Từ tay trắng thành triệu phú nhờ... biết đan lát
Nhất nghệ tinh
Cơ sở của anh Nguyễn Thành Lập gần như là cơ sở duy nhất tại huyện Cần Giờ làm nghề đan lát mây tre lá với quy mô lớn, có đông đảo người lao động nghèo tham gia. Những năm qua, người dân nơi đây đã quá quen mặt anh bởi hàng ngày anh đều chạy “lòng vòng” từ xã này qua xã khác để giao nguyên liệu, truyền nghề, giao nhận sản phẩm đan lát…
Cũng vì quá bận rộn nên chúng tôi chỉ có thể gặp anh tại một điểm đan lát tập trung tại xã An Thới Đông. “Cơ sở của tôi đóng tại nhà nhưng không có nhân công làm, toàn bộ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm hoàn thiện đều để ở chỗ các tổ viên. Khi có hàng, tôi đến kiểm tra, thu gom sản phẩm. Bởi vậy ngày nào tôi cũng chạy lòng vòng ngoài đường” - anh Lập cho biết.
Anh Lập chia sẻ, năm 1997 anh đi thanh niên xung phong và được giao nhiệm vụ quản lý đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho học viên nên có cơ hội được học nhiều nghề thủ công truyền thống. Nghề nào anh cũng thành thạo, khéo léo. Đặc biệt, nghề đan lát mây tre lá anh tâm đắc nhất và nghề này dường như đã “ngấm” vào người anh. Bởi vậy anh tự tin nói: “Nghề đan lát có nhiều sản phẩm khác nhau, mẫu mã, kiểu dáng rất đa dạng. Nhưng do gắn với nghề lâu nên giờ chỉ cần nhìn qua mẫu là tôi có thể đan được”.
Năm 2006, rời lực lượng thanh niên xung phong, anh về địa phương mở cơ sở đan lát và vận động người dân xung quanh cùng tham gia. Anh cho biết, sở dĩ anh chọn nghề này vì sự đơn giản, không phải đầu tư nhiều, đặc biệt là ai cũng có thể làm được. Thời gian đầu công việc không được thuận lợi bởi anh không có vốn. Những lúc chủ hàng gửi tiền không kịp, anh phải vay mượn để trả tiền cho nhân công. Có thời điểm đến 2 tháng anh không có tiền trả, nhân công đã đến tận nhà đòi nợ. Tuy nhiên khi nghe anh phân bày hợp tình hợp lý, người lao động đã thông cảm và tiếp tục bám nghề.
Đến năm 2009, anh được huyện xem xét cho vay 50 triệu đồng để mở rộng sản xuất, khi ấy việc làm ăn mới “dễ thở” hơn. Nhờ có tay nghề, uy tín cùng các mối quan hệ khi còn đi thanh niên xung phong, anh nhanh chóng có được những nguồn khách hàng ổn định. Người lao động địa phương liên kết với anh có việc làm thường xuyên nên họ đều yên tâm theo nghề. Có thời điểm cơ sở mây tre lá của anh thu hút, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động địa phương. Đó là chưa kể nhiều người tranh thủ những lúc nông nhàn nhận nguyên liệu về đan kiếm thêm thu nhập.
Trăm người học theo
Anh Nguyễn Thành Lập là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu của huyện. Với nghề đan lát, những năm qua, anh Lập đã truyền nghề, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Ông Lê Văn Được- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ
Đến nay, sau hơn 10 năm trong nghề, anh Lập đã tổ chức được 7 tổ hợp tác đan lát mây tre lá tại các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn với hơn 100 tổ viên. Tính về số lượt người được anh truyền nghề, ước chừng lên đến hàng ngàn lượt. Anh giải thích, hầu như lần nào có đơn đặt hàng mới anh đều phải đến tận nơi dạy cách đan cho các tổ viên.
“Mỗi đợt hàng về lại có kiểu mới, nếu như mới vào nghề thì khó làm được ngay, nhất là những sản phẩm có hoa văn, chi tiết phức tạp. Do đó sau khi giao nguyên liệu, tôi phải có mặt hướng dẫn họ làm, rồi lại quay vòng đi kiểm tra xem người dân đan có đúng không để kịp thời khắc phục. Sau đó khoảng 1 tuần hoặc 10 ngày tôi lại đánh xe đến nhận hàng đi giao cho khách”.
