Trang chủ / Thống kê / Thống kê nông sản

TT lúa gạo châu Á: Giá giảm tại Ấn Độ, vững tại Việt Nam và Thái Lan

TT lúa gạo châu Á: Giá giảm tại Ấn Độ, vững tại Việt Nam và Thái Lan
Tác giả: Thu Hải - VITIC/Reuters
Ngày đăng: 15/10/2018

Giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ giảm trong tuần thứ ba liên tiếp do nhu cầu yếu và sắp có nguồn cung mới, trong khi vững tại Thái Lan và Việt Nam bởi kỳ vọng sẽ bán được sang Trung Quốc và Philippines.

Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm giá giảm xuống 365 - 370 USD/tấn từ mức 367 - 373 USD cách đây một tuần do nhu cầu vẫn ảm đạm. "Vì giá tuần nào cũng giảm nên khách hàng trì hoãn mua vào", Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở bang Andhra Pradesh nói cho biết.

Đồng rupee tiếp tục giảm, lập kỷ lục thấp nhất trong lịch sử cũng góp phần khiến cho giá giảm.

Ấn Độ sẽ thu hoạch vụ Hè vào tháng tới, sản lượng dự kiến tăng 1,8% lên 99,24 triệu tấn.

Tại quốc gia láng giềng Bangladesh, nhập khẩu giảm còn 80.000 tấn trong giai đoạn tháng 7 – 9/2018 do quyết định áp thuế nhập khẩu gạo hồi tháng 6/2018. Nước Nam Á này năm 2017 nổi lên thành nhà nhập khẩu lớn sau khi lũ lụt phá hủy mùa màng. Nhưng sản lượng năm nay hồi phục mạnh nên đã áp thuế 28% để hỗ trợ người sản xuất lúa.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm hiện ở mức 398 - 400 USD/tấn (FOB), so với mức 390 – 403 USD cách đây một tuần.

Các nhà giao dịch cho biết giao dịch khá trầm lắng, mặc dù dự đoán một số khách hàng Indonesia, Nhật Bản và Philippines sẽ chào mua.

Nhiều nhà xuất khẩu tư nhân Thái Lan (đã tham gia vào thương vụ bán 100.000 tấn gạo sang Trung Quốc trong gần đây) cũng cho rằng Trung Quốc có thể mua thêm gạo Thái Lan trước khi kết thúc năm nay, Reuters dẫn lời một thương nhân ở Bangkok cho biết.

"Có tin Trung Quốc có thể yêu cầu mua thêm gạo và điều đó có thể giúp tăng giá trước cuối năm nay".

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm vững ở mức 400 - 405 USD/tấn. "Giao dịch chậm lại vì nguồn cung trong nước đang ở mức thấp", Reuters dẫn lời một thương nhân ở TP HCM cho biết, và thêm rằng "Philippines đã thông báo sẽ mua thêm gạo trong thời gian còn lại của năm và điều này có thể hỗ trợ cho giá cả".

Theo số liệu của Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 4,89 triệu tấn gạo trong giai đoạn tháng 1 – 9/2018, tăng 6,7% so với một năm trước đó; doanh thu tăng 21,3% trong cùng giai đoạn lên 2,46 tỉ USD. Ngày 11/10/2018, Bộ Công Thương cho biết giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay có khả năng sẽ tăng 26,9% lên 3,2 tỉ - 3,3 tỉ USD.

Tại Philippines, giá gạo bán lẻ tiếp tục tăng mặc dù giá bán buôn giảm nhẹ.

Theo Cơ quan Thống kê Philippine (PSA), giá gạo bán buôn bắt đầu giảm vào cuối tháng 9/2018, nhưng sự sụt giảm này vẫn chưa được phản ánh trên thị trường bán lẻ.

Giá bán buôn trung bình của gạo xát thường và xát kỹ giảm lần lượt 0,11 peso và 0,25 peso/kg so với đầu tháng 9/2018. Tuy nhiên, giá bán lẻ vẫn tăng 0,29 peso và 0,23 peso đối với gạo xát thường và xát kĩ. So với năm ngoái, giá bán lẻ trung bình của cả hai loại gạo tăng tương ứng là 7 peso và 8,03 peso/kg.

