Trung Quốc giảm mua, cua biển Cà Mau lại rớt giá
Giá cua gạch hiện chỉ còn trên dưới 180.000 đồng một kg (giảm 100.000 đồng so với 3 tháng trước), cua y các loại chỉ ở mức 110.000–140.000 đồng một kg (giảm gần một nửa). “Những năm trước cứ đến Trung thu là gom không kịp hàng để xuất sang Trung Quốc. Năm nay họ giảm ăn nên cua biển Cà Mau không có đầu ra”, bà Phạm Thị Cưỡng - chủ vựa cua lớn ở huyện Năm Căn cho biết.
Trong khi các vựa thu mua gặp khó trong việc tìm đầu ra, hàng nghìn hộ nuôi cua biển ở Cà Mau cũng than lỗ. “Đón giá cua biển tăng cao vào mùa Trung thu như các năm trước nên bà con tranh thủ thả giống để nuôi, nhưng năm nay ai cũng méo mặt vì đùng một cái giá cua không lên mà còn giảm so với ngày thường”, chị Nguyễn Thị Tiên - hộ nuôi cua ở huyện Cái Nước nói. Theo chị, nếu trừ đi tiền con giống, công chăm sóc, thức ăn thì vụ này gia đình lãi không tới 1 triệu đồng.
Không chỉ bị “hớ” về giá trong dịp Trung thu, nhiều hộ còn lâm nợ vì bỏ hơn chục triệu đồng tiền thuê dụng cụ cải tạo lại ao đầm để nuôi với quy mô lớn.
Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh có diện tích nuôi cua biển lớn nhất nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nhiều ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Cái Nước. Nghề nuôi cua biển thương phẩm từng đem đến lợi nhuận cao và giúp nhiều nông dân làm giàu ở các năm trước.
“Hằng năm, lượng cua biển thương phẩm của tỉnh xuất sang Trung Quốc (nhiều nhất là huyện Năm Căn) bằng đường chính ngạch và tiểu ngạch lên đến nhiều nghìn tấn”, ông Trương Quốc Duẫn - Phó phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Năm Căn cho biết.
Theo các chủ vựa thu mua, giá cua biển xuống thấp chủ yếu do thương lái Trung Quốc giảm thu mua. Ông Võ Ngọc Hùng - chủ cơ sở thu mua ở thị trấn Năm Căn cho biết những năm trước, thương lái người Trung Quốc đến địa phương thu gom cua biển chuyển về nước rất đông. “Khi đó họ còn tranh nhau 'hét' giá cao để gom được nhiều hàng từ thương lái địa phương, nhưng năm nay không tìm đâu ra một bóng thương lái Trung Quốc”, ông Hùng nói.
Để giữ mối, nhiều vựa cua biển ở Cà Mau hiện đành chịu lãi thấp hoặc thua lỗ để xuất hàng sang Trung Quốc, nhưng với số lượng rất ít. “Trước đây mỗi ngày tôi xuất đi trên dưới 3 tấn cua biển, thì hiện tại con số này giảm xuống chưa đầy một tấn”, bà Cưỡng than.
Có thể bạn quan tâm
Gần 6 tháng kể từ khi xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt trên biển miền Trung và hơn 2 tháng từ khi Formosa chính thức thừa nhận đã xả thải gây ô nhiễm môi trường biển. Đến thời điểm này, dù có nhiều chính sách hỗ trợ, dù các ngành đã vào cuộc với tinh thần hết sức khẩn trương. Nhưng cuộc sống của hàng ngàn ngư dân vùng biển Diễn Châu (Nghệ An) vẫn còn gặp vô vàn khó khăn.
Tại cuộc giao ban thông tin báo chí sáng 20/9, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông tin về môi trường biển và việc khai thác, sử dụng hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Ngày 20.9, 3 Bộ Y tế, NNPTNT, TNMT tiếp tục đưa ra những khuyến cáo về môi trường biển, trong đó đáng chú ý là hướng dẫn nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, giám sát an toàn thực phẩm và sản xuất muối tại 4 tỉnh miền Trung của Bộ NNPTNT.