Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Từ 1.9, cá tra xuất khẩu đi Mỹ sẽ được kiểm soát đặc biệt

Từ 1.9, cá tra xuất khẩu đi Mỹ sẽ được kiểm soát đặc biệt
Tác giả: Thuận Hải
Ngày đăng: 19/08/2017

Cá tra xuất khẩu sang Mỹ phải đảm bảo yêu cầu liên quan đến nhiều chỉ tiêu về về thuốc thú y thuốc BVTV, kim loại và nhiều tiêu chí khác dựa theo những chỉ tiêu mà phía Hoa Kỳ đã đưa ra.

Những lô hàng cá da trơn xuất khẩu sang Mỹ sẽ chịu sự quản lý đặc biệt của Bộ NNPTNT

Bộ NNPTNT Việt Nam vừa ban hành Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes (bộ cá da trơn, chủ yếu là cá tra, ba sa…) xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Chương trình bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.9 tới.

Theo đó, sản phẩm cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ được kiểm soát chặt chẽ từ công đoạn nuôi, thu hoạch, vận chuyển cá tới cơ sở chế biến, chế biến và xuất khẩu. Sản phẩm phải đảm bảo yêu cầu liên quan đến 85 chỉ tiêu về về thuốc thú y, 106 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật, 4 chỉ tiêu về thuốc nhuộm, 17 chỉ tiêu về kim loại, 8 chỉ tiêu về vi sinh, hóa học... dựa theo những chỉ tiêu mà phía Hoa Kỳ đã đưa ra.

Trong trường hợp có lô hàng bị cảnh báo chính thức từ Cơ quan thẩm quyền Hoa Kỳ, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) sẽ yêu cầu cơ sở chế biến lô hàng thực hiện truy xuất nguồn gốc lô hàng, tổ chức điều tra nguyên nhân dẫn đến lô hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; thiết lập và thực hiện hành động khắc phục và có báo cáo gửi NAFIQAD. Đồng thời sẽ tạm dừng xuất khẩu sản phẩm cá da trơn sang Hoa Kỳ của cơ sở này.

Đối với lô hàng bị cảnh báo có liên quan đến vi phạm của cơ sở nuôi, NAFIQAD sẽ thông tin đến Tổng cục Thủy sản để thực hiện xác minh, lấy mẫu kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định, làm rõ vi phạm và xử lý theo quy định pháp luật.

Những doanh nghiệp có lô hàng cá da trơn bị cơ quan chức năng Mỹ cảnh báo vi phạm tiêu chuẩn chất lượng có thể bị xem xét tạm ngừng cho phép xuất khẩu

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, việc Bộ NNPTNT ban hành các tiêu chuẩn về cá da trơn xuất khẩu sang Mỹ không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng này hiện tại. Nguyên nhân, không còn nhiều doanh nghiệp quan tâm tới thị trường Mỹ do thuế chống bán phá giá quá cao, nhiều rào cản kỹ thuật…

Ông Hàng Văn – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp) cho biết, trên danh nghĩa có 62 doanh nghiệp được phép xuất khẩu cá tra vào Mỹ nhưng trên thực tế, mức thuế chống bán phá giá quá cao, lại thêm việc kiểm tra gay gắt, kéo dài khiến chi phí lưu kho, chi phí vận chuyển đội lên, hầu hết các doanh nghiệp không chịu nổi, phải bỏ thị trường.

Trước đó, đầu tháng 7.2017, Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) đã có thông báo về việc sẽ áp dụng chính thức quy định về nhập khẩu tại Chương trình thanh tra bắt buộc đối với cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes từ ngày 2.8.2017 thay vì 1.9 như thông báo của FSIS trước đây.

Theo quy định trong Chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ, để tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ sau thời gian chuyển tiếp, cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu phải cung cấp cho FSIS đầy đủ các tài liệu để chứng minh sự tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm với Hoa Kỳ cùng với việc trả lời Bản câu hỏi đánh giá tương đương (SRT).

Tuy nhiên, qua rà soát, các quy định hiện hành của Việt Nam chưa hoàn toàn tương đương với quy định của Hoa Kỳ. Do đó, Bộ NNPTNT đã ban hành Chương trình này nhằm phục vụ cho việc đánh giá tương đương của Hoa Kỳ, đồng thời nhằm giảm thiểu những lô hàng xuất sang thị trường này bị trả về cũng như tránh gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.

Dự kiến, các nội dung của Chương trình sẽ được dẫn chiếu đưa vào bản SRT kèm theo các hồ sơ, tài liệu liên quan đang được NAFIQAD hoàn thiện và dự kiến sẽ gửi cho FSIS trước ngày 20.8 tới.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 176,4 triệu USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước.


Có thể bạn quan tâm

FAO: Sản lượng cá cơm Peru tăng cao FAO: Sản lượng cá cơm Peru tăng cao

Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), sản lượng cá nổi toàn cầu vào năm 2017 dự kiến tăng 7% so với năm 2016.

19/08/2017
Quy định nhập khẩu thủy sản tại một số thị trường chính Quy định nhập khẩu thủy sản tại một số thị trường chính

Thủy sản Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới, tuy nhiên, các doanh nghiệp thủy sản cần lưu ý đến những quy định của mỗi thị trường

19/08/2017
Chàng trai trẻ chinh phục đập Khe Nậy từ chăn nuôi tổng hợp Chàng trai trẻ chinh phục đập Khe Nậy từ chăn nuôi tổng hợp

Để tiết kiệm chi phí thức ăn, Ngọc đặt mua 10 vó cất cá công nghiệp. Sáng sớm, mỗi lần cất vó, ngọc thu khoảng 15 - 20kg cá mương, làm thức ăn cho cá leo.

19/08/2017
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.