Chính phủ Philippines dự định sẽ tổ chức 3 phiên đấu giá để nhập khẩu 750.000 tấn gạo vào tháng 11/2018, hàng sẽ được được vận chuyển đến Philippines trong tháng tiếp theo.

Một số thông tin liên quan

Xuất khẩu gạo Ấn Độ giảm hơn 4% trong giai đoạn tháng 4 – 8/2018

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong giai đoạn tháng 4 – 8/2018 giảm 4.3% so với năm trước xuống còn 5,03 triệu tấn vì khách hàng chủ chốt (Bangladesh) giảm nhập khẩu sau vụ mùa bội thu.

Trung Quốc mở rộng xuất khẩu gạo

Tại Hội nghị Gạo thế giới lần thứ 10 ngày 11/10/2018 tại Hà Nội, ông Li Xigui, Phó giám đốc Trung tâm quốc gia gạo và nông sản Trung Quốc cho biết năm 2018, sản lượng lúa gạo của nước này đạt khoảng 29 triệu tấn, giảm 3,2% so với năm trước. Trung Quốc đang nhập khẩu gạo từ một số nước như Thái Lan, Việt Nam.

Ông Li cho biết, những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc xây dựng nhiều chính sách nhằm thúc đẩy việc nhập khẩu gạo chất lượng vào thị trường nước này. Tuy nhiên, theo vị đại diện, có một yếu tố thú vị liên quan đến chính sách thúc đẩy năng lượng sạch của Trung Quốc. Thời gian qua, lượng lúa gạo phẩm cấp thấp không đủ tiêu chuẩn cho con người đã được nước này dùng để sản xuất ethanol.

Dự kiến, sản lượng ethanol năm 2018 sẽ tăng lên 6,7 triệu tấn từ mức 2,7 triệu tận năm 2017. Theo ông Li, chính sách thúc năng lượng sạch này liên quan đến sản lượng lúa gạo phẩm cấp thấp mà Trung Quốc cần để sản xuất ethanol và những nhiên liệu khác trong thời gian tới.

Hiện tại, ông Li cũng cho biết giá gạo nhập khẩu từ Việt Nam qua cảng Quảng Đông có xu hướng tăng lên nhưng giá bán gạo tại thị trường Trung Quốc vẫn ổn định. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh đồng NDT giảm giá so với các đồng tiền khác trên thế giới, điều này hàm ý một số rủi ro về kinh tế cho các nhà xuất khẩu từ các nước và nhà nhập khẩu vào Trung Quốc.

Trung Quốc cho biết quốc gia này cũng quan tâm đến xuất khẩu gạo, và chủ trương xây dựng các chuẩn mực cao hơn về xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới.

Xuất khẩu gạo Trung Quốc trong 8 tháng đầu 2018 đã vượt cả năm 2017, và dự kiến đạt 2 triệu tấn trong năm 2018, dự báo tăng hơn nữa trong tương lai.

Trung Quốc đặt mục tiêu tiến sâu vào thị trường gạo các khu vực châu Phi và châu Á, Bờ Biển Ngà đóng vai trò quan trọng trong số các thị trường xuất khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên Trung Quốc cũng cần đảm bảo tự cung tự cấp lương thực, trong đó nhấn mạnh vào sản xuất. Nước này đang tiến hành giảm dự trữ gạo và mở rộng xuất khẩu.

Lưu ý đến ảnh hưởng từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung song Phó giám đốc Trung tâm quốc gia gạo và nông sản Trung Quốc cho biết tin tưởng vào tuyên bố của quan chức cấp cao. Ông cho biết Bắc Kinh tự tin vào năng lực sản xuất trong nước để hạn chế tác động từ cuộc cung đột này.

Nhập khẩu gạo vào Philippines có thể lên tới 2,4 triệu tấn

Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines vừa cho biết, nước này sẽ cho phép các công ty bán lẻ lớn nhập khẩu 350.000 tấn gạo, có thể đưa tổng lượng gạo nhập khẩu trong năm 2018 lên 2,4 triệu tấn, mức cao thứ 2 trong lịch sử.

