Trung Quốc lai tạo giống bông mới để cắt giảm ô nhiễm
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã lai tạo ra một giống bông mới có thể tiến đến cắt giảm việc sử dụng màng phủ nông nghiệp và tránh ô nhiễm môi trường.
Nông dân thu hoạch bông ở khu tự trị Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc. Ảnh: THX
Theo tờ Science and Technology Daily, dùng màng phủ trong canh tác nông nghiệp có thể giúp giữ nhiệt, ức chế sự phát triển của cỏ dại và ngăn ngừa sâu bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng loại công nghệ này đã trở thành nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm đồng ruộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng bông và hệ sinh thái đất.
Sau thời gian tìm hiểu, một nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Yu Shuxun, viện sĩ của Học viện Kỹ thuật hàn lâm Trung Quốc dẫn đầu đã lai tạo thành công một giống bông mới không cần sử dụng màng phủ nhựa. Báo cáo cho biết sự phát triển của giống bông mới này được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm rác nhựa trên các cánh đồng bông hiện nay.
Theo đó, giống bông mới có đặc điểm chín sớm, chống chịu được nhiệt độ xuống thấp và sinh trưởng, phát triển tốt trong môi trường mặn-kiềm. Năng suất trung bình giống bông mới có thể đạt 350 kg/mu, (1 mu tương đương khoảng 0,067 ha).
Sản xuất bông ở Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong suốt 60 năm qua khi chiếm tới 15% diện tích bông thế giới và chiếm khoảng 30% sản lượng bông toàn cầu. Sở dĩ Trung Quốc duy trì được vị thế này phần lớn là nhờ áp dụng các công nghệ thâm canh cao và màng phủ nilon.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thổ nhưỡng, việc lạm dụng các công nghệ thâm canh dùng nhiều lao động cũng như số lượng lớn các nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu và màng phủ nhựa đang gây ra những hệ lụy môi trường như ô nhiễm đất và khả năng cạnh tranh thấp.
Thời điểm cao nhất tổng diện tích cây trồng ở Trung Quốc được dùng màng phủ nhựa lên tới 18,14 triệu ha.
Trước đó, từ đầu năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã ban hành văn bản cấm sản xuất và buôn bán các loại màng phủ polyethylene có độ dày dưới 0,01 mm để sử dụng trong nông nghiệp.
Loại hình màng phủ nhựa đã đóng một vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp ở Trung Quốc trong nhiều năm qua khi nó đã góp phần làm tăng năng suất cho các loại ngũ cốc và hoa màu từ 20% lên 50% và đảm bảo an ninh lương thực.
Tuy nhiên bất chấp những lợi ích của công nghệ màng phủ nilon, việc sử dụng rộng rãi và thái quá đã tạo ra một lượng lớn chất thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến việc sử dụng đất do làm giảm sự xâm nhập của nước và sự di chuyển của chất dinh dưỡng.
Tại một số khu vực canh tác, vấn nạn này đã làm chậm sự phát triển của cây trồng và giảm hiệu quả sử dụng nước tưới do làm tăng hàm lượng muối của lớp đất mặt. Ghi nhận ở một số vùng ở Tây Bắc, tình trạng ô nhiễm tồn lưu màng phủ nhựa trên đồng ruộng ngày càng nghiêm trọng khi lên tới trên 250 kg/ha. Lớp màng phủ giúp giảm thiểu thất thoát nước do bay hơi nhưng cũng gây ra những hệ lụy lâu dài do khó phân hủy.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2020 là năm có nhiều yếu tố cực đoan về thời tiết, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL, trong đó có lĩnh vực canh tác vườn cây ăn trái.
Quá trình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả đang diễn ra khá mạnh ở ĐBSCL. Trong đó, có những mô hình cho lợi nhuận tới hàng trăm triệu đồng.
Mỗi năm cơ sở này có thể sản xuất và đưa ra thị trường được 20 vạn cây ăn quả các loại, doanh thu 2,6 tỷ đồng, lợi nhuận 1,2 tỷ đồng.