Trồng Tiêu Lãi Khủng
Giá tiêu đang ở mức cao kỷ lục hơn 170.000 đồng/kg khiến người nông dân rất hồ hởi. Hồ tiêu được xem là điểm sáng của ngành nông nghiệp khi xuất khẩu tăng trưởng tốt và người trồng tiêu có lợi nhuận cao.
Lợi nhuận thuộc về người trồng tiêu
Anh Nguyễn Xuân Tuyển có 2ha trồng tiêu ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, cho biết giá tiêu mấy tháng nay liên tục tăng, hiện đã lên mức 170.000 đồng/tấn, cao nhất từ trước đến nay. Với mức giá này, tùy năng suất từng nơi, nông dân đang có lãi từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng/ha. “Năng suất vườn tiêu nhà tôi năm nay ước đạt khoảng 4 tấn. Với giá bán 170.000 đồng/kg hiện nay, sau khi trừ chi phí, tôi sẽ còn lãi hơn 550 triệu đồng”- anh Tuyển vui vẻ tính toán.
Một trong 3 người trồng tiêu ở Việt Nam đạt danh hiệu Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới, anh Trần Hữu Thắng ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, cho biết năng suất vụ tiêu năm nay ở vườn nhà anh có thể đạt 10 - 11 tấn/ha. Với giá bán hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình anh sẽ có lãi hơn 1,5 tỷ đồng/ha.
Bà Đặng Phan Phương Chi- Phó Tổng Giám đốc Công ty Unispice (liên doanh với Ấn Độ) cho biết không chỉ công ty của bà mà các bạn hàng thế giới đều tỏ ra kinh ngạc trước năng suất trồng tiêu cao gấp 3 đến 10 lần thế giới (năng suất trồng tiêu của thế giới tối đa là 1 tấn/ha) và khả năng nắm bắt thông tin thị trường nhanh nhạy của nông dân trồng tiêu Việt Nam.
“Chỉ cần giá thế giới lên xuống trong vòng 10 phút là nông dân Việt Nam biết hết và họ chủ động găm hàng lại hay bán ra, điều tiết giá cả của thị trường trong nước lẫn nước ngoài. Bởi hiện Việt Nam đang chiếm đến 50% lượng tiêu xuất khẩu toàn cầu nên họ hoàn toàn có thể làm được điều này” – bà Chi phân tích.
“Có thể nói đây là ngành hiếm hoi trong nền nông nghiệp nước nhà khi mà thu nhập và lợi nhuận chủ yếu thuộc về người trồng tiêu. Các doanh nghiệp chỉ đóng vai trò là người lưu thông, phân phối hàng hóa, còn giá cả thị trường là do nông dân quyết định” - ông Trần Đức Tụng - Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nhận xét.
Doanh nghiệp “bắt tay” với nông dân
Mặc dù có lợi thế cạnh tranh vượt trội về sản lượng và số lượng xuất khẩu, nhưng hồ tiêu VN vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như sản xuất thiếu bền vững, chưa kiểm soát được tình hình dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thế giới, 70% xuất khẩu chủ yếu qua trung gian, phần lớn là xuất thô và chưa có thương hiệu…
Cả 2 Công ty An Huy B.T và Unispice đều cho biết họ sẽ có mức thưởng thêm 1.000 đồng/kg cho những sản phẩm tiêu đạt chất lượng. Và theo bà Đặng Phan Phương Chi- Phó Tổng Giám đốc Công ty Unispice, công ty đang nghiên cứu thành lập các phân chi nhánh ở các vùng trồng tiêu trọng điểm để tổ chức thu mua trực tiếp tiêu của bà con vào mùa thu hoạch.
“Nhiều đơn hàng của Việt Nam trong năm nay bị đối tác trả về do bị nhiễm dư lượng hóa chất Carbendazim từ thuốc diệt nấm. Chính vì thế chúng tôi cần truy xuất nguồn gốc từng lô hàng để kịp thời có biện pháp ngăn chặn. Và giải pháp hữu hiệu nhất là phải xuống tận gốc nơi nông dân trồng tiêu để truyền đạt lại những yêu cầu chất lượng sản phẩm mà thế giới đặt ra và đặt hàng, tổ chức thu mua sản phẩm cho bà con” – bà Vương Ngọc Bích- Tổng Giám đốc Công ty An Huy B.T cho biết.
