Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Trung Quốc nuôi cấy thịt lợn đen bản địa thành công

Trung Quốc nuôi cấy thịt lợn đen bản địa thành công
Tác giả: Kim Long (Reuters)
Ngày đăng: 15/10/2021

Thịt nuôi cấy từ tế bào cơ lợn đen bản địa trong phòng lab sẽ giảm đáng kể tác động đến môi trường, tránh được các vấn đề phúc lợi động vật và bệnh tật.

Miếng thịt lợn nuôi cấy trong phòng thí nghiệm lấy tế bào cơ từ lợn đen bản địa của công ty CellX được trưng bày tại lễ ra mắt tại Thượng Hải hôm 3 tháng 9. Ảnh: Reuters

Công ty khởi nghiệp CellX tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) vừa chọn lọc thành công được thịt lợn được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, đồng thời cho biết họ đang đặt mục tiêu sản xuất thịt thân thiện với môi trường hơn với giá thành cạnh tranh tại quốc gia tiêu thụ thịt hàng đầu thế giới vào năm 2025.

Tại buổi tiệc ra mắt sản phẩm vừa qua, các nhà đầu tư đã được mời nếm thử một trong những nguyên mẫu thịt lợn được sản xuất tại phòng thí nghiệm ở Thượng Hải từ các tế bào lợn đen bản địa đặc sản của Trung Quốc.

Li Peiyang, một vị khách mời đã nếm thử món thịt lợn được Công ty CellX nuôi cấy nhân tạo trộn với protein thực vật chia sẻ cảm giác rằng: “Hương vị thịt hơi nhạt… nhưng nhìn chung thì không tệ”.

Những người ủng hộ sản phẩm mới thì ca ngợi hết lời khi cho rằng, thịt nuôi cấy hoặc thịt nhân nuôi từ tế bào cơ động vật trong phòng thí nghiệm sẽ làm giảm đáng kể tác động đến môi trường lại rất sạch và lành mạnh, đồng thời tránh được các vấn đề về phúc lợi động vật và bệnh tật.

Đặc biệt là trong bối cảnh ngành chăn nuôi lợn ở quốc gia đông dân số nhất thế giới vẫn chưa thoát khỏi dịch tả lợn châu Phi hoành hành từ năm 2018 đến nay, cũng như nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải nỗ lực cắt giảm phát thải carbon để đạt các mục tiêu phát triển bền vững.

Khởi nghiệp CellX cho biết, thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm đang hy vọng có thể dần tạo được nguồn cung cấp thực phẩm ổn định hơn cho một thị trường đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt và biến động lớn sau dịch tả lợn châu Phi. Nhưng cái khó lớn nhất hiện nay là chi phí sản xuất thịt nuôi cấy trong ngành công nghiệp non trẻ này vẫn cao hơn nhiều, so với phương cách sản xuất thịt truyền thống. Chính điều này khiến các nhà phân tích cho rằng, người tiêu dùng có thể chùn bước khi chọn mua thịt nhân tạo.

Tuy nhiên ông Yang Ziliang, người sáng lập Công ty CellX nói với Reuters, ở Trung Quốc hiện nay có rất nhiều người tiêu dùng muốn nếm thử thịt nhân tạo được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Ông Yang cũng từ chối bình luận về chi phí sản xuất thịt nhân tạo từ tế bào cơ lợn đen bản địa của công ty hiện nay, nhưng cho biết công ty mới thành lập năm ngoái và đang đặt mục tiêu cạnh tranh về giá với thịt truyền thống vào năm 2025.

Một báo cáo gần đây của hãng tư vấn toàn cầu McKinsey tính toán và đưa ra dự báo: Thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể đạt giá thành ngang bằng với thịt thông thường vào năm 2030, khi ngành công nghiệp này tăng quy mô và tinh chỉnh khâu nghiên cứu và phát triển (R&D).

Vào năm ngoái, sản phẩm thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm của công ty khởi nghiệp Mỹ Eat Just, mang tên Good Meat đã lần đầu tiên được bán cho người tiêu dùng ở Singapore, nhưng hiện tại nó vẫn chưa được phép bán vào thị trường Trung Quốc.

Đại diện Công ty CellX cho biết, họ đã huy động được trên 4,3 triệu đô la và hiện đang tìm kiếm thêm nguồn vốn mới, thậm chí cũng đang để mắt đến thị trường toàn cầu. “Tầm nhìn của chúng tôi là thay đổi cách sản xuất thịt. Đây không chỉ là vấn đề của Trung Quốc mà là vấn đề toàn cầu, vì vậy để đạt được mục tiêu của mình, chúng tôi cần phải trở thành một công ty toàn cầu”, ông Yang nói.

Theo giới chuyên gia, để có nguồn cung cấp thịt nuôi cấy ổn định cho thị trường tiêu thụ thịt khổng lồ 1,3 tỷ dân thì câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Con số thống kê cho thấy trong năm 2020, người dân Trung Quốc đã tiêu thụ tổng cộng 86 triệu tấn thịt các loại, chiếm khoảng 30% nhu cầu toàn thế giới.


Có thể bạn quan tâm

Máy học phát hiện 'gen quan trọng' giúp cây trồng cân đối phân bón Máy học phát hiện 'gen quan trọng' giúp cây trồng cân đối phân bón

Máy học có thể xác định 'gen quan trọng' giúp cây trồng phát triển với ít phân bón hơn, biết thêm các tính trạng mới ở thực vật cũng như dịch bệnh trên động vật

15/10/2021
Trồng dưa hấu trên đất bỏ hoang - Tưởng làm chơi, hóa ra ăn to! Trồng dưa hấu trên đất bỏ hoang - Tưởng làm chơi, hóa ra ăn to!

Những tưởng chỉ trồng cho vui khỏi bỏ ruộng hoang, không ngờ bà con trồng dưa hấu trên đất bỏ hoang do thiếu nước vụ hè lại có lãi tới 80 - 90 triệu đồng/ha.

15/10/2021
Trồng cỏ, đảm bảo thức ăn cho gia súc mùa nắng hạn Trồng cỏ, đảm bảo thức ăn cho gia súc mùa nắng hạn

Tận dụng quỹ đất bỏ hoang để trồng cỏ, người dân ở xã Sơn Tiến (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã đảm bảo được thức ăn cho gia súc trong mùa hè nắng cháy miền Trung.

15/10/2021
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.