The Philippines đang tích cực mua gạo để làm đầy kho dự trữ và ngăn chặn giá tăng để bình ổn lạm phát (hiện lạm phát đang cao nhất trong vòng gần 1 thập kỷ).

Lượng gạo nhập khẩu năm nay dự kiến sẽ cao nhất kể từ 2010 (khi nhập khẩu kỷ lục 2,45 triệu tấn do lo sợ thiếu cung sau khi giá lương thực toàn cầu tăng mạnh).

Bộ trưởng Nông nghiệp Emmanuel Pinol cho biết, Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) đã “thông qua trên nguyên tắc” đề xuất của Bộ Thương mại về việc cho phép các nhà bán lẻ nhập khẩu thêm gạo để bổ sung nguồn cung và hạ giá trên thị trường trong nước.

Philippines thông qua đề xuất nhập khẩu gạo không hạn chế

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thông qua đề xuất mở rộng tự do nhập khẩu gạo nhằm giải quyết giá hàng hóa tăng đột biến khiến lạm phát lên tới 6,7% trong tháng trước.

Trước đó, ông Duterte đã ban thành Bộ luật Hành chính No. 13, với việc loại bỏ các rào cản phi thuế quan và giảm thủ tục hành chính đối với hoạt động nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp.

Với quyết định lần này của ông Duterte, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) sẽ không đưa ra khối lượng gạo được nhập khẩu, và theo đó bất kỳ ai trả thuế sẽ được phép nhập khẩu gạo, theo ông Roque.

“Chúng tôi hi vọng với qui định này, ngay cả những doanh nghiệp khổng lồ như San Miguel, đặc biệt được nhắc tới tại Nội các trong ngày hôm qua (9/10/2018), sẽ có thể nhập khẩu gạo, và sự gia tăng về nhập khẩu này cuối cùng sẽ khiến giá gạo giảm”, ông Roque nói.

Việc tổng thống thông qua đề xuất nhập khẩu gạo không hạn chế như một biện phát để làm hạ nhiệt lạm phát, sau khi ông Dominguez nhấn mạnh, thực phẩm là nguyên nhân chính chịu trách nhiệm cho việc lạm phát tăng trong tháng trước.

Maroc muốn nhập khẩu tối đa 1.000 tấn lúa gạo đồ Việt Nam mỗi tháng

Thương vụ Việt Nam tại Maroc cho biết, một đối tác Maroc đang có nhu cầu nhập khẩu lúa gạo đồ của Việt Nam. Cụ thể, công ty Compagnie Bonami với trụ sở tại Casablanca, thủ đô kinh tế của Maroc, có nhu cầu nhập khẩu thóc làm ra gạo đồ loại hạt dài và hạt tròn.

Số lượng nhập khẩu dự kiến là đối đa 1.000 tấn/tháng sau khi đã thử nghiệm thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Giá đường thô ngày 10/10 ở mức cao 7 tháng; cà phê, ca cao cũng tăng giá Giá đường thô ngày 10/10 ở mức cao 7 tháng; cà phê, ca cao cũng tăng giá

Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE tiếp tục nhích lên sau khi ở mức cao nhất kể từ tháng 3, được hỗ trợ bởi đồng real Brazil mạnh lên.

11/10/2018
Giá arabica ngày 12/10 chạm mức đỉnh 3 tháng rưỡi; đường, ca cao tăng Giá arabica ngày 12/10 chạm mức đỉnh 3 tháng rưỡi; đường, ca cao tăng

Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE đã tăng chạm mức đỉnh 3 tháng rưỡi, trong khi giá đường và ca cao cũng tăng cao hơn theo xu hướng của các thị trường hàng

12/10/2018
Thế giới có thể thiếu hụt đường trong niên vụ 2019/2020 Thế giới có thể thiếu hụt đường trong niên vụ 2019/2020

Thị trường đường thế giới có thể chứng kiến sự sụt giảm trong niên vụ 2019/2020 sau hai năm dư thừa nguồn cung.

13/10/2018