Nắm bắt nhu cầu đó, ngày 26.11, VPA đã tổ chức cho 2 Công ty Unispice và An Huy B.T xuống gặp hơn 120 nông dân trồng tiêu của xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lữ, tỉnh Đồng Nai để 2 bên kết nối với nhau.
Ông Trần Hữu Thắng- Chủ nhiệm Liên hiệp CLB trồng tiêu năng suất cao (gồm 6 CLB với 240 hộ trồng tiêu tham gia trên diện tích 280ha), cho biết đây cũng là mục tiêu và hướng phát triển mà nông dân trồng tiêu xã Xuân Thọ muốn hướng tới.
“Từ lâu chúng tôi đã muốn mời doanh nghiệp xuống để cùng bàn bạc, tổ chức mua tận gốc, bán tận ngọn, bỏ qua các tầng nấc trung gian để tăng giá bán cho bà con. Sau đó là tiến tới thỏa thuận, ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định, bền vững” – ông Thắng lý giải.
Ông Thắng khẳng định tiêu của các thành viên của Liên hiệp CLB nói chung và xã Xuân Thọ nói riêng không có sử dụng thuốc Carbendazim để trừ nấm. Bởi từ mấy năm nay, bà con đã hướng tới sản xuất sạch, bớt phân vô cơ, tăng cường bón phân hữu cơ và sử dụng thuốc vi sinh để diệt trừ sâu bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Là huyện có truyền thống và thế mạnh trong sản xuất vụ đông, những năm qua Vũ Thư (Thái Bình) luôn chú trọng, từng bước đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm. Vụ đông năm 2013, huyện phấn đấu gieo trồng 7.250 ha, tập trung phát triển những cây chủ lực như đậu tương, khoai tây, ngô...
Hiện nay, người dân vùng trồng chuyên canh cây thanh long của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang hết sức phấn khởi. Cảnh mua bán tấp nập làm cho không khí thêm vui tươi, nhộn nhịp. Bà con chia sẻ năm nay thanh long được mùa được giá nên lợi nhuận cao hơn nhiều so với mọi năm.
Sau hơn 1 năm triển khai công tác dập dịch “chổi rồng” trên cây nhãn, ngành nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long đã phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể trong tỉnh hỗ trợ kinh phí, thuốc điều trị, hướng dẫn nhà vườn cắt tỉa cành, phun xịt trên 8.005ha vườn nhãn bị bệnh (chiếm 91% diện tích nhiễm bệnh)… nhằm khôi phục lại vườn nhãn bị bệnh. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long, sau công tác dập dịch, tỷ lệ nhiễm bệnh “chổi rồng” giảm đáng kể với tỷ lệ nhiễm nhẹ phổ biến ở mức 15 - 30%. Công tác tập huấn, tuyên truyền vẫn tiếp tục được thực hiện nhằm giúp nhà vườn đầu tư chăm sóc, xử lý giai đoạn ra hoa, cho trái,... Tuy nhiên, sẽ có nguy cơ tái nhiễm ở những vườn không tích cực phòng trị theo quy trình đã được hướng dẫn.
Sau khi giới thiệu tới độc giả về đặc điểm và cách lựa chọn giống cá Nàng Hai sao cho hiệu quả trong quá trình nuôi, kỳ này, chúng tôi gửi tới độc giả về cách chuẩn bị ao nuôi để nuôi cá Nàng Hai thuận lợi.
Vợ chồng anh Lê Ngọc Lễ - chị Nguyễn Thị Hạnh (chủ trang trại sinh thái Cát Ngọc ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã chinh phục thành công vùng cát trắng ven biển làm trang trại, tạo nên lối mở thoát nghèo, làm giàu cho nhiều người tại địa phương.