nước; tăng hiệu quả đầu tư phân bón, thuốc BVTV, dễ thâm canh, tăng thu nhập cho người trồng tiêu. Để nhân rộng mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây trồng cạn, cần có sự hỗ trợ cho nông dân về vốn (có thể cho vay vốn ưu đãi lãi suất), tập huấn kỹ thuật, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân từ cây trồng cạn trong điều kiện hạn hán ngày càng xảy ra gay gắt, thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.


Có thể bạn quan tâm

Người Singapore trồng rau hữu cơ ở ngoại ô Đà Lạt Người Singapore trồng rau hữu cơ ở ngoại ô Đà Lạt

Tại vùng ngoại ô TP Đà Lạt (Lâm Đồng), một người đàn ông quốc tịch Singapore đã cùng vợ lập trang trại trồng rau hữu cơ.

20/03/2017
Lão nông làm giàu giữa “rốn mặn” U Minh Lão nông làm giàu giữa “rốn mặn” U Minh

Từng bị nói là... không bình thường, nhưng với quyết tâm của mình, ông Quách Thanh Sử ( ở ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau) đã chinh phục vùng đất

20/03/2017
Quảng bá chưa hiệu quả, nông sản sạch bí đầu ra Quảng bá chưa hiệu quả, nông sản sạch bí đầu ra

Sau 5 năm thực hiện đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, bảo đảm đầu ra cho rau an toàn (RAT), trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn nhiều khó khăn

20/03/2017