Cũng theo anh, trong phân công lao động, tùy theo khả năng, tay nghề mỗi người mà anh phân việc phù hợp. Với những mẫu sản phẩm phức tạp, khó đan, anh sẽ giao cho những người lành nghề. Còn sản phẩm nào đơn giản, dễ đan sẽ giao cho những người mới vào nghề. Như vậy đảm bảo ai cũng có hàng để làm. Người lao động liên kết với anh được hưởng thu nhập trên sản phẩm với khoảng 10% giá trị sản phẩm.
Khi chúng tôi hỏi về mức thu nhập, anh cười nói: “Mọi người thấy tôi chạy nhiều, làm nhiều tưởng tôi thu nhập cao, nhưng mỗi năm chỉ thu được lợi nhuận trên 100 triệu đồng, đủ lo cho gia đình. Cuối năm ngoái, tôi còn phải mua trả góp một chiếc xe tải để giảm bớt chi phí. Lúc trước mỗi tháng tôi tốn gần 15 triệu đồng tiền vận chuyển, giờ có xe chỉ hơn 5 triệu đồng, còn dư ra khoản tiền đó mình trả công cho người lao động cao hơn một chút để khuyến khích họ làm việc. Hiện tôi cũng đang tìm thêm đối tác để có thêm nguồn hàng gia công, đồng thời tôi cũng dự định sẽ lập thêm một số dịch vụ ở nông thôn để tạo thêm việc làm cho người dân ở đây”.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người theo nghề đan lát tại đây đều cho rằng từ khi có nghề họ có việc làm quanh năm, không còn sợ túng thiếu như trước. Công việc đan lát chủ yếu làm thời vụ nhưng phù hợp với người già không có sức lao động, không thể xin được việc ở các chỗ khác hoặc người nội trợ...
Bà Võ Thị Tám, Tổ trưởng Tổ hợp tác mây tre lá ở xã An Thời Đông cho biết bà đã chủ động liên hệ anh Lập để theo nghề đan lát. Thấy làm được, bà đã vận động nhiều người cùng tham gia. Hiện mỗi ngày bà cũng kiếm được hơn 100.000 đồng.
Còn bà Nguyễn Thị Thống (ở tổ 3, ấp An Đông, xã An Thới Đông) cho biết, bà ở nhà giữ cháu, thời gian rảnh rỗi khá nhiều nên bà cũng tham gia nghề đan lát. Chỉ sau mấy tháng, bà đã thành thạo và đan được nhiều mẫu sản phẩm khác nhau. Theo bà Thống, tùy theo khối lượng hàng mà có mức thu nhập khác nhau. Riêng bà vừa chăm cháu vừa đan lát nhưng mỗi tháng cũng kiếm được gần 2 triệu đồng. “Số tiền thu nhập không nhiều nhưng nếu ở không thì sẽ không có. Thấy vậy chứ ở ngoại thành, nhiêu đây cũng đủ tiền mắm muối”- bà Thống nói.
Có thể bạn quan tâm
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn sâu không chỉ là nguy cơ mà còn là cơ hội cho nông dân nuôi tôm trên ruộng lúa. Bà con nông dân bán đảo Cà Mau quyết không rời mảnh đất của mình, đồng thời tìm cách để thích ứng, thậm chí làm giàu trong điều kiện nước biển dâng.
TGLX được xem là “rốn phèn” khổng lồ ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, lãnh đạo và nhân dân lúc bấy giờ đã cải tạo nơi đây thành cánh đồng sản xuất lúa đầu tiên của cả nước.
ĐBSCL được xem là vựa lúa, thủy sản và cây ăn trái của cả nước. Tuy nhiên, việc đầu tư khoa học, công nghệ (KHCN) có quy mô lớn vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa xứng tầm. Vì lẽ đó, các sản phẩm làm ra của vùng có sức cạnh tranh rất yếu so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.