Trồng Và Chăm Thế Nào Để Dưa Hấu Ngon Ngọt
Trong những năm gần đây, diện tích dưa hấu ngày càng phát triển, tuy nhiên nông dân thường chú ý đến năng suất mà ít quan tâm đến phẩm chất dưa và việc trái mau bị thối trong bảo quản.
Để dưa hấu đạt năng suất và phẩm chất cao, nông dân trồng dưa hấu cần chú ý một số vấn đề sau: Phân bón là yếu tố quan trọng làm tăng năng suất nhưng ảnh hưởng rất lớn đến phẩm chất trái dưa. Nếu lạm dụng phân bón hoặc sử dụng không đúng sẽ làm cho dưa hấu giảm phẩm chất rõ rệt, rút ngắn thời gian bảo quản. Tùy theo loại đất mà có lượng phân bón khác nhau. Trên vùng đất tốt thì bón ít phân hơn.
Lượng bón trung bình cho 1.000m2 dưa hấu là 1 - 2 tấn phân chuồng hoai mục, 20 - 30kg phân tôm cá (giúp tăng vị ngọt và màu sắc của dưa), vôi 50 - 100kg kết hợp với lượng phân hóa học: 5kg urê + 5kg DAP + 3kg KCL + 80kg NPK 16-16-8 (nếu sử dụng phân đơn, bón 22kg urê, 35kg DAP và 15kg KCL). Ngay từ đầu vụ nên sử dụng màng phủ nông nghiệp sẽ hạn chế sự thất thoát phân bón do rửa trôi hoặc bốc hơi.
Bón đúng thời kỳ là một yếu tố khác tác động đến phẩm chất dưa hấu. Phân vôi được bón trước khi trồng 5 ngày. Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng, 1/3 phân tôm cá, 1/10 lượng phân hoá học.
Sau khi cấy 7 - 10 ngày nên pha phân tưới, urê hoặc DAP pha loãng 1 - 2%, tưới 2 - 3 lần, tưới thẳng vào gốc (1 thùng 10 lít tưới cho khoảng 50 dây). Khi dây dưa chuẩn bị bò, rải 2/10 lượng phân hóa học, 1/3 phân tôm cá, rải cách gốc 20 - 30cm.
Lúc cây chuẩn bị ra hoa (25 - 27 ngày sau cấy) rải 3/10 lượng phân hoá học, 1/3 phân tôm cá. Giữa rải phân lần 1 và lần 2 nên pha phân urê hoặc DAP pha loãng nồng độ 3 - 5%, tưới đậm khoảng 2 lần.
Giai đoạn mang trái: Lượng phân còn lại pha nước để tưới, chia nhỏ làm 4 - 5 lần tưới, mỗi lần cách nhau 5 ngày, số lượng tăng dần theo nhu cầu của dây dưa. Hai lần tưới đầu lúc trái bằng nắm tay thì phối hợp phân urê và DAP, trái lớn thì phối hợp DAP và KCL, trái chuẩn bị chín chỉ nên sử dụng KCL sẽ tạo cho trái dưa nhiều cát, có vị ngọt đậm đà và màu sắc đẹp.
Lưu ý tưới nước đúng cách sẽ hạn chế sự nứt trái và giúp trái bảo quản được lâu. Khi cây còn nhỏ, rễ chưa ăn sâu và rộng cần tưới sát gốc và nhiều lần trong ngày. Khi cây lớn, tưới xa gốc để nhử rễ mọc lan. Chỉ nên tưới gốc không nên tưới lên lá cây dễ bị bệnh. Giai đoạn mang trái cây cần nhiều nước nhất để trái phát triển. Tuy nhiên, 10 ngày trước khi thu hoạch bắt đầu giảm tưới, 5 ngày trước khi thu hoạch nên ngừng tưới hoàn toàn để giúp dưa ngọt, chắc và giữ được lâu.
Có thể bạn quan tâm
Dưa hấu hè, một vụ dưa hấu đã được trồng thành công và cho thu nhập bằng 2-3 vụ lúa ở một số vùng, đặc biệt các xã Đồng gia, Bình dân của Huyện Kim thành-Hải dương, một số xã ở vùng Thái thuỵ-Thái bình...
Lượng phân bón cho dưa hấu nhiều hay ít tuỳ thuộc độ màu mỡ của đất. Đất bạc màu, đất cát cần bón nhiều phân hơn đất thịt và đất sét.
Thời gian gần đây, Cty TNHH Hạt giống Syngenta Việt Nam đã đưa vào sản xuất tại Việt Nam một giống dưa không hạt đặc biệt chất lượng được thị trường rất ưa chuộng là giống dưa hấu Mặt Trời Đỏ
Song song với các biện pháp kĩ thuật thâm canh bà con cần lưu ý việc tuyển chọn quả trên dây dưa. Muốn thành công ở việc làm này thì ngay khi cây có 4-5 lá thật cần bấm ngọn để cây bật nhánh
Trước đây, dưa hấu thường chỉ được trồng vào dịp Tết, nhưng ngày nay với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông dân có thể trồng dưa hấu quanh năm, vì thế, sâu bệnh cũng liên tục phát triển. Trong đó, bệnh thán thư phổ biến và gây hại nghiêm trọng đến năng suất và phẩm chất dưa hấu.